Nguy hiểm “rình rập” nơi cổng trường

Số học sinh gia tăng, phương tiện giao thông đông đúc, ý thức của một số người dân còn hạn chế... khiến cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra ở khu vực cổng trường. Tình trạng này không chỉ ở những thành phố lớn mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình Cổng trường ATGT trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện thời gian qua có chuyển biến rõ nét. Ảnh: CẨM TÚ
Mô hình Cổng trường ATGT trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện thời gian qua có chuyển biến rõ nét. Ảnh: CẨM TÚ

Vào giờ đến lớp hay lúc tan học, giao thông tại khu vực các cổng trường Hà Nội ở khắp các tuyến phố đều rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khiến người tham gia giao thông bức xúc. Tại các tuyến phố có trường học như: Trường tiểu học Chu Văn An trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Trường Liên cấp Newton tại ngõ 234 phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Trường tiểu học Trần Quốc Toản trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm), Trường Liên cấp Marie Curie trên phố Trần Văn Lai (quận Nam Từ Liêm)... tình trạng ô-tô, xe máy của các bậc phụ huynh dừng đỗ bừa bãi, lộn xộn trên vỉa hè, dưới lòng đường trước các cổng trường chờ đón học sinh ra về, gây cản trở giao thông, ùn tắc nghiêm trọng. Tại khu vực Trường tiểu học Chu Văn An, phụ huynh dừng đỗ xe máy bừa bãi, chen lấn vô tội vạ, lấn chiếm cả 2/3 lòng đường phố Thụy Khuê vào giờ tan trường.

Đống Đa là quận đông dân thứ hai tại Hà Nội với nhiều trường học được xây dựng và hoạt động từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên do tốc độ phát triển đô thị và dân số tăng nhanh, nhiều trường đang nằm lọt thỏm trong khu dân cư với lối đi nhỏ hẹp, ngoắt ngoéo như Trường tiểu học và Trường THCS Trung Phụng tại phố Chợ Khâm Thiên, Trường tiểu học La Thành tại ngõ Thổ Quan. Điển hình tại khu vực ngõ Quan Thổ 1 (phố Tôn Đức Thắng) thông sang ngõ Cẩm Văn (đường Đê La Thành) có tới 3 ngôi trường (THPT Đống Đa, Tiểu học Tô Vĩnh Diện và THCS Tô Vĩnh Diện) với hàng nghìn học sinh đang theo học. Thế nhưng khu vực này từ hàng chục năm nay tồn tại chợ dân sinh cùng nhiều hàng quán lấn chiếm lòng đường, mặt ngõ càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) vào thời điểm tan lớp.

Cũng tình trạng đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, vào các khung giờ cao điểm, tại một số cổng trường học có thể dễ dàng bắt gặp cảnh phụ huynh, học sinh dừng đỗ ô-tô, xe máy lộn xộn dưới lòng đường, và thường xuyên phạm các lỗi như: không trang bị mũ bảo hiểm cho con em; chở hai, chở ba; chạy hàng hai, hàng ba, chạy ngược chiều; nhiều học sinh chưa đủ tuổi nhưng đã điều khiển xe gắn máy... Tại cổng Trường tiểu học Điện Biên 1, đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, nhiều phụ huynh đón con bằng ô-tô, xe máy đứng chờ hai bên đường, khiến việc giao thông qua khu vực này giờ tan tầm rất khó khăn, gây nhiều mối nguy hiểm cho các cháu nhỏ và người đi đường.

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các cổng trường học và các tuyến đường lân cận vẫn cứ lặp lại sau khi tan trường không chỉ khiến cho tình hình giao thông của thành phố trở nên lộn xộn, mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của các em học sinh và phụ huynh. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận những khu vực cổng trường như những điểm ùn tắc và cần có những giải pháp vĩ mô và vi mô để giải quyết tận gốc.

Từ cuối năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình cổng trường ATGT tại một số cổng trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đến nay, mô hình này đã cho thấy kết quả tích cực, khu vực cổng trường đã bớt ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, thậm chí không xuất hiện. Những nỗ lực trên là thành quả của toàn bộ quá trình phối, kết hợp thường xuyên liên tục từ các cơ quan chức năng, phần nào khiến các bậc phụ huynh yên tâm mỗi khi đưa, đón con đi học hoặc về nhà.

Thiết nghĩ, xung đột giao thông giờ tan trường không thể giải quyết ngày một, ngày hai, nhưng để hạn chế thấp nhất tình trạng này, trước mắt chính quyền các địa phương cơ sở cần thực hiện triệt để các giải pháp đã đặt ra, trong đó có việc giải tỏa ngay chợ “cóc”, chợ tạm gần cổng trường; hạn chế hàng quán, hàng rong; bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý. Đặc biệt mỗi phụ huynh cần tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng để cùng tạo dựng văn hóa giao thông nơi cổng trường, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, vừa giáo dục ý thức học sinh tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, vừa giảm ùn tắc từ xa.