1/3 thế giới không được ngắm dải Ngân Hà
Trong đó bao gồm 80% người Mỹ và 60% người dân châu Âu do ô nhiễm ánh sáng đô thị.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tạo ra một bản đồ thế giới về độ chiếu sáng nhân tạo để chỉ rõ ô nhiễm ánh sáng lan tràn trên hành tinh chúng ta như thế nào. Ánh sáng này làm mờ tầm nhìn những ngôi sao, những hiện tượng trên bầu trời và dải Ngân Hà trong đó có cả hệ mặt trời của chúng ta. Dù cho có một vài nơi bầu trời đêm vẫn còn ngự trị nhưng 83% dân số thế giới và hơn 99% dân số ở Mỹ và châu Âu sống dưới ánh sáng nhân tạo và chịu ô nhiễm ánh sáng. “Đây là một tổn thất khủng khiếp về văn hóa và để lại những hậu quả không thể tiên lượng trước được cho các thế hệ tương lai”, nhà khoa học Fabio Falchi, một trong những tác giả của nghiên cứu này nói.
Nước bị ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng nhất trên thế giới là Singapore, nghiên cứu cho thấy “toàn bộ dân số sống trong không gian quá sáng khiến mắt người không quen điều tiết với việc nhìn trong bóng tối”, ông nói. Có những nước khác nơi hơn một nửa dân số sống dưới những bầu trời đêm cực sáng như Kuwait, Qatar, UAE, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Israel, Argentina, Libya... Những nước có dân số bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng ít nhất bao gồm Cộng hòa Trung Phi và Madagascar. Hơn 3/4 người dân ở nước này sống dưới bầu trời đêm tự nhiên.
Tác động xấu tới thiên nhiên hoang dã
Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng tai hại tới thiên nhiên hoang dã và sức khỏe con người. Christopher Kyba, một nhà vật lý nghiên cứu ánh sáng bầu trời tại Trung tâm nghiên cứu khoa học địa lý của Đức ở Potsdam nói: trong nhiều tỷ năm sinh vật tiến hóa trong một thế giới nơi ánh sáng và bóng tối được kiểm soát bởi độ dài của một ngày. Khi mặt trời xuống, những nguồn sáng như mặt trăng, vì sao, các hành tinh và dải Ngân Hà thắp sáng bầu trời. Cuộc sống vận hành dưới ánh sáng của chúng. Chỉ trong vòng 100 năm qua, với sự phát triển của ánh sáng nhân tạo, vòng tuần hoàn này phần nào đã biến mất.
Ô nhiễm ánh sáng có thể tác động tới văn hóa, gây ra các vấn đề về sinh học, sức khỏe và lãng phí tiêu thụ năng lượng. Chẳng hạn ánh sáng nhân tạo có ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý và hành vi con người. Nó có thể thay đổi nhịp điệu sinh học, dẫn đến các trục trặc trong hệ thống trao đổi chất, hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh, ảnh hưởng tới khả năng sản sinh một số hóc môn của con người - theo một báo cáo y học năm 2007. Nó cũng làm rối loạn giấc ngủ bằng cách ngăn chặn việc tạo ra melationin và gia tăng lượng cortisol, một loại hóc môn dẫn tới stress.
Mặt khác ánh sáng đô thị cũng ảnh hưởng cả tới những vùng không người ở, gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống hoang dã. Chẳng hạn ánh sáng rực rỡ trong những khu nghỉ dưỡng gần bờ biển có thể gây hại cho rùa con khiến những con mới nở bị mất phương hướng và đi vào đất liền thay vì đi ra đại dương, khiến chúng bị chết bởi kiệt sức mất nước hoặc làm mồi cho thú khác, theo một nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn rùa biển. Hơn 130 loài sinh vật trên rạn san hô Great Barrier Reef sinh sản theo ánh trăng. Mỗi tháng 10 và 11 sau kỳ trăng tròn, những sinh vật phóng tinh trùng và trứng vào biển, bắt đầu một chu kỳ sinh sản. Ánh sáng nhân tạo có thể che khuất tuần trăng này, khiến đồng hồ sinh học của rạn san hô rối loạn dẫn đến việc chúng sinh ra các tế bào có khả năng sinh sản muộn hoặc không có khả năng sinh sản nữa.
Sức quyến rũ của những chùm sáng ở các cao ốc và các bóng đèn đô thị cũng có thể là án tử cho những con chim di trú. ”Những con chim sẽ va vào nhau hoặc chúng sẽ bay lòng vòng trong ánh sáng đó đến khi rơi xuống vì kiệt sức”, Michael Mesure, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Chương trình nâng cao nhận thức về ánh sáng gây tử vong, một tổ chức phi lợi nhuận ở Canada cho biết. Có từ 100 triệu đến 1 tỷ con chim đâm vào các tòa nhà ở khắp Bắc Mỹ hằng năm. Một số những cái chết này gây ra bởi các cửa sổ tòa nhà phản chiếu ánh sáng suốt ngày và những vụ khác là ánh sáng rực rỡ vào ban đêm.
Chúng ta đều biết rằng côn trùng bị thu hút tới ánh sáng như thiêu thân tới ngọn lửa. Tiến sĩ Justice, nhà sinh học nghiên cứu hành vi gợi ý rằng nên đổi bóng đèn hiên nhà thành một bóng LED có mầu sắc ấm, sẽ thu hút ít côn trùng hơn và sẽ phát tán ít ánh sáng mạnh vào không gian chung quanh hơn bóng huỳnh quang compact, bóng đèn tròn halogen, ánh sáng chói và ánh sáng vàng. “Khi bạn nhân lên một tác động nhỏ bởi hàng triệu triệu bóng đèn ngoài đó bạn có thể tạo nên một thay đổi có ý nghĩa”- ông nói.
Gìn giữ vẻ đẹp bầu trời đêm
Chỉ trong vài thập kỷ tăng trưởng ánh sáng, con người đã bao phủ hầu hết chúng ta trong một màn ánh sáng nhân tạo, che khuất hầu hết những kỳ quan tuyệt diệu của thiên nhiên và vũ trụ, Falchi nói. Hàng triệu đứa trẻ sẽ không còn được chiêm ngưỡng dải Ngân Hà nữa. Hiệp hội bầu trời đêm quốc tế (IDA) tuyên bố: Ô nhiễm ánh sáng “tước đoạt cơ hội trải nghiệm kỳ quan của bầu trời đêm tự nhiên”. IDA đưa ra chương trình bảo tồn những nơi có bầu trời đêm trên thế giới năm 2001, khuyến khích các cộng đồng bảo vệ những nơi còn bầu trời đêm nguyên sơ.Một trong số những Khu bảo tồn trời đêm quốc tế này là những nơi xa xôi và tối tăm nhất thế giới bao gồm các trường đại học dành cho nghiên cứu quan sát thiên văn, nằm trong thung lũng Elqui phía bắc Chile và Cosmic Campground, thuộc rừng quốc gia Gila ở phía tây Tân Mexico.
Mối nguy hiểm của ô nhiễm ánh sáng dần được các nhà khoa học nhìn nhận nghiêm túc. Tuy là khó có thể đo đếm mức độ ô nhiễm ánh sáng nhưng có nhiều cách để giảm bớt màn ánh sáng nhân tạo quá dư thừa. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng cộng đồng thử nghiệm các công nghệ chiếu sáng mới hạn chế sự phát tán của ô nhiễm ánh sáng, sử dụng ánh sáng ở mức vừa đủ để chiếu sáng, khuyến khích việc tắt đèn khi không sử dụng và giới hạn việc sử dụng ánh sáng xanh có thể tác động tới nhịp độ sinh học và thậm chí cả tầm nhìn của con người và động vật. Những chụp đèn ở đèn đường nhằm mục đích không để ánh sáng ảnh hưởng nhiều tới không gian chung quanh...
Vẻ đẹp của bầu trời nguyên sơ cũng có thể tác động tới con người, Falchi nói.“Tôi đã muốn học vật lý, bởi thực tế là tôi đã được ngắm bầu trời đẹp tự nhiên 30 năm trước nơi tôi sống, giờ không còn nữa”.
Ô nhiễm ánh sáng có thể tác động tới văn hóa, gây ra các vấn đề về sinh học, sức khỏe và lãng phí tiêu thụ năng lượng. |