Nghe chúng tôi đề nghị kể chuyện "hạ sơn", ông Ly Khua Dơ liền đưa tay chỉ về hướng núi và nói: Người H’Mông quen sống trên những đỉnh núi như thế, quen với nếp nhà có mây vờn quanh, nhưng trên núi ít đất trồng cây lại thiếu nước quanh năm vì thế cây ngô không ra bắp, cây lúa có bông cũng chẳng được ăn. Cuộc sống lam lũ, đói nghèo. Năm 1986, khi chính quyền địa phương có chủ trương đưa người H’Mông xuống núi, tôi đã mạnh dạn đăng ký, trong khi bố mẹ và anh em họ hàng lại kịch liệt phản đối, vì lo xuống núi không có đất sản xuất, rồi thêm nữa là nỗi sợ "ở thấp mắc nhiều bệnh hơn" mà bao đời nay người H’Mông đã truyền tai nhau như thế! Lựa lời nói với bố mẹ và anh em, Ly Khua Dơ quả quyết: "Tôi xuống núi trước để làm nhà, làm nương; bố mẹ và các anh cứ ở lại, sau này nếu tin tôi thì hãy đi cùng". Nói là làm, mùa đông năm 1986, Ly Khua Dơ cùng 16 gia đình khác trong bản làm một cuộc "hạ sơn" lịch sử. Trên nền đất mới (là bản Chua Lú bây giờ), ròng rã suốt mấy tháng liền, 17 gia đình người dân tộc H’Mông giúp nhau dựng nhà, cùng nhau phát cây làm nương ngô, nương lúa.
Nhận thấy thóc, ngô thu về không xứng với công sức bỏ ra. Ly Khua Dơ cất công ra xã, về huyện tìm hiểu các loại giống cây trồng. Ly Khua Dơ đã vô cùng mừng rỡ khi được giới thiệu giống ngô mới là VN10, NP888... cho năng suất cao hơn. Anh đã đem hạt ngô giống mới ra khoảng nương gần nhà gieo những hạt đầu tiên trước sự hồ nghi của không ít người. Mỗi ngày đều ở trên nương ngô từ sáng sớm đến chiều muộn; tối đêm Ly Khua Dơ lại đọc, ghi chép từ tập báo mượn ở xã vào cuốn vở tập viết. Nhờ nghiên cứu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây nào cây ấy xanh mướt, cho bắp to, hạt dày khác hoàn toàn giống ngô bản địa. Vụ tiếp theo Ly Khua Dơ đã mạnh dạn trồng thêm 2 ha giống ngô mới và đến nay diện tích ngô giống mới đã đạt hơn 20 ha. Học theo cách làm của Ly Khua Dơ, hầu hết các gia đình trong bản Chua Lú đều chuyển sang trồng giống ngô mới kết hợp xen canh tăng vụ đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Và cũng nhờ đó mà chẳng ai bảo ai, các gia đình H’Mông ở bản Chua Lú cũ đã cùng nhau xuống núi. Từ 17 hộ ban đầu, tới nay, bản Chua Lú đã có hơn 120 mái nhà.
Không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi mà nhiều năm nay ông Ly Khua Dơ còn được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ bản Chua Lú. Gánh trọng trách ấy trên vai, ông luôn trăn trở với suy nghĩ "mỗi đảng viên phải là hạt nhân gắn kết mọi người, giúp các gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn"! Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, ông Ly Khua Dơ luôn dành phần lớn thời gian để các đảng viên bàn về giải pháp chăm lo phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo trong bản thoát nghèo. Sau mỗi buổi họp chi bộ, ông Dơ đều đề nghị từng đảng viên thông tin kịp thời các nội dung, chủ trương đến người thân trong gia đình và toàn thể dân bản. Riêng mình, ông Dơ còn dành thời gian đến từng nhà thông tin, lắng nghe tâm tư từng người và luôn sẵn sàng hỗ trợ vốn, cây, con giống và kỹ thuật chăm sóc để hộ nghèo có điều kiện thực hiện các mô hình.
Cả bản Chua Lú hiện đã có gần 300 ha ngô, số hộ nghèo giảm còn 50/120 hộ, an ninh được bảo đảm, bản không còn người nghiện ma túy. Anh Vàng Khai Chư, bản Chua Lú, cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo, khó khăn lắm. Được Bí thư Ly Khua Dơ động viên, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô, áp dụng khoa học vào canh tác, cây ngô nhà tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện gia đình tôi đã có hơn 2 ha ngô, có vườn-ao-chuồng chăn nuôi lợn, gà, cá… cho nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm".
Đánh giá cao những đóng góp của ông Ly Khua Dơ, Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung Vừ Sái Sùng, khẳng định: Đồng chí Ly Khua Dơ luôn nêu cao tấm gương về tinh thần dám nghĩ, dám làm trong mọi hoạt động, từ phát triển kinh tế gia đình đến góp sức giúp người nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bằng những việc làm thiết thực của mình, đồng chí Ly Khua Dơ đã và đang thắp lên niềm tin thoát nghèo, là "ngọn đuốc" soi đường giúp người H’Mông bản Chua Lú vươn lên trên hành trình xóa đói, giảm nghèo.