Nghĩ về danh hiệu Kẻ sĩ Thăng Long

Có một câu thơ cổ, không biết của ai, từ thời nào: Thăng Long phi chiến địa/ Thiên hạ vạn đại xương. Hiểu đơn giản, Thăng Long không phải là chiến địa, nhưng thực tế, Thăng Long luôn xảy ra những trận đánh lớn, trận đánh quyết định. Kẻ thù nào cũng muốn chiếm và hủy diệt Thăng Long và chỉ khi chiến thắng ở Thăng Long, dân tộc mới được giải phóng.
Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2024 trên địa bàn do thành phố Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tối 3/10. Ảnh: BẢO ANH
Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2024 trên địa bàn do thành phố Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tối 3/10. Ảnh: BẢO ANH

Từ Thăng Long phi chiến địa đến Thành phố vì hòa bình

Thời hiện đại là trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cũng trong những ngày này, có một câu nói của một cô gái Hà Nội, nhân viên khách sạn Thống Nhất nói với một nhà báo nước ngoài: Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người. Câu nói đó đã trở nên nổi tiếng sau khi nhà báo Thép Mới dùng làm đầu đề cho bài xã luận trên báo Nhân Dân số ra ngày 26/12/1972, và khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, bạn bè quốc tế càng thấy rõ Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, là một biểu tượng của hòa bình, thân thiện, của lương tri và phẩm giá con người. Vậy nên cần hiểu, ngày nào hết chiến tranh ở kinh kỳ Thăng Long, ngày ấy, thiên hạ muôn đời thịnh trị. "Thiên hạ", trong nghĩa hẹp là Việt Nam, nghĩa rộng hơn là khi ý thức con người hiểu được hòa bình là giá trị cao hơn hết thảy, thì mới có một nền hòa bình, thịnh trị lâu dài. Nó có thể là một tiên tri.

Người Hà Nội, người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hòa bình để phát triển. Nguyễn Trãi từng viết: "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy".

Ngày 16/7/1999, tại thủ đô Lapaz của Bolivia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao danh hiệu "Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình" cho Hà Nội. Thăng Long - Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á, là một trong năm thành phố đại diện cho năm châu lục được chọn trao giải thưởng này. Đó là khi thế giới nhận thấy, Hà Nội là thành phố thân thiện, nơi kiến tạo nền hòa bình chung cho thế giới; là đô thị tiêu biểu về các hoạt động cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, môi trường sinh thái …

Những năm 1999- 2000, người dân Hà Nội mới có thu nhập 800 USD/người/năm thì 2024 đã tăng gấp mười lần. Mục tiêu phấn đấu đến 2045 theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về Hà Nội là: "Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Từ Kẻ sĩ Thăng Long đến đội ngũ trí thức mới

Không nơi nào trên đất nước ta có một cụm từ phản ánh một thực tế đáng tự hào: Kẻ sĩ Thăng Long!

Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, chấm dứt hoàn toàn 1.000 năm đô hộ của chính quyền phong kiến Trung Quốc.

Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên nước ta từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, dựng Văn Miếu ( năm 1070), đến đời vua sau lập Quốc Tử Giám (năm 1076). Năm 1253, Vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện để không chỉ dạy học cho con em hoàng tộc mà còn thu nhận cả con cái các nhà thường dân.

Đó là tầm nhìn về độc lập tự chủ không chỉ ở bờ cõi "Sông núi nước Nam vua Nam ở" mà còn ở văn hiến, ở việc xây dựng đội ngũ trí thức làm rường cột cho nước nhà.

Thật đáng tự hào thay, đúng 540 năm trước - năm 1484, Thân Nhân Trung thừa mệnh Vua Lê Thánh Tông khắc vào bia đá một câu đáng để thế giới kinh ngạc Hiền tài là nguyên khí quốc gia!

Như một quy luật, Thăng Long là nơi xuất hiện, nơi đào tạo hiền tài lớn nhất cả nước. Kẻ sĩ Thăng Long đã góp công to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước, làm nên bản sắc người Hà Nội và làm rạng danh đất nước.

Kẻ sĩ Thăng Long không chỉ học nhiều biết rộng mà trước hết là người mang lòng yêu nước, yêu dân thiết tha Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông (Nguyễn Trãi). Họ là người trung thực, không sợ cường quyền, không bị vật chất, tước vị cám dỗ mà xa rời chân lý, dám hy sinh cả mạng sống để bảo vệ chân lý, bảo vệ đất nước.

Ngày nay, đội ngũ trí thức Hà Nội và sống tại Hà Nội đã và đang ngày càng lớn mạnh.

Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% số tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% số phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% số nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc.

Căn cứ nhu cầu thực tế và thực hiện các nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết số 45 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách mang tính đột phá. Chẳng hạn, những thủ khoa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu, các tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng. Sau hai năm công tác, những người này sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo bậc sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ 30 lần mức lương tối thiểu làm luận văn thạc sĩ và hỗ trợ bằng 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ và được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu... những chính sách đó đã và chắc chắn sẽ phát huy tính tích cực tạo nên nguồn lao động chất lượng cao.

Khi mỗi người trí thức mới phát huy hết vai trò của mình trong việc phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là khi Hà Nội thật sự bay vượt lên trong dáng vẻ Thăng Long hào hùng, tráng lệ.