Không còn lãi suất thấp
Không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5%-1,2% so với đầu tháng 10 và mức lãi suất trên 10% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Cụ thể, tại VPBank, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn một tháng (kỳ điều chỉnh lãi một tháng) và cao nhất là 10,6%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi ba tháng).
Đáng chú ý, từ đầu tháng 10 đến nay TPBank đã hai lần điều chỉnh nâng lãi suất cơ sở. Cụ thể, lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân ngày kỳ hạn một tháng đang niêm yết ở mức 9,1%, tăng 1,1%/năm so với tháng trước; kỳ hạn ba tháng ở mức 10,1%, tăng 1,2%; các khoản vay sáu tháng đến dưới một năm lãi suất cơ sở là 10,2%, tăng 1,2%; kỳ hạn trên một năm lãi suất cơ sở đang được niêm yết 10,6%, tăng 1,1%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng niêm yết biểu lãi suất cơ sở cho vay mới như ACB hiện ở mức 8%/năm; SeABank 9,6%; Eximbank hiện đang dao động trong khoảng 7,8%-9,9%; ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm; Sacombank hiện đang dao động trong khoảng 6%-8,3%/năm tùy kỳ hạn.
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3%-4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay, nhất là khi tỷ giá USD đang tăng mạnh, gia tăng áp lực lên tỷ giá VND. Lãi suất tiền vay tăng sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá.
Doanh nghiệp khó khăn trong "cơn bão"
Theo lãnh đạo Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định), từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào chính tăng khoảng 10%-15%. Trước sức ép này, hợp tác xã buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra, nếu không sẽ lỗ nặng.
"Nhưng chúng tôi chỉ dám tăng giá từ 5%-7% giá bán để tránh không bị lỗ nhiều, tăng mạnh hơn sẽ mất khách. Tuy nhiên, nay lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên thì lập tức tác động tới chi phí đầu vào, hợp tác xã sẽ thêm khó khăn", vị này chia sẻ.
Tương tự ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit thông tin, lãi suất cho vay tăng là một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các doanh nghiệp đau đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, nên các doanh nghiệp đang được vay với lãi suất chỉ 5%-6%/năm. So với đầu năm 2022, mức lãi suất này tăng thêm 0,5%. Trước động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông dự đoán lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Cũng theo ông Viên, khoảng 30%-50% vốn hoạt động của doanh nghiệp là từ ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi, mà nay phải đối diện với biến động tài chính thì càng thêm khó khăn.
Không chỉ lãi suất vay mới tăng, nhiều khách hàng có khoản vay cũ gần đây cũng nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất. Theo anh Nguyễn Sơn (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), từ tháng 10/2022, anh phải tốn thêm vài triệu đồng/tháng cho khoản vay mua ô-tô - số tiền đáng kể so với thu nhập của gia đình.
"Năm đầu tiên, tôi chỉ trả lãi 7%/năm, sau đó điều chỉnh theo thị trường. Theo cam kết ban đầu với ngân hàng, lãi suất mà tôi phải trả sẽ không quá 10,45%/năm nhưng nay họ thông báo tăng lên tới 12,2%/năm. Từ khoảng 11,5 triệu đồng/tháng lên hơn 14 triệu đồng/tháng cả gốc lẫn lãi, nếu tăng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chi tiêu của gia đình tôi", anh Sơn lo lắng.
Các chuyên gia tài chính khuyến cáo nếu không có nhu cầu thật sự, người dân chưa vội vay vốn thời điểm này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới.
Các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Theo thống kê năm 2021, thế giới đã có 113 lượt tăng lãi suất điều hành. Còn tính từ đầu năm đến nay, đã có thêm 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Trong khối ASEAN, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng đã liên tục tăng lãi suất điều hành.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa thông báo ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi nguy cơ suy thoái tại Khu vực đồng euro (Eurozone) gia tăng.
"Từ nay tới cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất. Động thái này khiến lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới", bộ phận Chứng khoán Bảo Việt phân tích.
Mặc dù lãi suất cho vay tăng nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn nhấn mạnh trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.