Ngăn chặn khủng hoảng

Ngăn chặn nguy cơ căng thẳng, làm dịu các cuộc khủng hoảng là xu thế chung của thế giới, hướng tới nền hòa bình bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu trong lịch sử, Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) thăm Bahrain.
Lần đầu trong lịch sử, Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) thăm Bahrain.

1. Quân đội Sudan và lãnh đạo các nhóm dân sự đã ký thỏa thuận sơ bộ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Thỏa thuận được ký bởi Tướng Abdel Fattah Al Burhan-người lãnh đạo cuộc đảo chính hồi năm ngoái, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo-lãnh đạo thứ hai trong Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp của Sudan, cùng đại diện một số nhóm dân sự, trong đó có Lực lượng tự do và thay đổi. Thỏa thuận được tiến hành đàm phán với sự hiện diện của các quan chức Liên hợp quốc, các nhà ngoại giao phương Tây, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Quân đội Sudan lên nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 10 năm ngoái, chấm dứt thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các đảng dân sự, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn cả về chính trị lẫn kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế và các cường quốc đã nỗ lực giúp ổn định lại tình hình ở quốc gia này. Trong giai đoạn đầu, thỏa thuận khung này sẽ đặt nền tảng cho việc thiết lập chính quyền chuyển tiếp dân sự. Thỏa thuận cuối cùng nhằm giải quyết các vấn đề, như tư pháp trong giai đoạn chuyển tiếp và cải cách đối với quân đội, sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới.

2. Lần đầu trong lịch sử, Tổng thống Israel thăm Bahrain. Quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện kể từ sau Hiệp định Abraham do Mỹ thúc đẩy cách đây hai năm.

Hiệp định Abraham được ký kết hồi tháng 9/2020 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt. Trước đó, chỉ có Ai Cập và Jordan là hai nước trong khối có quan hệ với Israel. Kể từ khi ký văn kiện này, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh nói trên đã được mở rộng, đáng chú ý là việc nối lại các chuyến bay thẳng và các thỏa thuận kinh tế. Tổng thống Israel Isaac Herzog khẳng định, các Hiệp định Abraham đang phát huy tác dụng, đồng thời mong muốn sẽ có thêm các thành viên tham gia.

3. Các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi động cuộc đàm phán về thương mại và công nghệ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về các khoản trợ cấp của Mỹ cho ngành công nghiệp thân thiện môi trường mà châu Âu phản đối. Vòng đàm phán cấp bộ trưởng lần thứ ba của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU đề cập mạnh mẽ nhất đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Washington. Đạo luật này được soạn thảo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Mỹ sang nền kinh tế carbon thấp, bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ cấp cho năng lượng xanh, cũng như cắt giảm thuế đối với ô-tô và pin điện do Mỹ sản xuất. EU chỉ trích IRA là mối đe dọa đối với việc làm ở châu Âu, đặc biệt trong ngành năng lượng và ô-tô.

Quan chức của EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton chỉ trích Mỹ không dành đủ không gian để giải quyết các vấn đề mà nhiều chính phủ và doanh nghiệp châu Âu quan tâm. Trước đó, ông Breton đe dọa sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và xem xét "các biện pháp trả đũa" nếu Mỹ không đảo ngược các khoản trợ cấp của mình. Kế hoạch này cũng là chủ đề thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước vừa qua.

Ngăn chặn khủng hoảng ảnh 1
Hiện có gần 10% dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

4. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi kích hoạt quá trình chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực mà FAO đang hỗ trợ, coi đó là chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh: Nhiều mục tiêu phát triển bền vững đang chệch hướng và sẽ chỉ đạt được nếu các hệ thống nông lương được chuyển đổi phù hợp để chống chọi những thách thức toàn cầu đang diễn ra.

FAO cảnh báo, đến năm 2050, dự kiến thế giới sẽ có 10 tỷ dân và đây sẽ là một thách thức chưa từng có nếu không có những nỗ lực đáng kể để đảo ngược xu hướng hiện tại. Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn ba tỷ người không đủ khả năng có một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế hành động ngay bây giờ thì việc chuyển đổi toàn diện các hệ thống nông lương là hoàn toàn khả thi và có thể mang lại thay đổi bền vững lâu dài.