Ngẫm từ vụ án chuyến bay giải cứu

VỚI 54 bị cáo hầu hết là cán bộ có vị trí cao trong cơ quan công quyền, người đứng đầu doanh nghiệp; với 4/5 tội danh bị truy tố thuộc nhóm tội phạm về chức vụ: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; với 21 bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình, vụ án "Chuyến bay giải cứu" đang trở thành mối quan tâm, đau xót và bức xúc trong nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Đau xót là bởi chứng kiến một "mảng mầu ố xám" được vạch trần trong bức tranh chống dịch Covid-19 - thời khắc đặc biệt khó khăn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã vượt qua bằng những quyết sách sáng suốt, bằng nghĩa tình son sắt, tinh thần đoàn kết dân tộc. Những người từng là "công bộc của dân" được Đảng, nhân dân giáo dục, đào tạo, tin tưởng trao cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, được trả lương từ mồ hôi, công sức, đóng góp của nhân dân, lại đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi từ chính sách, để vụ lợi, tham nhũng, lừa đảo. Họ đã phản bội lại Đảng và nhân dân. Sẽ có các mức phạt thích đáng đối với "những con sâu làm rầu nồi canh", nhưng chúng ta cũng cần sớm rút ra những bài học để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh từ vụ việc này.

Trước tòa, hầu hết các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận, dù trong những lời khai nhận ấy vẫn còn những biện bạch của những người nguyên là cán bộ cao cấp từng nhận hối lộ 37 lần với hơn 8 tỷ đồng, trước tòa vẫn trình bày: "Tôi không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật". Hoặc có bị cáo khai: "Tôi nhận tiền của doanh nghiệp chứ không phải tiền của nhà nước…".

Phải khẳng định, ý chí, hành động của Đảng, Nhà nước, của toàn dân ta khi đưa ra quyết sách đúng đắn, nhân văn trong đại dịch đúng với truyền thống của dân tộc: Dùng mọi khả năng có thể để đón công dân ta đang mắc kẹt trong dịch bệnh tại một số quốc gia trên thế giới về nước, không để ai lại phía sau. Nhưng trong "tình thế cấp thiết liên quan trực tiếp sinh mệnh người dân", một số cán bộ thoái hóa biến chất đã khai thác triệt để kẽ hở chính sách liên quan cấp phép "xin-cho" chuyến bay giải cứu để hoành hành trục lợi. Đây là bài học sâu sắc cho toàn bộ hoạt động quản lý trong khu vực quản lý hành chính Nhà nước.

Sự thoái hóa biến chất, vô đạo đức của một số cán bộ, công chức không ý thức được mình là "công bộc của dân" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nguyên nhân từ suy nghĩ, quyền lực trong tay là của chính họ, chứ không phải của nhân dân trao cho để làm việc vì nước vì dân, vì thế họ đã đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của nhân dân, lên trên chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Không suy diễn, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra hành vi o ép, hù dọa, hứa hẹn… đòi hối lộ của những cán bộ, công chức này có biểu hiện khá "chuyên nghiệp": Cấu kết chặt chẽ "liên bộ, liên ngành " với nhau để "ra giá" thống nhất. Tệ hại hơn, có kẻ còn lợi dụng việc phạm tội đã bị phanh phui để lừa đảo chạy án kiếm chác hàng triệu dollar… Cũng từ vụ việc và phiên xử này, đặt ra câu hỏi phải giải quyết làm sao để tôn bồi "đạo đức công vụ" của cán bộ, công chức hiện nay?

Vụ việc trên cũng bộc lộ sơ hở trong công tác cán bộ, trong tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, nhất là trong kiểm tra, giám sát cán bộ. Đảng ta, Nhà nước ta đã đổ bao công sức, tiền của để đào tạo, cho họ học tập, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị. Nhưng đồng tiền bẩn đã làm mờ mắt họ, từ đây đặt ra một trách nhiệm lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân trong việc đào tạo, rèn luyện, tuyển chọn người có tài, có đức ra phục vụ nhân dân. Một vấn đề cũng cần được đặt ra từ vụ án "Chuyến bay giải cứu" này, đó là: phải xử lý tội phạm tham nhũng đúng người, đúng tội với khung hình phạt đủ tính răn đe nghiêm khắc.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống "giặc nội xâm" mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, đang được thực hiện, thực hiện quyết liệt không ngưng nghỉ, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lúc này đây, nhìn từ vụ án "Chuyến bay giải cứu", một lần nữa những gửi gắm về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước lại được đề cập một cách khẩn thiết. Đối diện cái xấu, cái ác lương tâm mỗi người chúng ta không thể "ngủ yên" và trách nhiệm công dân đòi hỏi chúng ta không thể thờ ơ.