Tháp Bà là cụm tháp được người Chăm cổ dựng nơi cửa sông Cái đổ ra vịnh Nha Trang từ thế kỷ 11. Gần 300 năm trở lại đây người Việt ở Nha Trang đón nhận cụm Tháp và tiếp quản văn hóa mẫu hệ người Chăm để làm nơi thờ Mẫu của mình.
Trong văn hóa người Chăm cổ thì tục lệ thờ Mẫu rất thịnh hành, vì thế khi giao thoa với văn hóa người Việt, lễ hội Tháp Bà trở nên đặc sắc, tạo một di sản văn hóa hiếm có ở Việt Nam. Theo bà Chế Diễm Trâm, nhà nghiên cứu Chăm ở thành phố Nha Trang thì trong thời sơ khai, cụm tháp Ponagar Nha Trang hầu như bị bỏ hoang phế nhiều thế kỷ. Sự tàn phá của chiến tranh các thời kỳ đã biến nơi đây thành phế tích như vô vàn các cụm tháp ở miền trung, trải dài từ Quảng Nam tới Bình Thuận. Tuy nhiên, ở Nha Trang dấu ấn văn hóa của cụm tháp này rất sâu sắc, ảnh hưởng tới một số nét phong tục, tập quán và cả địa lý. Trước đây, chung quanh tháp có người Việt chuyên nghề đi biển cùng người Chăm tới đây mở hội cúng bái. Người Chăm cúng thần linh, người Việt hát bóng. Do đó, mới có địa danh Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái ngay dưới chân tháp.
Sau năm 1975, cụm tháp được các chuyên gia khảo cổ phục chế cho nên sắc mầu đã khác và hoàn chỉnh một phần như thuở sơ khai. Cụm Tháp Bà Ponagar trở thành điểm danh thắng lịch sử duy nhất của miền trung có đông đảo du khách tham quan quanh năm và mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Do đó, khi lễ hội được tổ chức thì Tháp Bà Ponagar luôn trở thành địa điểm văn hóa nổi bật, thu hút người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước. Đến với lễ hội, người Việt được dâng hương viếng Bà trong tháp chính. Người Chăm hành hương được bày hoa quả, cơm rượu… trên sân tháp. Theo phong tục người Chăm thì người dân không tự ý đi vào trong tháp chiêm bái. Đó là nơi chỉ có sư cả, bà bóng và ông Từ được phép có mặt. Những năm gần đây, phong trào hát bóng - chầu văn được tái lập nên khi diễn ra ba ngày hội có hàng trăm đoàn hát văn do nhân dân quanh vùng hành hương đến hát diễn, khiến nơi đây rộn ràng, tưng bừng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Tháp Bà Ponagar thực tế là mang âm hưởng thờ mẫu của người Việt miền biển, khác hẳn các lễ hội như: Katê (người Chăm theo đạo Bàlamôn) hay Ramưwan (đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bà Ni). Vì vậy, nét văn hóa đặc trưng của lễ hội Tháp Bà Ponagar trở nên hấp dẫn với mọi người dân và du khách thập phương.