Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Để thoát khỏi tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, việc hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh là vô cùng cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Cần quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, hướng đến phát triển chuyên nghiệp ngành khai thác thủy sản. Ảnh: Thành Đạt
Cần quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, hướng đến phát triển chuyên nghiệp ngành khai thác thủy sản. Ảnh: Thành Đạt

Chưa theo kịp nhu cầu

Cảng cá là công trình hạ tầng kỹ thuật, động lực phát triển cho khá nhiều ngành nghề kinh tế các địa phương có biển. Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống cảng cá Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng. Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tiến độ đầu tư xây dựng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu hiện đại hóa. Nhiều cảng chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cũng như sản lượng cập cảng; chưa đáp ứng tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng. Tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã nêu yêu cầu cần phải quy hoạch tổng số 125 cảng cá; trong đó có 35 cảng cá loại một và 90 cảng cá loại hai. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới chỉ có ba cảng cá loại một, 54 cảng cá loại hai và 11 cảng cá loại ba.

Hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá rất đa dạng từ hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đến các dịch vụ xăng dầu, nước đá, cơ khí đóng sửa tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc và tiêu thụ sản phẩm (chợ cá, nơi sơ chế, nhà máy chế biến...).

Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra không ít hạn chế. Trước hết, về quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017. Việc đầu tư cho xây dựng cảng cá trong thời gian qua rất thấp so yêu cầu, đầu tư dàn trải, không đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so quy hoạch.

Về tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý cảng cá: Hiện nay, ở các tỉnh, thành phố ven biển đều hình thành cơ quan quản lý về cảng cá với nhiều tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và hình thức khác nhau như: Ban quản lý các cảng cá trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang...); Ban quản lý cảng cá trực thuộc đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện (Quảng Ninh, Thái Bình); Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Khánh Hòa); Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quảng Nam); hoặc mỗi cảng cá có một ban quản lý khác nhau đều thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thanh Hóa)... Như vậy, về mô hình tổ chức quản lý cảng cá là chưa thống nhất, gây khó khăn trong công tác điều hành, quản lý.

Tổ chức quản lý cảng cá tại các địa phương thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Bên cạnh đó, cũng có một số cảng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, nên còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện một số nhiệm vụ mới được giao tại Luật Thủy sản.

Ngoài ra, nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện nay rất thiếu và chưa được đào tạo, dẫn đến tình trạng có cảng, khu neo đậu bị quá tải hoặc không phát huy hết công suất. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với cảng cá, khu neo đậu chưa được xây dựng; cơ sở dữ liệu về các cảng cá cho tàu cá, chưa xây dựng được phần mềm kết nối hệ thống cảng cá, chia sẻ thông tin giữa các cảng cá để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi cần thiết.

Cần đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến dịch vụ hậu cần

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu (giai đoạn 2010-2015, đạt 38% nhu cầu; giai đoạn 2016-2020 chỉ bằng 113% giai đoạn 2011-2015, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP với mức đầu tư bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 tăng tối thiểu gấp hai lần so số vốn bình quân hằng năm đã bố trí cho giai đoạn 2011-2015) và chỉ đạt khoảng 26% so nhu cầu vốn theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg; giai đoạn 2016-2020 là 5.500 tỷ đồng/nhu cầu theo quy hoạch 16.800 tỷ đồng (đạt 33%).

Để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, thời gian tới, chúng ta cần tập trung bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo hướng hiện đại; bố trí đủ kinh phí duy tu, nạo vét luồng của các cảng cá, khu neo đậu để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào cảng, khu neo đậu được an toàn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là hơn 60 nghìn tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách; ngoài ra, huy động vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan chức năng đề xuất giải pháp đầu tư là kêu gọi xã hội hóa, chuyển giao mạnh mẽ, thậm chí nhượng quyền kinh doanh cảng cá cho tư nhân; khuyến khích các nhà đầu tư cùng xây dựng, khai thác, kinh doanh; tham gia nạo vét, duy tu cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp tận thu sản phẩm, khai thác khoáng sản, vật liệu không sử dụng ngân sách nhà nước.

Một việc rất quan trọng nữa đó là, cần thống nhất trong công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản và yêu cầu cấp bách về việc gỡ "thẻ vàng" IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC), bảo đảm cho các tổ chức quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo Luật Thủy sản. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ và thí điểm triển khai mô hình cảng cá chuyên dụng và đấu giá hải sản tại các cảng cá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố 59 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản; 60 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động tại vùng khơi vào cập cảng; 14 cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài vào cập cảng; 14 cảng biển cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.