Nâng mức chế tài xử lý vi phạm

Hiện trạng cây chết khô bất thường tại nhiều tuyến phố đô thị cho thấy những khoảng trống trong công tác quản lý, bảo vệ cây xanh. Dù đã có nghị định, quy định cụ thể trong lĩnh vực này, song các vụ xử lý, xử phạt hành vi xâm hại cây còn quá ít ỏi. Giao trách nhiệm cụ thể đi đôi với tăng chế tài là những giải pháp quan trọng cần được tính đến.
Cây xanh thành giá đỡ biển quảng cáo quán bia... (ảnh chụp trên một đường phố Hà Nội). Ảnh: Phú Xuyên
Cây xanh thành giá đỡ biển quảng cáo quán bia... (ảnh chụp trên một đường phố Hà Nội). Ảnh: Phú Xuyên

Muôn kiểu bức hại

Cây nhội 80 năm tuổi trước cửa số nhà 54-56 Phố Huế, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) đang xanh tốt bỗng rụng lá rồi chết rất nhanh. Cùng ở quận này, trên phố Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ), có thời điểm, tới bốn cây sao đen cùng bị chết khô trước cửa các nhà số 34, 65, 71 và 93, trong đó, người dân phát hiện có tình trạng đổ hóa chất dưới gốc hai cây trước nhà số 65 và 71 nên đã trình báo chính quyền. Lực lượng chức năng phải khảo sát, ra quân phá dỡ những mảng bê-tông, gạch, đá mà người dân xây bịt kín quanh gốc; tháo dỡ đinh sắt, đèn trang trí, biển quảng cáo lắp đặt sai quy định, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

Tuyến phố Lò Đúc nổi tiếng với hàng sao đen trăm tuổi, được trồng từ thời Pháp thuộc, có giá trị rất lớn về nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa và đời sống tinh thần của người dân. Nhiều chuyên gia nhận định, hầu hết các vụ sát hại cây xanh là vì "người ta" không muốn cây cản trở mặt tiền, trụ sở nhà hàng, công ty… Điều đáng nói, ở nhiều tuyến đường, con phố khác trong nội đô Hà Nội, như La Thành, đường Láng, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Hoàng Tôn, Cổ Nhuế… hiện tượng đóng đinh lên cây để treo đồ bán hàng, biển quảng cáo, chăng dây điện vẫn diễn ra tràn lan. Thêm nữa, còn có hiện tượng đổ bê-tông bịt kín gốc, khiến cây không thể phát triển tự nhiên.

Một kiểu "bức tử" khác là vào những ngày lễ, Tết hay ngày rằm, không ít người dân thiếu ý thức, chất cả đống vàng mã để đốt sát gốc cây. Tuy cây không chết ngay nhưng nếu cứ đến kỳ, đến cuộc lại bị hun như vậy, sức đề kháng của cây sẽ yếu dần.

Những hành vi "bức tử" cây xanh không chỉ là câu chuyện của một quận, huyện, tuyến phố mà lan ra nhiều cấp đô thị. Và đều chưa được xử lý dứt điểm. Chẳng hạn như, ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát trên các tuyến phố Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng, Phạm Ngũ Lão, Hồng Hà, Vạn Kiếp, Nơ Trang Long đều thấy tình trạng phổ biến là gốc cây bị bê-tông hóa, thân cây bị đóng đinh, treo biển quảng cáo…

Quy trách nhiệm cụ thể, tăng cường giám sát

Ngày 28/2/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND "Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị; trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục mà cấp quận, huyện được phân quản lý.

Việc phân cấp quản lý là vô cùng cần thiết, song theo nhiều chuyên gia, việc này phải được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Cơ quan quản lý phải giám sát được đơn vị thi công các công trình trên vỉa hè để chấm dứt triệt để tình trạng đào, cắt rễ cây chỉ để nhằm thuận tiện cho công việc của họ. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) chia sẻ thêm, trong khi cấp quận, huyện với tư cách là chủ đầu tư thi công vỉa hè; vẫn phải có chế tài để cơ quản lý nhà nước về cây xanh là Sở Xây dựng giám sát việc thi công. Không để chủ đầu tư "khoán trắng" cho bên thi công rồi công nhân tự ý cắt, chặt hệ thống rễ, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

Ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nêu vấn đề: "Việc trồng cây đô thị đang có bất cập là phần gốc bị quây hình tròn hoặc hình vuông và đổ xi-măng chung quanh… Phải trả lại không gian thở cho cây, không được đổ bê-tông hay lát gạch kín quanh gốc cây, khiến nước mưa không thể thấm xuống rễ".

Điều 54 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. Quy định đã có nhưng trong thực tế, rất ít vụ vi phạm bị đưa ra xử lý. Theo luật sư Đỗ Văn Nhâm, cần tuyên truyền để thu hút đông đảo người dân tham gia bảo vệ cây xanh, có thể nghiên cứu hình thức giao khoán cho người dân trong việc bảo vệ; lắp đặt các camera an ninh giám sát. "Cần xử phạt thật nghiêm đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị", ông Nhâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội, cho rằng, với hành vi phá hoại, chặt trộm, bên cạnh việc bồi thường để trồng lại cây mới, cần xem xét đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.

Theo Điều 7, Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ, về quản lý cây xanh đô thị, nghiêm cấm các hành vi: Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép; đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây; treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép…