Nâng hạng thị trường chứng khoán

Với Việt Nam, quan điểm nâng hạng thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đặc biệt hơn, tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động TTCK vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu cơ quan quản lý sớm đưa TTCK Việt Nam thành thị trường mới nổi.

Các tiêu chí về định lượng hiện không còn là trở ngại cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam. Nguồn: HOSE
Các tiêu chí về định lượng hiện không còn là trở ngại cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam. Nguồn: HOSE

Hành trang nâng hạng 

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian qua có một số tổ chức lớn về xếp hạng thị trường quan tâm đến TTCK Việt Nam, nhưng UBCKNN đặt mục tiêu TTCK Việt Nam phải được Morgan Stanley Capital International (MSCI) và Financial Times Stock Exchange (FTSE) nâng hạng từ hạng thị trường cận biên (frontier market) lên hạng thị trường mới nổi (emerging market) vì đây là những tổ chức lớn nhất về xếp hạng thị trường chuyên cung cấp các chỉ số thị trường toàn cầu được các quỹ Exchange Traded Fund (ETF) sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Để nâng hạng một thị trường từ cận biên lên mới nổi, TTCK Việt Nam phải đáp ứng hai tiêu chuẩn lớn của MSCI: Thứ nhất, về quy mô và thanh khoản của thị trường, là những yếu tố có thể lượng hóa và tính toán cụ thể, bao gồm tiêu chí số doanh nghiệp (DN) đạt chuẩn về quy mô DN, quy mô giao dịch cổ phiếu và thanh khoản. Thứ hai, về tiếp cận thị trường (là các tiêu chí định tính phụ thuộc vào đánh giá của khách hàng cũng như chính MSCI, bao gồm năm nội dung như mở cửa thị trường với sở hữu nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (room); mức độ thuận lợi cho dòng vốn vào - ra; hiệu quả của các khuôn khổ hoạt động; môi trường cạnh tranh và sự ổn định của cơ cấu, tổ chức).

Hiện nay, các tiêu chí về định lượng không còn là trở ngại cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam. Theo báo cáo, mức vốn hóa tính đến cuối quý III-2020 của thị trường đạt 4,3 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3,15 lần trong vòng 5 năm qua, tương đương 71% GDP. Cơ cấu thị trường ngày càng hoàn thiện và đã phát triển trên ba mảng gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh. Các sản phẩm cũng đa dạng gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hợp đồng tương lai, chứng quyền có bảo đảm và các bộ chỉ số đầu tư...

Dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và đà tăng trưởng cao, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, TTCK có thể đạt quy mô tương đương 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025 theo định hướng của Chính phủ khi tiến trình cổ phần hóa các DN lớn được tích cực triển khai. Với thực trạng hiện tại và định hướng trong vài năm tới, quy mô TTCK Việt Nam sẽ không thua kém so với một số quốc gia nhóm dưới đang nằm trong danh sách các thị trường mới nổi bởi các tổ chức như MSCI và FTSE Russell. 

Tuy nhiên, điểm nghẽn trong vấn đề nâng hạng hiện nay khiến cho MSCI vẫn duy trì xếp hạng thị trường cận biên đối với TTCK Việt Nam trong đợt đánh giá phân loại thị trường hằng năm vào tháng 5 vừa qua là bởi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí định tính như: độ mở của thị trường đối với NĐT nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài - room); các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh; việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài (offshore currency market) gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ tiền “Vietnam Dong - VND” sang ngoại tệ khác; chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đây đều là những tiêu chí khó, đòi hỏi phải có những thay đổi lớn, đồng bộ cả về quy định pháp lý lẫn hệ thống công nghệ, cấu trúc tổ chức và giao dịch ở quy mô toàn thị trường.

Lối mở cho thị trường

Cho đến nay, Việt Nam có nền tảng pháp lý mới đồng bộ giữa Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật DN đều có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2021). Những thay đổi trong các luật sẽ góp phần gỡ nút thắt về vấn đề room của NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, theo phân tích của đại diện VNDIRECT, cho đến nay mới chỉ có gần 40 DN niêm yết đã nâng room lên 100% do thủ tục thực hiện còn tương đối phức tạp. Luật mới đã giải quyết nút thắt này bằng cách tự động áp dụng room 100% cho các DN đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có giới hạn chặt chẽ hơn, thí dụ ngành ngân hàng có room ở mức 30%...

Nâng hạng thị trường chứng khoán -0

Khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 cộng với những nỗ lực thay đổi chính sách để đáp ứng các tiêu chí còn chưa đạt, TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội được nâng hạng trong một đến hai năm tới. 

Luật Chứng khoán mới cũng mở rộng định nghĩa về chứng khoán. Theo đó, định nghĩa về chứng khoán bao gồm thêm chứng chỉ lưu ký (DR) và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể trong Luật DN. Đây là tin tốt cho các DN chưa được nới room nước ngoài do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Theo đại diện của UBCKNN, trong năm nay các văn bản hướng dẫn luật đang được cơ quan quản lý TTCK và các cơ quan liên quan soạn thảo và ban hành. Với nền tảng mới, những chính sách cũng như rào cản về room được gỡ bỏ một cách cơ bản, rõ ràng hơn. Sang năm 2021, với việc đưa vào hệ thống công nghệ mới, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để triển khai các dịch vụ mới như giao dịch chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, đối tác bù trừ trung tâm (CCP) - là điểm quốc tế quan tâm và các trở ngại sẽ được dỡ bỏ trong|năm 2021.

Hiện nay, TTCK Việt Nam đã bắt đầu song hành với thị trường tín dụng ngân hàng trong cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế. Nhưng để TTCK phát triển nhanh, bền vững và minh bạch hơn, từ đó hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cung, đa dạng hóa sản phẩm cho TTCK thì cần phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tăng cường thanh tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường, công bố kịp thời, công khai các đơn vị, cá nhân có vi phạm liên quan TTCK; cơ quan quản lý cần khuyến khích, hỗ trợ cách thức giúp DN cập nhật các thông tin DN bằng tiếng Anh để NĐT nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin. Cùng với việc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020, phải ban hành đồng bộ hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật DN và Luật Đầu tư, tiến đến nghiên cứu sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (để tháo gỡ một số vướng mắc giữa pháp luật chứng khoán và pháp luật ngân hàng gây ảnh hưởng tới việc thúc đẩy nâng hạng TTCK) và các luật, nghị định liên quan trong những năm tiếp theo… kỳ vọng sẽ khơi thông những vướng mắc trên con đường nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Tổ chức chuyên đề: VŨ MAI HOÀNG, LƯU LAN HƯƠNG, LÊ ĐỨC NGHĨA