Mường Phăng mùa dã quỳ

Điện Biên vốn nổi tiếng là miền đất của di tích lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Trong một chuyến đi vào tháng 11, được đắm mình trong sắc vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ suốt dọc đường, tôi mới chợt nhận ra nơi này còn có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, đủ sức hấp dẫn những tâm hồn yêu thích du lịch sinh thái, trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên.

Vẻ đẹp dã quỳ.
Vẻ đẹp dã quỳ.

Từ TP Ðiện Biên Phủ vào xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) là khoảng 35 km đường đèo dốc, rừng núi trùng điệp. Bầu trời đầu đông ở miền núi cao xanh, trong vắt, khiến cho những vạt dã quỳ vàng ươm càng trở nên nổi bật. Khắp mọi ngõ ngách, làng bản, khe suối, sườn đồi, hoa khoe sắc như mầu nắng, xua tan đi giá lạnh. Đôi chỗ trên đường đi, tôi bắt gặp các nhóm bạn trẻ người địa phương và khách du lịch đang vui vẻ tạo dáng, chụp ảnh bên những bụi hoa khổng lồ. Thậm chí, có cả những đôi uyên ương mang theo váy vóc, phụ kiện lên đỉnh đèo để chụp ảnh cưới với dã quỳ. Thật kỳ công, nhưng cũng xứng đáng thôi bởi phong cảnh lãng mạn nhường ấy là "phông nền" mà thiên nhiên ban tặng, chỉ có một lần trong năm.

Sau khi kết thúc chuyến tham quan di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn (xã Mường Phăng), tôi cùng người bạn dạo bước trên lối mòn nhỏ đến bản Phăng gần đó. Giữa mùa hoa, những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ẩn hiện giữa mầu lá xanh và mầu hoa vàng tươi tắn. Hoa in bóng trên mặt nước suối, ao cá, hoặc nở tưng bừng trước nhà như một hàng rào độc đáo.

Thoảng trong gió có hương hoa, và cả mùi khói bếp, mùi cơm lam nướng trên bếp củi thơm lừng. Phụ nữ Thái trong bản Phăng, bản Bua vùng này chủ yếu là làm nông nghiệp. Những lúc nông nhàn mọi người kiếm thêm thu nhập bằng cách bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, từ những chiếc khăn thổ cẩm nhiều mầu, những chiếc vòng bạc nhỏ xinh, cho đến những giò phong lan, mật ong hay thảo dược. Đám trẻ con đang tung tăng vui đùa, thấy người lạ đến thì vừa tò mò vừa bẽn lẽn ra xem… Tất cả tạo nên một bức tranh vùng cao thật yên bình, thơ mộng.

Dã quỳ còn được gọi là cúc quỳ, vốn là hoa dại, bông không lớn nhưng lại có mầu vàng cam bắt mắt, khi nở tạo nên thảm vàng rực rỡ. Dù giản dị, mộc mạc, khi đồng loạt nở, dã quỳ lại tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho không gian bản làng Tây Bắc. Nhiều du khách vượt đường xa đến chiêm ngưỡng, ghi lại khoảnh khắc đẹp của hoa, đồng thời cũng tranh thủ tận hưởng sự trong lành, yên tĩnh của một vùng đất còn hoang sơ.

Một số điểm tham quan kết hợp ngắm dã quỳ nở rộ trong khu vực này là hồ Loọng Luông 1 (tức hồ Ðại tướng hay hồ Cụ Giáp), hồ Pá Khoang, dốc Tà Lèng, dốc Nà Nhạn, bản văn hóa du lịch cộng đồng Che Căn, Che Phai...