Mùa xuân trong ngôi nhà lạ

Đợt trước, Châu nhận được một công việc làm thêm khá đặc biệt. Có một gia đình cần người ngủ với mẹ của họ vào ban đêm, đó là người già yếu chứ không bệnh tật gì. Họ cần chăm sóc bà chu đáo, nhưng không ai đủ sức thức dậy mỗi đêm để đem bà đi vệ sinh, pha sữa cho bà uống. Châu nhận lời vì lương khá cao, tương đương khoản lương tám tiếng ngồi văn phòng của cô. Hơn nữa, giấc ngủ vào ban đêm với Châu cũng chẳng nghĩa lý gì.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: Thu Hà
Minh họa: Thu Hà

Đêm đầu tiên nhận việc, Châu cuống cuồng sợ muộn nên không kịp ăn tối, tám giờ đã có mặt ở gia đình họ. Căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ, khá cũ nhưng sạch sẽ, bài trí đơn giản. Anh chủ nhà bảo đêm đầu tiên Châu đến sớm để trò chuyện làm quen thôi, bữa sau, cô có thể đến tầm chín rưỡi, du di tới mười giờ để cô hẹn hò với bạn trai. Châu cười, bảo: Em chưa có bạn trai. Anh chủ gật đầu, cũng phải, anh kiếm người không dễ, vì người trẻ giờ này họ ra đường vui chơi giải trí, người lớn tuổi thì về nghỉ ngơi với gia đình. Anh bảo bà đi nằm từ lúc tám giờ tối nên cô vào phòng nhẹ nhàng thôi, bà hơi khó ngủ và ngủ rất tỉnh. Tầm mười giờ, bà sẽ thức dậy lần thứ nhất để đi vệ sinh. Mười hai giờ thức dậy lần thứ hai, lần này cô có thể pha cho bà một ly sữa nóng. Sau đó, tùy đêm, có khi bà sẽ thức dậy thêm một hoặc hai (thực tế có khi là ba lần) cho đến sáng. Sáu giờ sáng cô có thể bàn giao bà lại cho vợ anh. Bà yếu nên cần người dìu vào nhà vệ sinh, mà người già, ngủ ngáy giờ giấc như vậy nên người trong nhà không kham nổi, ai cũng cần nghỉ ngơi sau ngày dài mỏi mệt. Cô có thức đêm được không? Ngủ ít vậy có ảnh hưởng gì đến ngày hôm sau không? Chị chủ nhà lo lắng hỏi Châu. Châu bảo từ nhỏ đã khó ngủ, đêm cũng như ngày, em ngủ ít và cũng ngủ rất tỉnh.

Xét ra công việc này khá phù hợp với Châu. Mỗi cử động của bà trong đêm, Châu đều nghe thấy. Bà xoay người, trở mình, thở dài, ho hen lúc nào, Châu đều hay. Bà nói tới tuổi của bà, có lẽ người ta ít ngủ. Cả đời dài trước đó thì thèm ngủ nhưng lo dậy sớm bán buôn để nuôi con, giờ về già có thời gian ngủ thì chẳng ngủ được. Bà nói dối con cái rằng vẫn ngủ được để chúng nghĩ mẹ đã ngủ say nên có thể nói gì đó thì nói. Mấy anh em tụi nó góp tiền lại để thuê người lo cho bà. Con dâu chăm bà ban ngày cũng nhận lương như của con đó. Châu nghe, vừa thấy đau lòng vừa thấy thương bà. Bà chẳng dám uống nước hay ăn canh nhưng sao bụng dạ người già hình như chẳng thể chứa chấp nổi một giọt nước nào, không dám ăn mà cứ buồn tiểu. Châu bảo, không sao, tối bà cứ ăn canh uống nước thoải mái, có con đây. Mất giấc ngủ của cô mà. Dạ không, con nằm vậy chứ cũng không ngủ. Tại sao, còn trẻ đã mất ngủ rồi ư?

Châu không giải thích được tại sao mình lại không ngủ được. Người ngủ ít chắc hại sức khỏe lắm, sức lực có thể sẽ cạn kiệt dần dần, cô hình dung có lẽ mình chẳng sống thọ mấy. Hai mươi năm qua, giấc ngủ với cô là điều gì đó xa vời. Nhớ lại một đêm khi cô mười tuổi, cơn say ngủ khi ấy khiến lúc thức dậy đã chẳng còn ai bên mình. Cả nhà cô đã thành tro bụi. Một người nào đó vì hiểu lầm hay oán thù với ba mẹ mà mang xăng sang đốt từ bếp đốt lên. Hôm đó, Châu giận mẹ nên bỏ ra ghế ngủ. Đó không phải lần đầu cô làm vậy, thường thì nửa đêm, mẹ sẽ lay ba dậy để bồng Châu vô phòng ngủ nhưng đêm đó ai cũng ngủ quên. Hàng xóm phá cửa, họ chỉ kịp bồng Châu ra ngoài, lúc này Châu hít khói đến mê man. Ba mẹ và em trai nằm ngủ trong phòng thì không cứu kịp. Chới với trong giấc mơ hồi nhỏ, từ đó, đêm tối đối với Châu như một sự ám ảnh. Sau này qua nhà cậu, Châu cũng khó ngủ mỗi đêm, vì cảm giác bất an. Cô sợ nếu mình lỡ ngủ say, tỉnh dậy lại thấy chẳng còn ai bên cạnh nữa.

Châu hỏi bà có sợ chết không? Bà cười, hồi xưa thì bà sợ chết lắm. Sợ nếu chết thì không ai nuôi con, chồng bà mất sớm, nội ngoại, anh chị em không nhờ cậy vào ai được. Nên lúc đó, bà sợ đau ốm, sợ chết. Còn giờ thì không, bà nghĩ thà chết còn hơn sợ chết. Khi lòng mình cứ tràn ngập những sợ hãi mơ hồ thì càng đáng sợ hơn. Châu gật gù trước lý lẽ của bà. Bà gần chín mươi tuổi nhưng minh mẫn lắm. Bà hay kể chuyện ngày xưa cho Châu nghe, về một làng quê nghèo ở miền trung. Biết Châu cũng quê ở đó, bà càng yêu quý cô hơn.

Căn nhà này khá yên tĩnh, ai làm việc người nấy. Phòng bà ở sau phòng thờ, anh chủ nói hồi trước mua nhà này vì kết cấu đơn giản, phòng thờ ở ngay tầng một. Anh bảo ngại phòng thờ ở tầng trên, mỗi lần có việc nghĩ cảnh bưng đồ lên cúng kiếng rồi thắp hương leo cầu thang mệt lắm. Bà cũng ưng phòng thờ ở đây để thi thoảng bà có thể vịn bàn ghế đi tới đi lui, ngó di ảnh của ông. Phòng anh chị chủ nằm sau bếp, trên gác thì không gian của hai đứa con trai. Châu tới đây mấy tháng mà gặp mặt hai đứa nhỏ đó chỉ vài lần. Tối Châu đến thì tụi nó một là đi học, hai là ở yên trên phòng, sáng Châu đi thì tụi nó chưa ngủ dậy. Không biết nhà này có cảnh sum họp, ăn uống vui vẻ ồn ào như mấy gia đình ở quê không, hay vẫn như mấy nhà ở phố, ai về giờ nào thì ăn giờ nấy.

Cuối chạp, anh chủ nhà bảo cả nhà dự định sẽ đi du xuân dài ngày, nếu Châu ở lại trông nhà và trông bà thì họ trả lương gấp đôi. Châu nói cô không về quê ăn Tết, cô có thể lại chăm bà. Anh chị dặn nếu có khách đến, cứ bảo họ gọi cho anh chị, cũng không cần mở cửa tiếp đón gì đâu. Chị chủ có mua mấy bó cúc để chưng trên bàn thờ, ít hoa quả. Còn lại, chị nói không có khách nên cũng chẳng cần sắm sửa gì. Gia đình chị sẽ đi chơi đến tầm mồng bảy, mồng tám mới về.

Những ngày Tết trôi qua, không một ai tới nhà họ. Có khi tại vợ chồng anh chủ bỏ quê lên phố, mối gắn kết với làng xóm hay thân thiết gần gũi ở đây không có. Quê nhà cũng chẳng còn ai, họ đem bà lên đây là xem như xong nhiệm vụ. Châu là người truyền thống, chị chủ chỉ nhờ Châu đặt bánh trái rồi thắp hương trên bàn thờ nhưng cô tự mua đồ cúng đêm giao thừa, mua thêm chậu quất nhỏ để trang trí nhà cửa. Châu xem như nơi mình ở mấy ngày Tết cũng là nhà mình. Bà nói cô đi chơi đâu cứ đi, bà khỏe, không lo. Bà cũng không báo chúng nó, có điều, chúng nó có cái camera theo dõi, cô có thể… rút điện rồi đi. Châu cười, ở đây mấy năm, cô cũng không thân thiết ai, bạn bè đều về quê ăn Tết rồi. Mấy ngày đầu năm, Châu đều nấu cơm, nấu cháo cho hai bà cháu ăn. Bà quấn quýt và thương Châu như con cháu trong nhà. Bà nói, mai mốt Châu không ở đây nữa, chắc bà buồn lắm. Nhà bà không có cháu gái, à, đáng ra là có, nó cũng tầm tuổi Châu. Hồi đó, cha mẹ nó thôi nhau. Mẹ nó bồng con bé đi biệt xứ. Bà không biết bây giờ nó sống sao. Giờ có gặp cháu ngoài đường hẳn bà cũng không nhận ra. Bà biết chẳng nên đòi hỏi gì, con cháu giờ hiếu thảo, chúng bỏ tiền chăm bà tốn kém. Bà thấy là gánh nặng cho chúng. Chỉ ước chi biết được tin tức của cô cháu gái thì bà nhắm mắt cũng yên tâm.

Mỗi lần Châu hỏi, bà làm gì đó, bà nói, ngồi chờ chết thôi con. Châu bật cười, sao bà bi quan thế. Bà cười, có bi quan chi đâu, là thật mà. Người già như bà, xuân hạ thu đông trôi qua cũng chỉ ngồi vậy, chờ tới lúc được gọi đi thôi. Bà lần mò mấy cái bọc áo, rồi lôi ra hai khâu vàng, bà dấm dúi cho Châu một khâu. Bảo chừng nào Châu lấy chồng thì làm của hồi môn. Châu trả lại bà, nhất định không chịu nhận. Bà giận dỗi bắt nhận bằng được. Anh chị chủ cũng nói Châu nhận cho bà vui, bà coi Châu như con cháu trong nhà nên thương vậy đó. Anh chủ gọi Châu ra phòng khách, nói chuyện riêng. Thật ra đợt rồi họ đi chơi kết hợp đi tìm cháu gái cho bà, vì biết thâm tâm bà có điều này trăn trở. Lặn lội gặp rồi biết chuyện động trời, đứa cháu gái đó không máu mủ gì nhà này cả. Con dâu cũ áy náy nên cắt liên lạc và đem con bé đi biệt xứ. Họ cũng từ chối cho con bé về thăm, dù là đóng kịch để bà vui.

Bữa trước chị chủ có mua bó tuyết mai rồi bỏ quên nên qua mồng mười vẫn không có dấu hiệu nở. Chị chủ tính đem vứt thì Châu ngăn lại. Châu nói để đó hai tuần rồi thì thôi gắng đợi thêm, nếu không thì chị cho em. Chị bảo ừ, vậy thôi Châu đem về đi. Anh chị bảo Châu trả phòng trọ, tới đây ở cùng cả nhà, lâu nay họ dần xem Châu như người trong nhà. Châu sống ở đây thì bà vui biết mấy. Nhiều khi người thân hóa người lạ mà người lạ thành người thân cũng biết đâu chừng. Ngôi nhà này đúng là thân thuộc với Châu. Gần một năm qua, cô ở đây nhiều hơn ở phòng trọ. Bó tuyết mai Châu đem về cắm, qua mấy ngày đã thấy bung nụ. Cô đem lên nhà cho chị chủ, bỏ vào chậu sứ, vài ngày sau đã nở đều. Bông tuyết mai trắng tinh khôi, nhìn đẹp nền nã, dù là muộn, hết Tết còn xuân, hoa vẫn nở là vui rồi.