Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa), cách Hà Nội gần 200 km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi ô-tô hoặc xe máy theo hướng Bản Lác, Mai Châu sang Co Lương, Đông Điếng, sau đó rẽ sang đường 15C chạy dọc sông Mã. Còn nếu xuất phát từ TP Thanh Hóa thì ngược lên phía Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua thị trấn Cẩm Thủy tới thị trấn Cành Nàng để tiếp tục đi trên đường 15C đến Pù Luông. Đường lên Pù Luông chủ yếu là đường đèo nhỏ và ngoằn ngoèo. Cảnh vật hai bên đường là những xóm làng nhỏ, thưa thớt và những cánh đồng ngô trải rộng miên man trên khắp các sườn đồi. Pù Luông là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất tại miền bắc, với nhiều kiểu rừng đa dạng, hệ thống sông suối dày đặc và nguồn động - thực vật phong phú. Nhờ vậy mà giữa trưa nắng gắt, không khí vẫn dịu mát và còn thoang thoảng thơm mùi hoa lá.
Dừng chân ở bản Nủa, cả thung lũng đâu đâu cũng thấy thóc lúa vàng ươm. Người dân địa phương kĩu kịt gánh lúa qua lại trên chiếc cầu gỗ nhỏ bắc qua dòng suối, hai bên là cánh đồng vàng rực ngả nghiêng theo từng đợt gió. Người Thái là dân tộc đông nhất, định cư lâu đời ở đây. Tiếng máy gặt, máy tuốt lúa xình xịch xình xịch hòa với tiếng dân làng í ới gọi nhau. Đám trẻ con đang được nghỉ hè, đứa thì phụ giúp bố mẹ việc nhà, đứa thì bày trò chơi đùa cười khanh khách. Thấy người lạ đi qua, các em chỉ tròn xoe mắt nhìn, chưa thấy vẻ dạn dĩ như tụi nhỏ ở những vùng đông khách du lịch.
Pù Luông là cái tên chỉ mới nổi lên vài năm gần đây trên bản đồ du lịch, mọi hoạt động tham quan và dịch vụ còn rất đơn giản, hầu như tự phát. Khách sạn, nhà nghỉ chỉ có ở vùng đệm, còn trong khu bảo tồn thì hình thức lưu trú chủ yếu là nhà dân. Hoặc cũng có các nhóm khách mang lều bạt, vật dụng theo để cắm trại qua đêm. Ở một nơi mà thương mại hóa còn chưa chạm tới nhiều, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với giá cả bình dân của đồ ăn, thức uống. Những món đặc sản núi rừng mang phong vị đặc trưng của dân tộc Thái như: vịt Cổ Lũng, gà đồi, cá suối, măng chua, rau rừng, cơm lam, lợn quay, rượu cần… đều rất thơm ngon, tươi sạch.
Để quan sát trọn vẹn Pù Luông trong thời điểm này, hãy cân nhắc chọn địa điểm hoặc tham khảo ý kiến người bản địa. Bản Nủa, Kịt, Kho Mường… dễ đi và có thể hòa vào cuộc sống sinh hoạt của dân làng. Bản Son, Bá, Mười xa xôi hơn nhưng có những bậc thang lúa trải dài tít tắp, ẩn hiện màn sương và mây núi rất ngoạn mục. Phố Đoàn nổi tiếng với chợ phiên độc đáo diễn ra vào ngày thứ năm và chủ nhật, khi người dân quanh vùng đổ về đây mua bán, giao lưu. Nếu yêu thiên nhiên hoang dã và thích trải nghiệm cảm giác mạnh, suối Hiêu và thác Mây là những điểm đến không thể bỏ qua...
Một số ít du khách, đặc biệt là khách nước ngoài hoặc người Việt trẻ có thể lực tốt, còn đặc biệt yêu thích hành trình trekking chinh phục đỉnh Pù Luông ở độ cao 1.700 m. Từ đó, có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng trọn vẹn phong cảnh nên thơ của những dãy núi trùng điệp nối nhau đến tận chân trời, những bản làng và cánh đồng trù phú quanh chân núi…
Pù Luông còn có một mùa lúa chín vàng rộ nữa, mời gọi du khách vào khoảng tháng 9, tháng 10.