Một chút hồi ức Mười hai ngày đêm B52 Hà Nội

NDO - Những ngày ấy Hà Nội như gồng lên trong bom đạn. Theo chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, anh em chúng tôi ở Quảng Bá tạm ngừng lên lớp nghe giảng, mà chuyển sang những ngày đi thực tế sáng tác. Tôi cùng một số bạn viết liền đi đến các điểm nóng để thâm nhập thực tế, nếu chưa sáng tác được thì viết bài cho các báo. Ban ngày, người đến khu tập thể An Dương, người sang Gia Lâm, người thì tới Ðông Anh... Và tối đến lại về Quảng Bá, để nghỉ lấy lại sức, hoặc viết bài cho báo chí...
Một góc phòng triển lãm 40 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Một góc phòng triển lãm 40 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Hồi ấy, tôi đang dự Lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ khóa V, ở Quảng Bá, Hà Nội. Ngày 18-12-1972 là 13-11 âm lịch, đã vào tiết đông chí, Hà Nội rét lắm. Mới tối được một lúc thì còi báo động thành phố rú lên với giọng rất khác thường. Nhóm nhà văn trẻ chúng tôi, có khá nhiều người từ tuyến lửa, từ chiến trường tụ tập về, cũng đã khá quen với chiến sự, nên không mấy ai thấy ngạc nhiên, chỉ bình thản ra các hầm trú ẩn sẵn có. Nhưng, khi máy bay Mỹ tập kích vào thành phố, tiếng chúng rền trên trời đêm, và nhất là khi những chùm bom chúng rải xuống, tôi thấy không bình thường chút nào.

Tôi và nhà thơ Cảnh Trà ngồi cùng căn hầm trú ẩn, tự nhiên tôi thốt lên: "B52?". Cảnh Trà trả lời ngay: "Chắc rồi". Cảnh Trà trụ ở Vĩnh Linh, còn lạ gì các loại bom đạn Mỹ. Còn tôi, cũng đã biết mấy đợt B52 ném bom rải thảm xuống Hàm Rồng, Nam Ngạn, Ðình Hương, thị xã Thanh Hóa. Tiếng bom do máy bay B52 từ 10.000 mét trên trời ném xuống xiết vào không khí kêu rít lên rất khác với bom do các loại máy bay cường kích khác ném xuống; và khi bom nổ rền từng hồi, người ngồi trong hầm trú ẩn thấy bị chao đảo như ngồi trong cối xay lúa...

Sáng hôm sau, nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, tất cả đều biết, tối hôm trước, máy bay B52 của chính quyền Ních-xơn đã đánh vào Hà Nội và Hải Phòng. Chúng đã ném bom rải thảm vào khu tập thể An Dương (cách chỗ chúng tôi ở chừng một cây số), vào khu đông dân ở Uy Nỗ, Ðông Anh và xã Giang Biên, Gia Lâm. Cũng như mọi người khác ở Thủ đô khi ấy, chúng tôi nhận ra ngay rằng, một sự kiện rất trọng đại đã xảy ra tại Hà Nội, sau này sử sách đã ghi là "Mười hai ngày đêm B52", hoặc: "Chiến dịch Ðiện Biên Phủ trên không". Thủ đô đã thật sự là một chiến trường rồi. Và hơn thế, Hà Nội đã bước vào một chiến dịch rất lớn!

Ngày tiếp theo, cũng vào khoảng 8 giờ 30 tối, B52 Mỹ lại đánh vào thành phố. Một số anh em chúng tôi, hoặc ngồi ngấp nghé trên miệng hầm, hoặc đi ra tận chân đê Quảng Bá để có thể chứng kiến cuộc chiến vô cùng lớn trên bầu trời Thủ đô. Suy cho cùng, những hầm trú ẩn mà chúng tôi có thể náu mình đâu có tác dụng gì đối với bom B52 rải thảm. Chúng tôi bất cần, do vậy đã được thấy bốn phía trời đều có đạn lửa bắn lên, cháy rực. Và nhiều lần chúng tôi đã reo lên khi thấy máy bay B52 cháy trên bầu trời Hà Nội...

Bom B52 rải thảm xuống Uy Nỗ, Cổ Loa, có gia đình cả bố mẹ, con cháu đều tử thương, nhiều mái đầu mang khăn tang, rất thương tâm. Ga Ðông Anh, những đường ray xe lửa bị xô dựng tua tủa lên trời. Ở làng Yên Mỹ, Kim Anh, người sống chôn người tử nạn suốt đêm đến sáng. Làng Sơn Ðồng, ở gần Trạm Trôi, Hoài Ðức, sau đêm B52 rải thảm, mấy chục chiếc quan tài mầu đỏ chói sắp măng ở đầu bờ ruộng, chờ làm lễ an táng... Tang tóc, đau thương thật to lớn vô cùng! Bây giờ nhớ lại, tôi thấy thật lạ thường, những người sống làm đám tang cho người chết bom B52, ngoài những tiếng khóc thảm thiết thương tâm của những ai không kìm nổi, còn lại là những gương mặt xạm đen vì bụi bặm, hốc hác vì thiếu ngủ, mím môi chôn người chết. Ðó thật sự là những con người cắn răng, nuốt nước mắt!

Tôi đạp xe về Sơn Ðồng, Trạm Trôi một ngày. Hôm sau lại quay về nội thành Hà Nội. Ðêm 24-12, tôi cùng một số bạn viết nằm tại căn hầm phòng không của báo Lao Ðộng, tại 51 phố Hàng Bồ. Là lễ Nô-en, nên không thấy có báo động. Ngày hôm sau cũng yên tĩnh, nhưng người Hà Nội hiểu, đó là sự yên tĩnh trước bão táp. Mấy ngày trước, B52 đã rải thảm cả vào Bệnh viện Bạch Mai. Và ngày càng thấy rõ, chính quyền Ních-xơn chủ trương đánh vào khu đông dân cư. Ðó là cách chúng muốn đánh vào ý chí của người Hà Nội, của người Việt Nam ta. Kết cục, mỗi đêm tập kích vào Hà Nội, đã có nhiều B52 cùng những máy bay khác của chúng bị bắn hạ! Tuy thế, chính quyền Mỹ lúc ấy vẫn dấn lên nấc thang tội ác cao hơn. Ðêm 26-12-1972, B52 của chúng đã ném bom rải thảm xuống Khâm Thiên, một phố có mật độ dân cư đông bậc nhất Hà Nội. Trận bão bom này đã hủy diệt sáu cụm dân cư, giết chết 287 người và khiến 290 người bị thương, phá hủy gần hai trăm ngôi nhà, cả đền chùa, trạm y tế và trường học, khiến 2.469 gia đình mất chỗ ở...

Sáng sớm ngày 27-12-1972 tôi đến Khâm Thiên. Những tang thương đổ nát ở đây thật kinh hoàng! Từng chứng kiến nhiều cảnh đạn bom ác liệt ở Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, những dãy phố ở thị xã Thanh Hóa... nhưng tôi chưa thấy chiến tranh dữ dội, đau thương nặng nề như ở Khâm Thiên này. Ở đây dân cư sống dày đặc quá mà bom Mỹ rải xuống cũng dày đặc quá! Giờ đây nhớ lại, tôi không muốn mô tả lại cảnh người sống moi từ đổ nát tìm thi thể người chết, những giọng người khóc hoặc gọi thân nhân đang bị vùi trong đổ nát, đã đều khản đặc; và từng chỗ, từng chỗ, người ta xếp những chiếc quan tài... Báo chí những ngày ấy đã thông tin đầy đủ, chi tiết những cảnh tượng đó. Ðặc biệt là sức chịu đựng đau thương mất mát của người Hà Nội để làm nên một Ðiện Biên Phủ trên không vĩ đại, cũng được báo chí nói tới rất nhiều. Riêng tôi, ngay tại phố Khâm Thiên hôm 27-12-1972 ấy, đã viết thầm trong đầu bài thơ Chiếc chiếu Khâm Thiên, sau mới chép gửi đăng báo. Bài thơ, giờ như một kỷ niệm buồn thương về Mười hai ngày đêm B52 bốn mươi năm trước, xin gửi tới bạn đọc hôm nay:

Bom tuốt hết lá cây xoan
và ném manh chiếu lên đấy
có lẽ ngày qua
và những ngày trước nữa
một bé em từng ngủ vùi trong lòng mẹ
trên chiếc chiếu này

Giờ thì những con chim mất tổ
cũng không muốn đáp xuống đây
bởi chim cần những vòm lá tươi
chim cần những sợi dây biết hát,
những chú kiến cần cù
cũng không tìm lên manh chiếu nữa
chẳng còn giọt kẹo nào rớt lại
mà rặt những mùi bom...

Kiến, chim và trẻ con
sẽ mãi mãi không cần manh chiếu này nữa,
chỉ còn những cành xoan
như những cánh tay nhiều khổ đau gầy sắt lại
kiên nhẫn trải chiếc chiếu lên trời

Những cánh tay khổ đau kia muốn mời
những tâm  hồn trót quên mất Hirosima
những tâm hồn chưa hiểu hết bản chất giặc xâm lược

trên trái đất hôm nay
hãy đến và đậu lại một chút
nơi chiếc chiếu Khâm Thiên này!