Mơ về đón gió heo may...

Từ 16 đến 22/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có triển lãm khá thú vị của bảy họa sĩ (sáu nam, một nữ, độ tuổi từ 7x đến 9x) với cái tên cũng khá ấn tượng như lời “khởi tứ” của một bài thơ là: “Thật khó để mơ về…”. Với hơn 45 bức sơn dầu khổ trung bình vẽ về phong cảnh mọi miền đất nước, có vẻ như toàn bộ phòng tranh là một “tập hợp thơ thu” dìu dịu để đón gió heo may.
0:00 / 0:00
0:00
“Bộ phim của bố”, tranh của Hoàng Dung.
“Bộ phim của bố”, tranh của Hoàng Dung.

1/Hình như, thật khó là để làm sao mơ lại về một giấc mơ ấn tượng, đã in sâu trong chính tâm hồn mỗi con người từ thuở nhỏ, mà mãi đến khi lớn vẫn không phai. Có lẽ vì vậy cho nên ai đã đi sâu vào chuyên ngành hội họa, thường mượn những chuyến du ngoạn để đón phong cảnh khắp nơi, từ làng đến phố, rồi núi cao, biển rộng, rừng sâu... Đích cuối vẫn là tìm những hình ảnh lung linh ẩn khuất trong lòng ta tự thuở nào…

Mơ về đón gió heo may... ảnh 1

“Khoảnh khắc”, tranh của Quyết Dương.

Nhìn qua, thì bảy tác giả trong triển lãm “Thật khó để mơ về…” đã mong muốn thể hiện chủ đề này như vậy. Dù vẽ tại xưởng hay trực họa từ các vùng xa xôi của từng họa sĩ, nhìn mỗi bức tranh thấy ngay đó không phải là việc họ “ghi chép hiện thực”. Mà dòng nguồn chính là mượn thiên nhiên làm bố cục tốt để phản ánh tâm tư của mỗi tác giả. Có nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui bồng bềnh. Họa sĩ lớn tuổi nhất là Phạm Văn Trọng (sinh năm 1978, quê Hải Dương). Có hai họa sĩ 8X là Tùng Nguyễn (1984) và Nguyễn Minh (1985). Bốn họa sĩ 9X còn lại là Hoàng Dung - nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm (1995) và Cao Văn Thục (1995), Quyết Dương (1990) và Lê Anh Dũng (1991).

2/Xem triển lãm, có những ý kiến đầu tiên cho rằng có thể coi đây như một loạt “triển lãm phong cảnh toàn quốc sơn dầu mi-ni” bởi hơn một nửa số tranh treo là sơn dầu vuông khổ 80x80cm. Có những ý kiến tán thưởng sự chuyên nghiệp qua việc tạo chất sơn dầu “hút mắt”. Hay giá như có một quán cà-phê không gian lớn, treo đủ hơn 45 bức này thì ai vào đó ngồi có thể thưởng thức bằng mắt một vòng khắp từ Cát Bà cho đến Hà Giang, hoặc dạo qua những phong cảnh trong lòng phố chật.

Mơ về đón gió heo may... ảnh 2

“Bình minh trên biển Cát Bà”, tranh của Nguyễn Minh.

Họa sĩ Quyết Dương, một trong những người tạo duyên cơ chính của cuộc bày tranh lần này cho biết, năm 2020, anh cùng nhóm bạn lập ra Câu lạc bộ 42Painting Studio tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô, kế tiếp câu lạc bộ của họa sĩ tiền bối Thẩm Đức Tụ (1940-2022), được Cung văn hóa hỗ trợ về địa điểm. Ngoài sinh hoạt vẽ mẫu hằng tuần, câu lạc bộ mới trong hai năm qua đã tổ chức đi vẽ tranh, làm từ thiện ở Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm (Ninh Bình) hay trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội). Triển lãm lần này có bốn họa sĩ 9X thuộc câu lạc bộ, ba họa sĩ còn lại là “bắt tay chung” vì hợp duyên. Họa sĩ Quyết cho biết, để giới họa sĩ trẻ bắt tay vào chuyên nghiệp, việc cần nhất là địa điểm, mẫu để cùng sinh hoạt luyện tập vẽ chăm chỉ hằng tuần. Do câu lạc bộ ở đối diện cổng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nên còn thu hút được nhiều sinh viên yêu nghề, tự mong muốn đến học và luyện theo các anh chị mỗi buổi vẽ. Được biết, câu lạc bộ sẽ thu hút những bạn trẻ yêu mỹ thuật dành thời gian trải nghiệm ở các phong cảnh lạ nơi nơi. Chuẩn bị cho triển lãm lần này, ba họa sĩ trẻ: Quyết, Dũng, Thục đã dành hai tuần ở Hà Giang, vẽ trực họa rồi tranh khô sau, nhờ người địa phương gửi về…

Câu chuyện họa sĩ Quyết Dương kể cho thấy việc cần thiết của việc phải rèn đi rèn lại những “đường băng căn bản để cất cánh” mỗi ngày.