Mơ cây nêu bước ra từ cổ tích

Chiều ấy bố tôi không biết mang từ đâu về một cây tre vẫn còn nguyên gốc rễ, lá cành, rồi sai em tôi phụ bố mang tre ra trồng ở bờ ao trước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: KHIẾU MINH
Ảnh: KHIẾU MINH

Bố bảo, cứ trồng tạm ở đây ít bữa, tới 23 tháng Chạp ngày ông Công ông Táo về trời sẽ mang vào nhà để làm cây nêu đón Tết. Mẹ liền bảo, ôi dào còn tới cả tháng nữa, ông lo xa thế làm gì cho mệt. Bố cười buồn, đây có khi là cây tre cuối cùng của làng rồi! Cái bụi tre nhà ông Thủy đầu làng, hôm nay người ta cho máy cẩu múc hết rồi còn đâu.

Khi nhà nhà đã hàn khung sắt làm cái cổng chào thay cây nêu đón Tết, bố vẫn dựng cây tre trước nhà, ngắm nhìn nó rung rinh mỗi khi gió tới, thấp thoáng hồn trượng man mác, mênh mông. Ở đấy, lũ trẻ chúng tôi cảm nhận được chiều sâu không gian và thời gian từ thời cha ông mở mang đất đai, bờ cõi. Ở đấy cây nêu được xem là linh vật hiện thân cho sự tranh chấp giữa cái xấu ác và tốt đẹp, giữa hẹp hòi, ích kỷ và lòng vị tha, bao dung.

Tôi đã từng nghĩ, hay là nhà mình nghèo quá nên bố mẹ ky cóp ngay với cả cây nêu?! Giờ người ta sắm sanh, trang hoàng cây nêu nhôm sắt cả triệu bạc, mỗi năm đổi một kiểu hình thù. Bố vẫn cứ phải cây tre già cao vút, ngọn cong như cái cần câu, trên ấy bó đọt dứa dại, gốc phết vôi trắng xóa.

Tết rồi, bố tôi bị đau lưng vào trước ngày 23 tháng Chạp, trong nhà không ai khác ngoài tôi và đứa em trai út được bố giao cho nhiệm vụ sang làng bên mua tre về dựng nêu. Tới điểm tập kết tre mới thấy giờ dân mình cũng chuộng nêu tre lắm. Nhưng tre dưới xuôi giờ đâu còn nữa, nên người ta phải thuê những chiếc xe tải lớn vận chuyển tre từ đâu trên núi rừng miền tây xứ Nghệ về đây. Những cây tre cỗi già, cao quá mức cần thiết, lá đã héo rụng xác xơ. Vậy mà người mua kẻ bán vẫn ồn ào tấp nập. Nhìn quanh cũng chỉ thấy rặt cánh đàn ông đi mua tre, họ cứ nhào vào đống tre gai góc mà lựa, mà chọn. Hai chị em tôi thì cứ đứng ngẩn ra như trời trồng. Rồi đợi vãn người, đứa em cũng lao vào tận sâu bên trong cái lán dựng tạm, gỡ ra một cái ngọn tre vẫn còn nguyên vẹn nhất, lá cành vẫn còn tươi tỉnh nhất, lần lần dựng đứng cái thân tre lên, ngắm nghía thấy thẳng tắp, vậy là quyết định chốt hạ. Mua được cây tre ưng ý, hai chị em khệ nệ, đứa lái xe đứa vác, va quẹt, trầy trật qua mấy khúc cua mới về thấu nhà.

Lễ cúng ông Công ông Táo về trời xong thì đến lễ dựng nêu, bố tôi đã có thể gượng dậy lo chu toàn công việc. Cây nêu trời sinh sao để vậy (bố tôi kiêng đốn bớt gốc) nên khi dựng khá nặng, phải huy động hết mọi người trong nhà và nhờ đến cả anh hàng xóm lực lưỡng mới có thể trồng được nó ở tư thế vững chãi nhất. Đứng ở dưới nhìn lên, ngọn cây nêu cao ngất, rủ bóng xuống con ngõ nhỏ thân thuộc. Vì cây nêu cao chót vót nên ngôi nhà cũ càng trở nên thấp le te. Nhưng cũng không hề gì so với tiếng reo vui hào hứng, sự an bình đang hiện ra trong lòng người.

Sáng nay mẹ tôi đi chợ sớm về hớt hải, ông ơi, tôi thấy đám trai làng chở từng xe tải toàn tre là tre về làng, không biết tre ở đâu về mà nhiều thế... vậy là năm nay không phải đi xa mua tre nữa. Bố tôi gật gù, có lẽ trong đầu của “Người muôn năm cũ” đang hình dung về những ngả đường với hàng hàng những cây nêu tre, mộc mạc, rung rinh như vừa bước ra từ cổ tích!