Minh bạch để phát triển

Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 đang phát triển một cách ngoạn mục. Lúc này, hơn hết, cần tính các giải pháp nâng cao chất lượng, tránh tình trạng tăng số lượng theo phong trào.
0:00 / 0:00
0:00
Ruốc hàu, một sản phẩm OCOP đặc sắc của Quảng Ninh. Ảnh: Thành Đạt
Ruốc hàu, một sản phẩm OCOP đặc sắc của Quảng Ninh. Ảnh: Thành Đạt

Số lượng tăng nhanh

Với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, Chương trình OCOP đã được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Đây vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn sáu năm triển khai, đến tháng 1/2024, cả nước đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó: 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Đã có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, một trong những thành công quan trọng của Chương trình OCOP là tạo được sinh kế cho người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vừa phát triển kinh tế nhưng đồng thời bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa và bảo vệ được môi trường sinh thái. Các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu của chương trình, các sản phẩm chủ yếu vẫn chỉ được tiêu thụ ở khu vực địa phương, hoặc mang tới các hội chợ thương mại, nên hiệu quả tiêu thụ chưa cao, chưa thật sự phát huy tiềm năng và lợi thế của mô hình. Nguyên nhân của tình trạng này là do các sản phẩm phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều doanh nghiệp có công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thậm chí, có nhiều khách hàng hiện không biết chứng nhận OCOP là gì, hay vì sao giá bán sản phẩm nông sản có chứng nhận OCOP lại đắt hơn các sản phẩm cùng loại?

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của kinh tế số, các đơn vị sở hữu, phát triển hàng OCOP đã tích cực tham gia các nền tảng thương mại điện tử, quảng bá và bán hàng trên các kênh trực tuyến. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 57 triệu người tham gia mua sắm online và 72% số người dùng chi tiêu trực tuyến với lý do để nhận ưu đãi tốt hơn. Tuy nhiên, khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm và những sản phẩm đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trong nước.

Đại diện Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) cho biết, các nền tảng thương mại điện tử đã "xóa mờ" khoảng cách địa lý, các chương trình phát sóng trực tuyến (livestreams) cho phép những người bán hàng có thể đưa đến người tiêu dùng những cảm nhận trực quan nhất về sản phẩm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ, góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm.

Ðừng để chương trình chỉ mang tính phong trào

Luôn trăn trở với câu hỏi "Cái gì mới là cốt lõi để thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam?", bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, nông dân Việt Nam rất sáng tạo, ham học hỏi và áp dụng khoa học, công nghệ nhanh.

Đây chính là lý do khiến bà Thực luôn đau đáu với câu chuyện chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Bà cùng nhóm kỹ sư công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng thành công phần mềm thuần Việt với tên gọi Auto Agri. Phần mềm đáp ứng được những tiêu chí: đơn giản, dễ sử dụng, tích hợp phần kế toán điện tử, nhật ký điện tử… nhưng lại dễ giám sát, kiểm soát việc thực hiện quy trình, vị trí địa lý, thông tin sản phẩm thông qua việc giám sát cập nhật thông tin của chính người sử dụng.

Theo bà Thực, trong nông nghiệp muốn có sản phẩm tốt, chất lượng cao, muốn thuận lợi trong tiêu thụ, có giá trị cao trong chuỗi… cần sự minh bạch. Làm thế nào để lan tỏa thương hiệu đó nhanh nhất, hiệu quả nhất? Đương nhiên phải nhờ đến và cần đến việc chuyển đổi số nông nghiệp, tạo nền tảng cho các chủ thể, từng nông dân khi tham gia thương mại điện tử.

Thế nhưng làm gì để người nông dân, các chủ thể thật sự hưởng lợi khi tham gia thương mại điện tử lại là một vấn đề khá nan giải, cần có những giải pháp hỗ trợ bài bản, căn cơ mới có thể phát huy tối đa lợi thế của các sản phẩm đặc hữu, OCOP. Bà Thực cho rằng, sàn thương mại điện tử là nơi có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu, do vậy, ban đầu họ phải được hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là những doanh nghiệp có hạn chế về tài chính hoặc quy mô, từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

"Tuy nhiên, chúng ta phải làm tốt ở tất cả các khâu, không chạy theo số lượng, phong trào. Nếu giữ quan niệm "lấy số lượng là thành công" sẽ dẫn đến tình trạng "làng làng có OCOP, xã xã có OCOP" thì chúng ta sẽ sa lầy. Bởi sản phẩm OCOP là phải tinh túy, phải nâng cao được giá trị và có thể tạo ra các giá trị gia tăng khác", bà Thực trăn trở.

Chia sẻ quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên cao cấp bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường đại học Thương mại cho rằng, để có được thành công thật sự trong kinh doanh trực tuyến, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước ở hai vai trò chính. Thứ nhất, huy động, tập trung được nguồn lực hàng hóa. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất một cách manh mún, tập trung ở một vài thời điểm mà nhu cầu chưa chắc đã có, và ngược lại. Rõ ràng, ở đây cần có vai trò điều phối của chính quyền địa phương. Thứ hai, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu không kiểm soát nghiêm, chặt chẽ, để sản phẩm kém chất lượng lẫn vào sản phẩm tốt, người tiêu dùng sẽ giảm lòng tin, các sản phẩm OCOP sẽ mất thương hiệu và chương trình sẽ chỉ mang tính phong trào.