Lý Sơn, đảo tiền tiêu giữa gió ngàn Biển Đông

NDO - Đảo Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, thuộc tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1992. Là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, Lý Sơn rất gần với Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, nơi đây còn lưu giữ những bằng chứng lịch sử xác thực về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Đặc biệt, huyện đảo Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” với giống tỏi đặc biệt chỉ có duy nhất một nhánh.

Trước đây, để ra được Lý Sơn là điều không dễ, vì phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn. Giờ đây, để làm một tour du lịch biển đảo Lý Sơn đã dễ dàng hơn nhiều, từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, mất gần hai giờ đồng hồ bằng tàu cao tốc vượt 15 hải lý đường biển (khoảng 24 km).

Theo truyền thuyết, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông. Còn theo các nhà địa chất, hòn đảo này được hình thành cách đây vài triệu năm từ sự phun trào của các dòng nham thạch của núi lửa. Hiện nay, trên đỉnh ngọn núi Thới Lới vẫn còn đó miệng núi lửa - giờ trở thành hồ chứa nước ngọt tự nhiên, những lớp trầm tích nham thạch xếp nếp, những hang động, cổng đá được tạo thành do sự xâm thực của nước biển.

Huyện đảo Lý Sơn chỉ có diện tích gần 10 km với lượng dân hơn 20 nghìn người, gồm đảo Lớn (xã An Vĩnh, An Hải) và đảo Bé (xã An Bình). Tuy diện tích đảo khá khiêm tốn nhưng lại chứa đựng trong mình lượng di tích khổng lồ. Trên đảo có đến vài chục di tích: đình làng An Vĩnh, Chùa Hang và Âm linh tự (di tích cấp quốc gia). Bên cạnh đó còn nhiều di tích cấp tỉnh và cảnh đẹp như: Đình làng Lý Hải, Chùa Đục, giếng Vua, hang Câu, cổng Tò Vò, miếu bà Chúa Ngọc, dinh Bà Roi, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, các di chỉ, dấu vết văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa...

Người dân trên đảo sống nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi. Tỏi ở Lý Sơn khá nổi tiếng trong và ngoài nước với một loại tỏi có tên rất lạ và trở thành ấn tượng khó quên “tỏi cô đơn”. Theo anh Võ Thành Tưởng, người sinh ra và lớn lên trên đảo cho biết: Thuở nhỏ, khi mới 6, 7 tuổi đã phải theo cha mẹ làm tỏi, làm hành. Hành thì một năm có thể trồng vài vụ cùng với các loại cây khác như ngô, đậu xanh, dưa hấu. Nhưng tỏi ở Lý Sơn mỗi năm chỉ duy nhất một vụ, trồng vào tiết đầu đông, ra Tết thu hoạch. Có một điều khá lạ, gieo trồng cùng một giống tỏi, nhưng mỗi sào chỉ được một vài ki-lô-gam “tỏi cô đơn”. Tỏi ở đảo có hương vị độc đáo với nhiều tác dụng phòng chống bệnh tật, khi trước, hầu như loại tỏi này các gia đình thường giữ lại làm thuốc, ngâm rượu chữa đau bụng, tiêu chảy rất công hiệu. Sau này, diện tích trồng tỏi ngày càng được mở rộng, vì thể loại “tỏi cô đơn” được người tiêu dùng biết đến nhiều và được xuất bán đi khắp nơi. Có thời, công việc trồng trọt và kinh doanh tỏi thuận lợi đến mức người dân trên đảo có câu ca “làm vua thua làm tỏi”…

Nói đến đảo Lý Sơn, người dân đất Việt thường nghĩ ngay đến vị trí tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, như là điểm khởi đầu của quần đảo Hoàng Sa vậy. Điều đó được minh chứng bằng những nét văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo: Lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ tế lính Hoàng Sa - Trường Sa, tục Khao thề (lễ Khao lề thế lính)…

Được biết, “Lễ khao lề thế lính” có cội nguồn từ hơn 300 năm trước đây nhằm tôn vinh sự cống hiến hy sinh và cầu chúc cho hương hồn lính đảo Hoàng Sa - Trường Sa bất tử. Lễ Khao lề thế lính được người dân đảo Lý Sơn tổ chức đều đặn hằng năm. Sau này, được Nhà nước quan tâm, nên Lễ hội được tổ chức ngày càng quy mô và hoành tráng hơn. Vào dịp vào tháng 3 hằng năm, người dân cả nước nô nức về với Lý Sơn để cùng tham dự lễ hội có một không hai này.

Phần lớn, những chuyến đi Hoàng Sa - Trường Sa thời đó là những cuộc ra đi không có ngày trở lại. Vì thế, giờ chia tay lên đường cũng là lúc vĩnh biệt người thân. Chính vì vậy, ngoài vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển, mỗi người lính còn được cấp hai chiếc chiếu, bảy sợi dây mây, bảy thanh tre và một thẻ bài ghi tên tuổi, quê hương, đơn vị để khi bất trắc, rủi ro, đồng đội sẽ bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển với hy vọng mong manh rằng sóng gió sẽ đưa hài cốt người chiến sĩ trôi dạt vào đất liền để được an táng trong lòng đất Mẹ. Và cũng chính vì thế, trên đảo Lý Sơn (từ xưa và ngay cả bây giờ) vẫn tồn tại một dạng mộ mà dân gian gọi là “mộ gió” (vì bên dưới không có di hài của người đã khuất, thường là thân xác nằm trong lòng biển khơi).

Vậy đó, từ rất lâu rồi, cha ông ta đã ngày đêm không tiếc máu xương để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Hãy một lần đến với Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu xinh đẹp chứa đựng trong lòng bao trầm tích thiên nhiên, lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để trải nghiệm và cảm nhận khí phách hiên ngang, kiên cường của những người dân nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ bờ cõi giang san đất nước.