Cơ hội định cư nhanh chóng
Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chiếm một phần Iraq vào năm 2014, nhà báo người Hiba Ahmad bắt đầu tìm kiếm một lối thoát. Sau khi tìm hiểu trên mạng, cô gái người Baghdad quyết định mua một căn hộ nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá khoảng 40.000 USD (36.840 euro), gần một khu nghỉ dưỡng nhỏ bên bờ biển cách Istanbul khoảng một giờ. “Lý do tôi đến đây là vì mùa hè ở Baghdad rất nóng, tôi thường ở lại trong hai hoặc ba tháng”, cô nói.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ gần đây thắt chặt các quy định về cư trú nhưng cô Ahmad vẫn dễ dàng đi lại vì cô đã mua căn hộ ở quốc gia này. Điều này cũng cho phép cô thường xuyên gia hạn visa hai năm một lần. Trong khi nếu không có khoản đầu tư bất động sản, cô sẽ chỉ được cấp visa du lịch trong một tháng. Thậm chí nếu muốn cô cũng có thể nộp đơn xin quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây chỉ là một trong những thí dụ về chương trình được gọi là chương trình cư trú theo đầu tư (RBI), thường được gọi là chương trình “thị thực vàng” với giá cả phải chăng. Ngoài ra còn có các chương trình cấp quốc tịch thông qua đầu tư hay “hộ chiếu vàng” (CBI) nhưng những chương trình này thường đòi hỏi nhiều tiền, nhiều giấy tờ và thời gian hơn.
Các quốc gia cung cấp “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng” muốn có được những khoản đầu tư và ngoại tệ lớn. Còn đối với các cá nhân tham gia, những chương trình này có thể cung cấp cho họ lựa chọn sống tốt hơn, mặt khác hộ chiếu thứ hai tạo khả năng đi lại thuận lợi và cơ hội thoát khỏi các vấn đề chính trị, bất ổn kinh tế hoặc xung đột ở quê nhà.
Canada, Hoa Kỳ, Ireland và các quốc gia EU khác đã có những chính sách này từ lâu, nhưng ở Trung Đông mới phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây và nhanh chóng trở thành một thị trường tiềm năng.
Theo đài DW, đầu tháng 3 vừa qua, Ai Cập đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nước ngoài có quốc tịch Ai Cập bằng cách đầu tư 300 nghìn USD để mua bất động sản. Quốc gia này đã có kế hoạch cấp quốc tịch theo hình thức đầu tư từ năm 2020, nhưng do những khó khăn về kinh tế và nhu cầu lớn hơn về ngoại tệ và đầu tư quốc tế, Ai Cập đã nới lỏng các điều khoản trong năm nay.
Khoảng 90% dân ở Dubai là người nước ngoài. Chương trình “visa vàng” mới khuyến khích đầu tư vào UAE. Ảnh | REUTERS |
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đã có chương trình “visa vàng” từ năm 2019 nhưng cập nhật chương trình này vào năm 2022 theo hướng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn.
Jordan đã có chương trình CBI vào năm 2018 và năm 2020 Qatar bắt đầu cung cấp quyền cư trú tạm thời lâu dài để đổi lấy quyền sở hữu bất động sản. Bahrain có chương trình “thị thực cư trú vàng” từ năm 2022 và vừa cho ra mắt “giấy phép vàng” cho các khoản đầu tư quy mô lớn. Ả Rập Saudi cũng đã đưa ra chương trình “cư trú cao cấp” trong năm nay.
Hiện trên thế giới có khoảng 80 quốc gia cung cấp “hộ chiếu vàng” hoặc “thị thực vàng”. Đổi lại khoản đầu tư đáng kể, những chương trình này cung cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú gần như ngay lập tức hoặc thông qua một lộ trình nhanh chóng.
Các khoản đầu tư bắt buộc dao động từ khoảng 100 nghìn USD ở Caribe đến tối đa 3,25 triệu USD (2,96 triệu euro) ở châu Âu. Một số chương trình yêu cầu các nhà đầu tư phải ở lại quốc gia đó một số ngày nhất định hoặc thành lập doanh nghiệp tại địa phương.
Các nhà quan sát cho biết không chỉ các chính phủ các nước ở Trung Đông ngày càng chú ý nhiều hơn đến các chương trình RBI và CBI mà người dân ở các quốc gia đó, đặc biệt là những nơi đang trải qua xung đột hoặc bất ổn kinh tế như Lebanon, Iraq, Libya và Syria… cũng đang nhắm đến các chương trình như vậy ở nước ngoài.
Cánh cửa châu Âu dần thu hẹp
Từ lâu, châu Âu đã là lựa chọn hàng đầu cho những người muốn tìm kiếm quyền công dân hay quyền cư trú lâu dài ở nước ngoài qua các chương trình đầu tư định cư. Theo trang tin CNBC, Hy Lạp đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng lượng người đăng ký chương trình đầu tư định cư vào năm 2022, trong khi những dự án như vậy dần không còn được ưa chuộng ở những quốc gia khác.
Dữ liệu từ Bộ Tị nạn và Di cư Hy Lạp cho thấy, các đợt cấp chương trình “visa vàng” - giấy phép cư trú 5 năm cho những cá nhân đầu tư tối thiểu 250 nghìn euro vào bất động sản Hy Lạp - đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái lên 2.767, trong khi con số này chỉ là 1.525 vào năm 2021.
Hy Lạp sẽ tăng gấp đôi ngưỡng đầu tư tối thiểu từ tháng 5 năm nay để tiến gần hơn với các chương trình tương tự ở các quốc gia như Tây Ban Nha hay Italia. Giới chức Hy Lạp cho rằng đó là cách “để bảo vệ thị trường bất động sản địa phương và bảo vệ những người trẻ tuổi.”
Euronews cho biết, Tây Ban Nha cũng đã cho ra mắt chương trình đầu tư định cư từ năm 2013.
Chương trình này cấp quyền cư trú cho người nước ngoài và gia đình của họ đầu tư vào bất động sản ở nước này với mức đầu tư tối thiểu 500 nghìn euro, ngoài ra cũng có thể xin thị thực bằng cách mở một số loại hình kinh doanh ở Tây Ban Nha hay nắm giữ cổ phần công ty hoặc tiền gửi ngân hàng với giá trị tối thiểu là 1 triệu euro tại các tổ chức tài chính Tây Ban Nha hoặc đầu tư trái phiếu chính phủ ít nhất là 2 triệu euro.
Tuy nhiên, đầu năm nay, một dự luật đã được đệ trình nhằm hủy bỏ hoặc sửa đổi chương trình đầu tư định cư của Tây Ban Nha, với lý do điều này ảnh hưởng đến giá nhà và không có lợi cho nền kinh tế.
Bồ Đào Nha cũng là điểm đến ưa thích nhờ khí hậu ôn hòa và chất lượng cuộc sống tốt. Tuy nhiên vào tháng 2, nước này đã hoàn toàn chấm dứt chương trình “visa vàng” để giải quyết vấn đề đầu cơ bất động sản. Trước đó, người nước ngoài có thể mua bất động sản hoặc đầu tư một phần tài sản của họ vào đất nước để đổi lấy quyền cư trú.
Theo hãng thông tấn quốc gia LUSA, từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022, chương trình đã mang về gần 398 triệu euro cho quốc gia này. Anh, Ireland và một số quốc gia khác ở EU cũng đã kết thúc chương trình đầu tư nhập tịch hay đầu tư định cư.
Sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, EU kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hủy bỏ chương trình này vì e ngại chúng sẽ giúp đỡ những kẻ muốn trốn tránh lệnh trừng phạt. Một kế hoạch như vậy sẽ “gây rủi ro liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng và xâm nhập của tội phạm có tổ chức, đồng thời sẽ không phù hợp với các tiêu chuẩn của EU”, một báo cáo cảnh báo.
DW dẫn lời bà Jelena Dzankic, Giáo sư tại Viện Đại học châu Âu ở Italia và đồng giám đốc của tổ chức Quan sát công dân toàn cầu cho biết: “Xu hướng ở Trung Đông ngược lại với những gì chúng ta đang thấy ở châu Âu” và “khi một thị trường - ở đây là thị trường châu Âu - trở nên khó tiếp cận, người ta bắt đầu xem xét các giải pháp khả thi thay thế”.
Ông David Regueiro, đại diện khu vực của Hội đồng đầu tư định cư cho rằng các nhà đầu tư Trung Đông là những người tham gia chương trình này tích cực nhất. Trong đó, phải kể đến Ả Rập Saudi, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar, Bahrain, Lebanon, Syria và Iran.
Ông cho biết: “Mặc dù những cá nhân giàu có nằm trong số những nhà đầu tư tích cực nhất, nhưng những người có thu nhập trung bình cũng đang thể hiện sự quan tâm”. Nếu chương trình “thị thực vàng” của các quốc gia vùng Vịnh trở nên dễ tiếp cận, thì những người thu nhập thấp hơn cũng có thể cân nhắc lựa chọn này.
Tuy vậy, việc các chương trình ở Trung Đông có thành công hơn những chương trình trước đó hay không vẫn còn phải xem xét.
“Trung Đông vẫn là một thị trường non trẻ, vì vậy điều gì xảy ra với các chương trình này phụ thuộc vào nhiều vấn đề, đặc biệt là sự tăng trưởng của ngành”, bà Jelena Dzankic nói.
Trong khi chương trình các nước EU được điều chỉnh bởi các quốc gia thành viên, ở Trung Đông không có sự giám sát như vậy, bởi thế nhiều vấn đề có thể nảy sinh. Chẳng hạn cuối năm ngoái, EU đã ngừng cho phép công dân Vanuatu nhập cảnh miễn thị thực vào châu Âu vì e ngại sự quản lý lỏng lẻo chương trình CBI của quốc gia Thái Bình Dương này.