Lộ trình cho các giải pháp thích hợp

Cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với những nội dung chi tiết về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn rụt rè, do e ngại đầu tư xây dựng công trình xanh có mức đầu tư lớn hơn công trình thông thường.
0:00 / 0:00
0:00
 Công trình Trung tâm hội nghị Tre Việt (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có nhiều nét kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.
Công trình Trung tâm hội nghị Tre Việt (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có nhiều nét kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.

Xây dựng bộ công cụ cơ sở

Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt Trái đất, nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Ở nước ta, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng thực tế chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Quá trình phát triển đô thị thiếu bài bản, quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh, thường theo hướng tăng mật độ xây dựng, cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo các chuyên gia, cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với những nội dung chi tiết về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn rụt rè, do e ngại đầu tư xây dựng công trình xanh có mức đầu tư lớn hơn công trình thông thường, giá công nghệ, vật liệu đắt đỏ. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn cho rằng đầu tư công trình xanh chỉ nhằm mục đích marketing.

Dẫu thế, ở Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp, đơn vị hướng đến các mục tiêu xây dựng các công trình thân thiện môi trường. Đơn cử, bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation), được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh Việt Nam. Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, bà Lưu Thị Thanh Mẫu nêu đề xuất: Cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.

Bà Mẫu kiến nghị: “Việt Nam cần tiến tới có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/ dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh. Hiện nay các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể. Từ đó làm cho giá kinh doanh dự án công trình xanh cao hơn dự án thông thường, tạo nên tâm lý ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư…”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thêm: Đô thị xanh là mô hình người dân ưa chuộng và là xu hướng tất yếu của tương lai. Theo các nghiên cứu, kinh nghiệm trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3-8% so đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15-30% năng lượng sử dụng, giảm 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30-50% lượng nước sử dụng, 50-70% chi phí xử lý chất thải.

Cần chính sách đột phá

Công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.

Bởi vậy, theo ông Nguyễn Văn Đính, cần có các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển loại hình công trình này. Các doanh nghiệp cũng cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh đang ngày càng tăng. Cùng đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho xã hội về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng các thiết bị thân thiện môi trường...

Là những người trực tiếp tham gia thực hiện dự án xây dựng, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP FECON cho biết, cần có cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng công trình, có cơ chế đột phá cho các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước được ứng dụng công nghệ, giải pháp thi công xây dựng hiện đại. Theo đó, nếu chứng minh được tính hiệu quả về kinh tế, tiến độ và chất lượng bền vững thì các dự án này không cần có định mức, thay vào đó là quản lý bằng tổng mức đầu tư. Đối với công nghệ thi công xây dựng hiện đại có thể ứng dụng trong các dự án mang tính chất đặc biệt hoặc cấp thiết thì có thể áp dụng định mức và đơn giá của nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, ưu đãi về thuế và phí, giúp chủ đầu tư vượt qua rào cản về chi phí đầu tư ban đầu. Đồng thời, chính sách khen thưởng cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt việc xây dựng xanh cũng là một giải pháp cần được tính đến.