Nếu không có lần "kẹt xe" hiếm hoi trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, bản thân tôi chắc chắn sẽ rất khó có cơ hội rẽ ngang sang quốc lộ 10, để rồi phải ngỡ ngàng trước quần thể những ngọn núi đá vôi nối dài, nổi bật giữa ruộng đồng bát ngát xanh. Đồi núi nhấp nhô. Chỗ này lởm chởm mỏm đá. Chỗ kia lại vất vưởng từng chùm rễ cây rủ xuống giữa không trung. Cảnh sắc thiên nhiên như mời gọi về một vùng đất hoang sơ, không mấy bị tác động bởi bàn tay con người.
Không khó để nhận ra nguyên do tên gọi của khu vực này. Sau hàng nghìn năm dầm mưa dãi nắng, vân núi mầu ghi đen hằn ngang dọc giống hệt lớp da của chú voi già. Chưa hết, tạo hóa đã khéo léo chia tách một phần chân núi, khiến khung cảnh phía dưới như thể Núi Voi đang cúi đầu, thả chiếc vòi, chậm rãi uống nước bên dòng Lạch Tray.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp, Núi Voi là di chỉ có niên đại từ thời tiền sử và sơ sử, cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Ở khu vực này, nhiều công cụ lao động thô sơ như bàn mài đá, giáo đồng, rìu đá, dao găm đồng... đã được phát hiện, minh chứng cho sự xuất hiện từ rất sớm của xã hội loài người.
Đến với Núi Voi, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc văn hóa cổ như đình Chi Lai, đền thờ Cao Sơn Đại Vương... Những ngày chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, sự hiểm trở của địa hình khiến nơi đây được lựa chọn làm căn cứ kháng chiến. Đến tận bây giờ, phía bên ngoài hang Già Vị, vẫn lưu giữ bia đá khắc hai câu thơ thể hiện sự kiên cường của người chiến sĩ du kích Hải Phòng: "Đứng trên đỉnh núi ta thề/Không giết được giặc không về Núi Voi".
Quần thể Núi Voi sở hữu nhiều hang động kỳ thú (như hang Già Vị, Họng Voi, động Nam Tảo, Bắc Đẩu...). Mẹ thiên nhiên đã khéo léo "nhào nặn" suốt hàng nghìn năm, để tạo nên những măng đá với đủ thứ hình dạng độc đáo. Nếu muốn ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh nơi đây, hãy đi bộ theo những bậc thang đá hướng lên phía đỉnh núi. Suốt dọc đường đi, du khách có thể chụp ảnh cùng những rặng bông lau, hái cho mình những quả táo rừng tự nhiên giòn, ngọt và tha hồ làm đầy lồng ngực với những làn gió mát lành. Càng gần đỉnh núi, những bậc thang đá cũng dần khó đi hơn trước. Nhiều đoạn, du khách sẽ phải sử dụng cả hai tay để leo qua những dốc núi cao chênh vênh.
Khi thử thách của thiên nhiên bị bỏ lại phía sau, đỉnh núi tưởng như gồ ghề lại mở ra một khu vực bằng phẳng tới kỳ lạ. Theo lời kể của người dân địa phương, đây chính là nơi các vị tiên so tài đánh cờ. Còn với khách du lịch, khoảng đất này hoàn toàn có thể là nơi cắm trại đặc biệt, giúp chúng ta chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh thanh bình.