"Làng tỷ phú" và câu hỏi để ngỏ

Không chỉ tích lũy được một khoản thu nhập đáng kể từ quá trình đi xuất khẩu lao động, nhiều người dân năng động, sáng tạo đã khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn ban đầu đó. Tuy nhiên, không ít người lại gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất sản phẩm mộc dân dụng - Mô hình khởi nghiệp của anh Lê Tiến Dũng, xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Sản xuất sản phẩm mộc dân dụng - Mô hình khởi nghiệp của anh Lê Tiến Dũng, xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

"Chiếc chìa khóa" không dùng cho mọi cánh cửa

Xã Cương Gián (Nghi Xuân) là địa phương điển hình đã có bước đổi thay nhanh chóng nhờ có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động trở thành chìa khóa thoát nghèo, vươn lên làm giàu của các hộ dân nơi đây. Nhiều gia đình có từ năm đến bảy lao động đang làm việc ở nước ngoài. Người đi trước có vốn hỗ trợ cho người đi sau, dần dần lan ra cả làng, cả xã. Từ một xã vùng biển ngang nhiều gian khó, Cương Gián đã trở thành "xã giàu nhất nước", "làng tỷ phú" với lượng kiều hối dồi dào do các lao động gửi về xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, trong tổng số 3.390 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu hiện có trên địa bàn, tại thời điểm hiện nay có đến 3.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu... Mỗi năm, các lao động gửi về hơn 300 tỷ đồng để đầu tư cho con cái học hành, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

Anh Lê Quốc Toản (xã Cương Gián) là một điển hình. Sau 5 năm học tập, lao động tại Hàn Quốc, năm 2010 anh Toản về quê. Với tư duy, tinh thần lao động mới, chàng thanh niên làng biển mạnh dạn tiếp cận, triển khai một số phương thức sản xuất mới tại quê nhà. Tuy vậy, theo chia sẻ của anh Toản, do số vốn tích lũy còn ít, bản thân chưa có thời gian khảo sát kỹ nhu cầu thị trường nên các phương thức sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ những va vấp ban đầu, năm 2018, anh Lê Quốc Toản đã liên kết với anh em, bạn bè thành lập Công ty TNHH Phú Minh Gia và bắt tay xây dựng nhà hàng sinh thái Phú Minh Gia tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián. Với phương thức "lấy ngắn nuôi dài", tận dụng lợi thế nguồn hải sản dồi dào, bờ biển đẹp, hoang sơ, nhà hàng sinh thái Phú Minh Gia nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy thời cơ phát triển của loại hình du lịch nghỉ dưỡng, Công ty TNHH Phú Minh Gia đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng khu sinh thái Phú Minh Gia trên diện tích gần 1ha với đầy đủ các hạng mục phục vụ nhu cầu ẩm thực, nghỉ dưỡng của hơn 1.000 lượt khách/ngày.

Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, ngoài 100 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại quê nhà, đến nay đã có hơn 300 người dân xã Cương Gián trở thành nhà đầu tư, chủ mô hình sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh phía nam nhờ nguồn lực tích lũy từ thời gian làm việc ở nước ngoài mang lại.

Nối gót người dân xã Cương Gián, hàng chục nghìn lao động trong độ tuổi ở các xã trong huyện Nghi Xuân cũng tìm đường xuất ngoại với mong ước thay đổi cuộc sống. Tính đến nay, toàn huyện Nghi Xuân đã có hơn 13.500 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Một số người đã khởi nghiệp thành công. Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội tìm được việc làm ổn định hoặc khởi nghiệp thành công. Rất nhiều lao động khi về nước không tìm kiếm được công việc phù hợp. Anh Nguyễn Văn Thông, xã Xuân Liên, Nghi Xuân cho biết: "Sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc, với vốn liếng và kinh nghiệm được tích lũy, tôi và rất nhiều người muốn về nước đầu tư tàu lớn để vươn khơi bám biển. Khổ nỗi, ngoài hệ thống hạ tầng nghề cá sơ sài, các cảng biển trên địa bàn lại bị bồi lắng, nếu có tàu thì cũng không ra vào cảng được. Thành ra, chúng tôi buộc phải tìm cách quay lại nước bạn để kiếm kế sinh nhai".

Tâm sự của anh Nguyễn Văn Thông cũng là nỗi lòng của không ít lao động thất nghiệp tại quê nhà nên phải tìm cách xuất ngoại trở lại. Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Hường (thị trấn Cày, huyện Thạch Hà), người đã có 12 năm làm việc ở nước ngoài chia sẻ: "Nguồn vốn, kỷ luật, tác phong lao động, tinh thần đổi mới là gia tài quý báu của anh em sau thời gian làm việc ở nước ngoài. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, nếu biết phát huy "vốn liếng" đó, các lao động hồi hương sẽ trở thành những ông chủ, lao động có tay nghề, có việc làm ổn định, cho thu nhập cao và được xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, nhiều lao động sau khi hết hợp đồng về nước sẽ tìm cơ hội quay trở lại hoặc sang một nước khác để trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội mới".

Cần sự kết nối chặt chẽ

Mức lương trong nước thấp hơn ở nước ngoài là vướng mắc khiến cho nhiều người gặp trở ngại khi tìm việc ở trong nước. Bên cạnh đó, việc thiếu các kênh thông tin kết nối hiệu quả cũng khiến cho nhiều lao động có trình độ, kinh nghiệm chưa tìm được doanh nghiệp phù hợp để gắn bó. Anh Nguyễn Văn Hà, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang (Hải Dương) chia sẻ: "Làm việc ở Nhật Bản, thu nhập của tôi được 40 triệu đồng/tháng, số tiền đó rất quan trọng đối với gia đình tôi. Tuy nhiên, khi trở về nước, tôi lại không tìm được việc phù hợp. Sau gần một năm, tôi xin được việc làm thợ phụ ở doanh nghiệp không cần lao động tay nghề cao, và họ cũng chỉ trả 10 triệu đồng mỗi tháng".

Ở góc độ những người kết nối, bà Trần Thị Khuyên, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cho biết: "Do thông tin của lao động về nước ít ỏi, việc chuẩn bị cho một phiên giao dịch việc làm để kết nối họ với doanh nghiệp rất khó khăn. Những năm qua, chúng tôi đã cố gắng nhưng cũng chỉ được một số ít lao động đến tìm việc". Còn theo ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Dương), phần lớn lao động đã đi làm việc ở nước ngoài đều biết ngoại ngữ. Họ quen với công nghệ cũng như tác phong làm việc ở nước ngoài nên dễ đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Dương. Do đó khâu kết nối giữa người lao động đi làm việc tại nước ngoài khi về nước với các doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để có thể tận dụng tốt kiến thức, tay nghề của các lao động trở về từ các thị trường lao động chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng của thị trường lao động trong nước.