Các tôn giáo vận dụng niềm tin tôn giáo vào bối cảnh thực tế để phù hợp các phong trào thi đua yêu nước mà Đảng và Chính phủ phát động. Thời kỳ này xuất hiện nhiều tổ chức, đoàn thể tôn giáo yêu nước như: Cao Đài cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc...
Trong Lời kêu gọi thi đua yêu nước năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa; "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất". Chính nhờ sự ứng xử tốt đẹp với các chức sắc, nhân sĩ và cộng đồng các tôn giáo nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã cuốn hút, tập hợp đông đảo quần chúng các tôn giáo vào phong trào kháng chiến kiến quốc, thi đua lao động sản xuất. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn có giá trị cho đến ngày hôm nay.
Khi đất nước hòa bình thống nhất, các cuộc vận động thi đua yêu nước của Nhà nước phát động gắn với các phong trào lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng lối sống văn minh… Có nghĩa là các tôn giáo dấn thân vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như xóa đói, giảm nghèo, đề cao các mô hình sản xuất tiên tiến và các điển hình cá nhân xuất sắc. Các tôn giáo tham gia vào các phong trào từ thiện bác ái, giúp đỡ những người nghèo khổ, cô đơn, không nơi nương tựa… Chúng ta có thể kể đến các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Các tôn giáo cũng có những phong trào riêng thể hiện tinh thần thi đua yêu nước như: "Khu dân cư tự quản không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội"; "Xứ, họ đạo bình yên" do Ủy ban đoàn kết Công giáo phát động. Phong trào "Phiên chợ 0 đồng"; "Quán cơm 0 đồng" của Ban trị sự Phật giáo một số tỉnh, thành phố phát động; cho đến việc hỗ trợ xe cứu thương, xây cầu của Phật giáo Hòa Hảo… Trong đại dịch Covid-19 năm 2021, các tôn giáo đều tích cực cùng Chính phủ và toàn dân tham gia chống dịch, đặc biệt là đồng hành, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19… Nhiều nhà sư, phật tử cũng như tu sĩ, chức sắc nhiều tôn giáo đều nỗ lực và tích cực tham gia chống dịch.
Có thể nói, nội dung thi đua yêu nước ngày nay đã thay đổi so với trước kia. Nội dung phong trào thi đua yêu nước đa dạng và phong phú hơn, hướng đến những vấn đề chung của cộng đồng như bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi các tôn giáo phải không ngừng tìm kiếm và đào sâu giáo lý truyền thống của riêng mình để có một sự hội nhập tốt nhất với xã hội, trong đó có việc tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Ngày nay tôn giáo tham gia thi đua yêu nước còn hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện con người về mặt luân lý, đạo đức.
Khi tôn giáo thể hiện tốt vai trò của mình trong các cuộc vận động thi đua yêu nước cũng chính là lúc các giá trị tôn giáo được phát huy. Qua các phong trào thi đua yêu nước sẽ làm gia tăng sự thấu hiểu, gặp gỡ giữa chính sách của Nhà nước với phương châm sống đạo của các tôn giáo, giúp cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo và chính quyền hiểu nhau hơn, để cùng xây dựng đời sống con người và phát triển cộng đồng tích cực nhất. Vận động các tôn giáo thi đua yêu nước là một truyền thống của Đảng ta từ khi thành lập đến nay. Việc nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã làm cho các quần chúng tín đồ các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, từ đó có một sự vững tin trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phát động.
Lý tưởng giáo lý của mọi tôn giáo là hành động vì con người, nên luôn hướng con người tới việc làm lành tránh dữ. Việc yêu thương giúp đỡ nhau cũng là một điểm mạnh tự nhiên vốn có của các tôn giáo. Do đó, khi phát động các phong trào thi đua yêu nước của các tôn giáo, cần phải chú trọng tới tính tương thích giữa giáo lý và mục đích, hành động của việc thi đua, để từ đó có thể huy động mạnh mẽ các nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Các hoạt động thi đua yêu nước của đồng bào các tôn giáo ngoài sự vận động của Nhà nước còn là vì niềm tin tôn giáo. Biết khơi dậy niềm tin tôn giáo vào các hoạt động thực tiễn sẽ làm cho các phong trào thi đua yêu nước được lan tỏa và tạo ra được những hiệu quả hết sức thiết thực.