Trước chuyến đi, tôi tìm kiếm các tài liệu và ghi nhận: Côn Đảo xưa gọi là Côn Lôn (các nhà du hành gọi là Poulo Condore xuất phát từ tiếng Mã Lai "Pulao Kunlao" có nghĩa là đảo trái bí). Những di tích khảo cổ học ở Côn Đảo xuất hiện những hiện vật thuộc giai đoạn hậu kỳ thời đá mới và khẳng định cách đây khoảng 4-5 nghìn năm đã có lớp cư dân đầu tiên cư ngụ tại đảo. Các hiện vật khảo cổ học cũng thể hiện, người tiền sử ở đây biết làm nông nghiệp bằng cuốc kết hợp với thu lượm hải sản, săn bắt...
CÔN ĐẢO nằm ở vị trí thuận lợi giữa Biển Đông, trên đường giao lưu Đông-Tây nên được người phương Tây biết đến từ rất sớm. Theo nhiều tài liệu, năm 1294, đoàn thuyền 14 chiếc của nhà du hành nổi tiếng người Italy tên là Marco Polo dạt trú tại đây sau khi bị bão đánh chìm tám thuyền. Trung tuần tháng 9 năm 1516, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Pernão Perès de Andrade cũng đã cập bến Côn Đảo. Theo ghi chép của Marco Polo, các nhà đi biển rất hay ghé nơi này để kiếm nước ngọt và mua gà, rùa biển và quả nho của cư dân đảo. Khoảng giữa những năm 60 thế kỷ 16, thi hào Bồ Đào Nha Luís Vaz de Camões, tác giả làm rạng danh nền văn học Bồ thời kỳ Phục Hưng đã đến Côn Đảo, đem theo tập bản thảo cuốn sử thi bất hủ Os Lusiadas. Đây là tác phẩm văn học phương Tây đầu tiên có viết về Việt Nam, trong đó nhiều đoạn miêu tả vẻ đẹp của xứ Đàng Trong.
Trong tiến trình mở mang bờ cõi ở đất Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn, Phú Quốc... Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), việc tuần tiễu và khai thác hải sản ở các quần đảo được tiến hành thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Đội thành lập ngay từ giữa thế kỷ 16 và hoạt động mạnh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Chúng tôi đã tìm kiếm trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Đà Lạt) những tư liệu khẳng định chủ quyền Côn Đảo. Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 10 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát), có chép: "…Buổi quốc sơ khai đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản".
Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 7) ghi rõ: Năm Nhâm Ngọ, đời chúa Nguyễn Phúc Chu năm thứ 11 (1702), chúa sai người đi tìm diệt giặc biển tại Côn Lôn: "Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn… Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy".
Càng đến thời sau thì càng rõ ràng sâu sắc hơn về chiến lược biển của vương triều Nguyễn. Năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840), Vua ra chính sách phòng thủ tại những nơi xung yếu Côn Lôn, Phú Quốc. Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi: "Kể ra, biết tự trị thì mạnh, có phòng bị thì không lo. Nay cửa biển Đà Nẵng ở Quảng Nam, đã đặt thêm pháo đài phòng Hải; cửa biển Thị Nại ở Bình Định, lại mới xây pháo đài Hổ Cơ, để giữ chỗ hiểm yếu; còn đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long; đảo Phú Quốc ở Hà Tiên, đều có đặt đồn bảo chia phái lính thú tuần phòng, để răn ngừa sự lo bất ngờ. Như thế ta ngăn giữ bờ biển đã có cái thế đáng sợ mà không thể xâm phạm được. Việc võ bị mà chỉnh đốn, thì người ngoài trông thấy cũng tiêu tan lòng tà. Không chỉ người Tây dương cách trở xa xôi, không dám trông thẳng vào nước ta, mà nước mạnh láng giềng tiếp giáp cõi đất, cũng không dám manh tâm dòm ngó nữa"…
★★★
Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, các công ty Đông Ấn của Anh, Pháp nhiều lần cho người tới Côn Đảo dò xét với âm mưu xâm chiếm. Tháng 11/1686, Công ty Đông Ấn của Pháp phái một nhân viên tên là Verret tới điều tra và lập thương quán ở Côn Đảo. Năm 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông Ấn của Anh tiếp tục ngang nhiên đổ quân lên Côn Đảo. Họ đưa lính người Makassar (thuộc quần đảo Indonesia) tới xây dựng một pháo đài lớn và ký hợp đồng làm việc trong ba năm. "Nhưng cũng chính những người lính hung hãn, da ngăm màu đồng hun đã vùng lên tiêu diệt các ông chủ người Anh" (Poulo Condore: T.F.E.O. Sài Gòn 1947).
Nhưng theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cuộc nổi dậy này là do triều đình nhà Nguyễn chủ trương, tổ chức và chỉ huy nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn khôn khéo cài người vào nội bộ địch, lợi dụng lính đánh thuê bất mãn với bọn chủ người Anh để gây nên cuộc binh biến. Sự việc được giải quyết nhanh gọn, không gây rắc rối trong quan hệ bang giao vì đã có tù binh trong tay, địch khó lòng chối cãi. Bởi lẽ đó, trong một thời gian dài tránh được sự nhòm ngó của một cường quốc hải quân hùng mạnh vào bậc nhất thời đó…
Sử ghi: Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên như vũ bão. Từ 1776 trở đi nghĩa quân Tây Sơn nhiều lần tấn công căn cứ chúa Nguyễn ở Gia Định. Tháng 3/1782, thủy quân của chúa Nguyễn Ánh bị đại bại ở cửa biển Cần Giờ. Tháng 6/1783, Tây Sơn đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh lên thuyền trốn ra Côn Đảo. Ông đã đem theo hơn 100 gia đình thuộc hạ; xây dựng căn cứ, tính kế phục thù. Chiến thuyền Tây Sơn đuổi theo gặp bão, Nguyễn Ánh chạy thoát. Sau thất bại này, theo lời khuyên của giám mục Pigneau de Behaine tức Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh đã chọn con đường cầu viện nước Pháp để giành lại ngôi vị. Từ sai lầm này dẫn tới hành động "cõng rắn cắn gà nhà" đưa dân tộc Việt phải trải qua gần một thế kỷ đen tối dưới ách cai trị của thực dân Pháp.
Ngày 28/11/1787, thay mặt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc ký hiệp ước Versailles với đại diện vua Pháp là De Montmorin. Theo đó, Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 tên lính người Phi. Đổi lại, nhà Nguyễn phải nhượng cho Pháp chủ quyền cửa Hàn (Đà Nẵng), được độc quyền thương mại ở Nam Kỳ. Theo điều 3 và 5 của hiệp ước này, quần đảo Côn Lôn cũng rơi vào tay Pháp. Ngày 28/11/1861, theo lệnh của Đô đốc Bonard - Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp, Thông tấn hạm Norzagaray do trung úy hải quân Lespès Nicolas Joachim chỉ huy có mặt tại Côn Đảo. Một biên bản đã được lập vội, với mục đích khẳng định chủ quyền của người Pháp tại Côn Lôn: "Hôm nay, ngày 28/11/1861 vào lúc 10 giờ sáng. Tôi, Lespès Nicolas Joachim, Trung úy hải quân, Hạm trưởng Thông tấn hạm Norzagaray, tuân hành lệnh của Chính phủ và nhân danh Hoàng đế Pháp Napoleon III, tuyên bố quyền chiếm hữu quần đảo Poulo Condore. Biên bản ghi nhận quyền này được lập với sự hiện diện của các sĩ quan thuộc Thông tấn hạm Norzagaray"…
Du khách tham quan khu biệt giam Chuồng Cọp của Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. |
★★★
Miên man cùng dòng chảy của thời gian miên viễn, chúng tôi đến thắp hương ở An Sơn Miếu hiện thờ thứ phi Phi Yến, tục danh Lê Thị Răm, một trong những người vợ của Nguyễn Ánh. Tại đây, du khách không tránh khỏi bùi ngùi, kính cảm trước tiết hạnh của bà thứ phi. Giai thoại cư dân đảo kể rằng, khi theo chồng dạt ra Côn Đảo, biết Nguyễn Ánh định cầu cứu Tây phương, thứ phi đã hết sức can ngăn nên bị ông ta nổi trận lôi đình vì nghi ngờ bà thông đồng với Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã biệt giam Phi Yến trong một động đá trên hòn đảo hoang vắng phía tây nam đảo lớn.
Nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Hội An (tức Cải), con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh mới vừa 5 tuổi, biết mẹ đang bị giam cầm nên kêu khóc phải để cho bà cùng đi hoặc xin được ở lại với mẹ. Trong cơn nóng giận, Nguyễn Ánh đã chém và ném xác con trai xuống biển. Xác hoàng tử trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ. Bà Phi Yến được dân đảo giải cứu. Khi biết tin con trai đã chết, thứ phi vô cùng đau xót, thường ra mộ con khóc cho đến ngày tự kết liễu đời mình, nhắm mắt xuôi tay trong cơn bi phẫn. Trước tình cảnh thương tâm mẫu tử chia lìa, dân đảo vô cùng cám cảnh. Dân gian cho rằng, câu ca: "Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay" đã ra đời từ đó…
Vẫn biết rằng, trong Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện không ghi chép ai là thứ phi của Hoàng đế Gia Long tên là Lê Thị Răm, thụy là Phi Yến. Cư dân đảo cũng biết rất rõ rằng, tiền thân ngôi miếu này thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu, vốn là vị thần biển trong tín ngưỡng dân gian. Miếu do ông Nguyễn Kim Sáu - nguyên Trưởng ty Ngân khố Côn Đảo khởi dựng năm 1958 với đôi câu đối bằng chữ Hán treo trên hai trụ bệ thờ: "Thánh đức phối Thiên an Hải quốc/ Mẫu nghi xứng Hậu ấm Côn bang". Còn bức hoành phi "Đức Bà Phi Yến" đắp nổi sơn mầu đỏ ở giữa ban thờ thì mới được viết lên sau này bằng chữ Quốc ngữ. Nhưng chiều nay trước An Sơn Miếu và Miếu Cậu giữa lòng Côn Đảo, lòng tôi vẫn rưng rưng khi liên tưởng đến câu chuyện đau lòng.
Tôi cũng nghĩ về hàng trăm năm qua những miếu bà, miếu cậu không có ngày nào không khỏa khuây hương khói vì người dân đã hòa hợp những thần linh, nhân linh trong tâm tưởng ngưỡng vọng của họ làm điểm tựa tinh thần, làm sức mạnh bảo hộ và che chở. Lịch sử có con đường riêng. Văn hóa và tín ngưỡng cũng có những lối đi khác. Học thuật cần phân định rõ ràng, nhưng cũng cần tôn trọng tâm thức dân gian về tinh thần hướng thượng và khát vọng bình yên. Có thể là khập khiễng, nhưng tôi đã liên tưởng đến tục thờ thánh mẫu Thiên Y Ana của cư dân biển ở xứ miền trung với An Sơn Miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu (hay thứ phi Lê Thị Răm) trên đất Côn Đảo…
(Còn nữa)