GS,TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để đổi mới phương thức quản lý

GS,TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh bên) đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện chung quanh vấn đề: Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ ra những bất cập, hạn chế của hệ thống chính quyền cơ sở như thế nào và phải chăng đây là cơ hội để đổi mới phương thức quản lý?

Đại dịch Covid-19 là cơ hội để đổi mới phương thức quản lý

Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã cho thấy những mặt mạnh của chính quyền cơ sở, nhưng cũng làm bộc lộ những bất cập, hạn chế. Theo ông, những bất cập, hạn chế đó là gì?

Một trong những nhân tố góp phần thành công trong phòng, chống dịch là chính quyền cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sát sao, gần gũi với nhân dân nên huy động được sự tham gia vào cuộc của đông đảo người dân trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng dịch, giám sát cách ly. Các biện pháp thực thi phòng, chống dịch còn mới mẻ, chưa thành các quy định cụ thể trong các thủ tục hành chính, chưa có các công cụ pháp lý bắt buộc, song nó đáp ứng đúng những yêu cầu thực tế, phù hợp lợi ích của số đông nên được người dân đồng tình, ủng hộ chung tay cùng chính quyền thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công từ sự năng động, sáng tạo thu phục lòng dân, chúng ta cũng thấy hành động của chính quyền cơ sở bộc lộ những hạn chế bất cập trong ứng phó phòng, chống dịch một cách máy móc, xơ cứng, sợ trách nhiệm.

Một số địa phương áp dụng máy móc tỉnh cách ly với tỉnh, đã lập các chốt ngăn cản các dòng lưu thông hàng hóa trên các trục đường quốc lộ đi qua địa phận của tỉnh mình, không cần biết việc ngăn chặn như thế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng thế nào đến đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thể làm phá sản hàng loạt doanh nghiệp, nông sản thu hoạch chất đống phải đổ bỏ, cuốn trôi công sức, tiền của bao người nông dân. Cấp chính quyền có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm phải biết phân luồng giao thông, tạo các trục đường thông suốt không dừng đỗ tùy tiện, tạo các điểm dừng đỗ trung chuyển hàng hóa có kiểm soát để hàng hóa vẫn được lưu thông bình thường, kiểm soát được dịch do không để tự do tiếp xúc. Việc này không có quy định trong quy trình quản lý phòng chống dịch, nhưng nó đòi hỏi các cấp chính quyền phải năng động, sáng tạo để tìm ra giải pháp hành động phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm đạt đến mục tiêu kép vừa phòng chống dịch an toàn vừa ổn định phát triển kinh tế.

Trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát người dân chấp hành các biện pháp cách ly xã hội cũng có nhiều câu chuyện thể hiện sự máy móc của cán bộ và các cấp chính quyền cơ sở. Chẳng hạn, khi có chỉ đạo lập các chốt kiểm soát người ra đường thì từng phường, từng quận đồng loạt dựng rào chắn trên các trục đường chính đi qua địa bàn mình để kiểm tra giấy đi đường không cần biết sự ùn tắc tập trung đông người tại các điểm kiểm soát sẽ là nguy cơ lây nhiễm cao, không cần biết một người di chuyển trên một trục đường qua địa bàn của nhiều quận sẽ phải dừng lại nhiều lần tại các trạm kiểm soát của từng quận, quận nào cũng chỉ cần biết thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Tình trạng thực thi công vụ rập khuôn máy móc như trên còn khá phổ biến trong thực thi công vụ thường ngày với thói quen hành xử của nhiều cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cứ vin vào các quy định để xử lý, không cần biết có phù hợp thực tế hay không. Đó là căn bệnh kinh niên làm cho nhiều cán bộ trở nên vô cảm, sợ trách nhiệm, không dám chủ động sáng tạo ra các quyết định đáp ứng các yêu cầu tức thời của thực tiễn.

Trong bề bộn khó khăn của công tác chống dịch, tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm triệt để, sát thực tế hơn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này? 

Chủ trương này rất đúng và cần thiết, để tránh được tình trạng bất cập bấy lâu nay như thủ tục hành chính cứ bị kéo dài, bị đùn đẩy trách nhiệm, bộ phận này đẩy cho bộ phận khác, cấp dưới đẩy cho cấp trên. Việc phân cấp, phân quyền có nghĩa là giao trách nhiệm đi đôi với quyền hạn quyết định giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền. Khi được giao quyền sẽ không còn đùn đẩy được trách nhiệm đi đâu, và khi không hoàn thành nhiệm vụ sẽ quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Cho nên, việc phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm, đánh giá rõ kết quả hoạt động của mỗi một cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ làm thay đổi phương thức quản lý, khuyến khích thúc đẩy những người cán bộ phụ trách phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, xóa bỏ dần sự ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, dựa vào các quy định, quy chế để trốn tránh không thực hiện những yêu cầu đặt ra của cuộc sống.

Khi đã được phân cấp phụ trách công việc cụ thể và trao quyền quyết định, người quản lý phải tìm ra phương thức hành động hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có thể vượt qua các khuôn khổ lối mòn sẵn có. Đó là cơ sở để thúc đẩy hành động của những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo để lấy kết quả, hiệu quả công việc và sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn làm mục tiêu hành động. Do vậy, đi đôi với phân cấp, phân quyền phải đồng thời đổi mới cơ chế quản lý, thay tiêu chuẩn đánh giá dựa vào sự tuân thủ chấp hành sang dựa vào kết quả và hiệu quả đầu ra, sự chấp nhận của thực tế và có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, năng động đổi mới sáng tạo.

Mới đây, trên phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, ông cho rằng nếu đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý sẽ biến những điều không thể thành có thể. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, khiến cho phương thức quản lý truyền thống gặp nhiều khó khăn. Xin ông phân tích sâu hơn về ý tưởng này?

Ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia đã giúp chúng ta thích ứng nhanh với những điều buộc phải thay đổi do đại dịch và chính đại dịch cũng là nhân tố thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Thực hiện cách ly xã hội, không tập trung đông người để phòng, chống dịch nhưng nhiều hoạt động kinh tế xã hội vẫn diễn ra gần như bình thường chính là nhờ vào chuyển đổi số.

Rõ ràng nhờ chuyển đổi số mà những trở ngại tưởng như không thể vượt qua do đại dịch không cho phép tiếp xúc trực tiếp vẫn được diễn ra một cách bình thường. Giá trị mang lại của chuyển đổi số trong quản lý không chỉ là phép thay thế thông thường giữa các phương thức trực tiếp bằng gián tiếp thông qua online mà còn tạo ra những bước cải cách đột phá về thể chế.

Chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính sẽ xóa bỏ tệ nhũng nhiễu, hạch sách, cửa quyền của bộ máy quản lý vì tất cả thông tin phải công khai, minh bạch, phải chuẩn hóa theo các quy định, người quản lý không thể cố tình che đậy thông tin, hướng dẫn mập mờ, tìm cách hạch sách gây khó người dân và doanh nghiệp như khi tiếp xúc trực tiếp.

Chuyển đổi số trong các hoạt động của nền kinh tế, số hóa các quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ chế chính sách trong quản lý tài chính và tiếp cận các tài sản và nguồn lực đầu tư công sẽ được công khai minh bạch, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tự do lành mạnh, các dòng lưu chuyển tiền tệ được công khai minh bạch sẽ ngăn chặn tệ nạn tham nhũng thất thoát tài sản nhà nước.

Việc thay đổi sang phương thức quản lý dựa trên nền tảng số hóa các đối tượng và quan hệ quản lý sẽ cho phép hình thành và phát triển nhiều hình thức hoạt động mới ra đời, nếu cứ duy trì các phương thức quản lý truyền thống thì các hoạt động mới xuất hiện sẽ không thể quản lý được và dễ chuyển sang ngăn cấm.

Công tác dự báo đối với dịch Covid-19 được đánh giá là rất quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Theo ông, một khi chưa thể đưa ra dự báo chính xác về diễn biến của đại dịch, thì điều cần làm lúc này là gì?

Dự báo đối với dịch bệnh là cực kỳ khó khăn không chỉ đối với nước ta mà cả thế giới, đặc biệt với đại dịch đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Chúng ta chưa thể dự báo được những diễn biến tiếp theo của dịch như thế nào, nhưng có thể đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp. Chúng ta vẫn phải thực hiện song hành mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế.

Đến nay dịch đã phủ kín toàn cầu, nhiều nước đã mở cửa trở lại bình thường hóa sống chung với dịch, thì chúng ta cũng phải nhanh chóng thay đổi chiến lược chống dịch từ chỗ be bờ, khoanh vùng ngăn chặn để tuyệt đối không có dịch sang đẩy mạnh chiến lược vaccine phòng dịch, áp dụng triệt để 5K để hạn chế lây nhiễm, tăng cường chăm sóc chữa trị cho người bệnh; duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh song hành với các biện pháp phòng chống dịch, chỉ nên đóng cửa có chọn lọc các hoạt động dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây lan cao.

Thưa ông, muốn sống chung với dịch, tư duy “chống dịch như chống giặc” có mềm hóa được không?

Theo tôi, quan niệm “chống dịch như chống giặc” là đòi hỏi chúng ta phải có các quyết sách nhanh chóng, tức thời, cương quyết ngăn chặn không được phép chần chừ, do dự buông xuôi, không dám quyết đoán. Chúng ta có thể chấp nhận chung sống với dịch với các công cụ phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại chứ không thể đóng cửa, phong tỏa, cách ly mãi. Do vậy, sự mềm hóa trong tinh thần “chống dịch như chống giặc” là phải chấp nhận tìm các giải pháp để sống chung với dịch một cách an toàn, phải kết hợp giữa các biện pháp phòng, chống dịch với việc tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế để thực hiện tốt mục tiêu kép.

Xin trân trọng cảm ông!