Kinh tế tập thể, trước hết phải là hoạt động tập thể

Nếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm sẽ không khắc phục được những khó khăn, hạn chế (thiếu vốn, thiếu đất, thiếu thị trường…), hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Cánh cửa mở ra cơ hội và cây cầu bắc tới tương lai duy nhất cho kinh tế hộ phải là kinh tế tập thể. Đây là giải pháp tích lũy nội lực hiệu quả nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN
Thu hoạch tôm nuôi ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN

Thiếu sợi dây liên kết

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổng kết thực tiễn, xây dựng đề án báo cáo Trung ương để có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Hợp tác xã năm 2003.

Gần 20 năm, đến nay đã có thêm nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan. Mới đây nhất, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành.

Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Tuy nhiên, kinh tế hợp tác trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế so sánh, tiềm năng của nó. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm… Đó có thể là do một số mô hình kinh tế hợp tác chưa phù hợp kể cả trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hay thương mại dịch vụ. Sự hỗ trợ của Nhà nước chưa thật sự liên tục, hiệu quả. Năng lực thực tế của người đứng đầu HTX, sức ì của một nền sản xuất nhỏ, thủ công hay tư duy kinh doanh chậm đổi mới, những bất cập về thị trường,…

Ngành sản xuất cá tra, cá basa là một thí dụ. Với kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 3 tỷ USD, mặt hàng thủy sản này của Việt Nam gần như thống lĩnh hoàn toàn thị trường toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu trong dài hạn, tuy nhiên chất lượng và tính hợp chuẩn của sản phẩm với các thị trường là thách thức lớn nhất mà ngành cá tra, cá basa Việt Nam phải vượt qua.

Hay câu chuyện trong sản xuất lúa gạo. Mặc dù là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng về giá trị thì rất khiêm tốn, vì gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao, bền vững thì việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn, gạo an toàn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ cần phải được chú trọng hơn nữa…

Là xu thế tất yếu, khách quan

Cũng từ câu chuyện ngành nông nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo cách thức mà New Zealand đã tiến hành để đưa quả kiwi lên vị trí số một thế giới. Hơn 3.000 nông trại trồng kiwi ở quốc đảo này đã được tập hợp lại để hình thành chuỗi giá trị-cung ứng với chất lượng cao dưới sự điều phối của Công ty TNHH Quốc tế Zespri, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Chuỗi được hình thành bởi sự phân công, liên kết chặt chẽ từ khâu giống, trồng trọt, thu hoạch và phân phối.

Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, New Zealand trở thành nước xuất khẩu kiwi uy tín nhất thế giới. Đây là minh chứng điển hình cho xu hướng lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững. Làm được như vậy, chính vì họ đã tổ chức tập thể hoạt động xuất khẩu khi chỉ cho phép các nhà sản xuất trong nước xuất khẩu ra toàn thế giới qua những đầu mối duy nhất được luật định, thí dụ như Tổ chức Zespri đối với quả kiwi, hay Fonterra đối với sữa…

Dù được xem là quốc gia nông nghiệp với nhiều lợi thế, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất yếu kém. Nếu cứ để các nông dân tự phát trồng và tiêu thụ thì các mặt hàng như: thanh long, cá tra, cá basa, dưa hấu, hành tím… nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung sẽ không có hiệu quả cao và bền vững, người nông dân luôn đối đầu với rủi ro thị trường cũng như giá trị thu lại thấp.

Theo nhìn nhận từ ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, kinh tế tập thể trước hết phải là hoạt động tập thể. Sản xuất càng phát triển, nhu cầu hợp tác lại càng cao, vậy nên rất khó để người nông dân có thể tự mình xây dựng được quy trình, quy phạm, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình, hay xây dựng thương hiệu, thương mại hóa để nâng cao giá trị nông sản. Đó là chưa kể đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Do đó, người nông dân rất cần có HTX được tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo nhu cầu thiết thực của các thành viên.

Xây dựng hình ảnh cho nông sản Việt Nam chính là sứ mệnh cao cả của kinh tế tập thể, nếu chúng ta thật sự muốn thoát khỏi cảnh "được mùa, mất giá". Làm sao cho người tiêu dùng thế giới tìm đến nông sản Việt Nam vì chất lượng, môi trường, trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng, mà không phải vì giá rẻ? Chỉ có cách, đó là người nông dân Việt Nam hành động tập thể để nâng cao giá trị nông sản Việt. Các nông sản chủ lực của nước ta cần phải được tổ chức lại theo hướng sản xuất tập thể, dưới sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của cơ chế, chính sách khuyến khích từ Nhà nước, đủ sức đột phá, vượt qua những rào cản: thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu khoa học công nghệ, thiếu kỹ năng… của kinh tế tập thể hiện nay.

Nên chăng, tất cả chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể được luật hóa trong một dự án luật kinh tế tập thể thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã hiện hành. Đó chính là đòn bẩy pháp lý quan trọng trong thời điểm vàng để kinh tế hợp tác hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức phù hợp những mục tiêu phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đặt mục tiêu:

★ Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm hơn 60% số tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị…

★ Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Bảo đảm hơn 90% số tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất ba tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.