Khuyết

Khuyết

Hồi đi học, hắn là học sinh cá biệt. Đánh nhau với bạn, trốn học, bỏ thi các kiểu. Kết quả là hắn đúp hai năm lớp ba. Lứa hắn, sinh sau ngày giải phóng, làng này, chỉ có vài đứa con cán bộ chỉn chu việc học hành. Còn lại như nhau cả. Bỏ học nhan nhản. Bố hắn bảo, học được thì ấm vào thân, không học thì về vườn, lấy đuôi trâu làm thước ngắm. Hắn chày cối mãi mới hết lớp chín. Về nhà lêu lổng vài năm thì bố hắn tống cổ đi lính. Mục đích là để quân ngũ dạy dỗ hắn. Xem ra, bố hắn đã toại nguyện. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hắn như lột xác thành một người khác.

Do được bạn bè tư vấn, hắn học nghề cơ khí, thật may là nghề chọn hắn để rồi chỉ sau chục năm chinh chiến, hắn đã là thợ cứng trong vùng. Cưới vợ, sinh con, mở cửa hàng, đầu tư máy móc, tuyển dụng người làm, mọi việc hết sức trôi chảy thuận lợi. Cửa hàng của hắn lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Tuổi ngoài bốn chục, vợ con đề huề, nếp tẻ đủ đầy, hắn cảm tưởng cuộc đời mãn nguyện. Hắn nổi tiếng khắp làng xã là người rộng lượng, phóng khoáng và vui vẻ. Tuy nhiên, hắn có nhược điểm lớn là nóng nảy và bao đồng. Trong làng ngoài xóm, chỗ nào có sự ầm ĩ va chạm cần người phân xử là hắn được gọi đến. Hắn không vị thân, luôn công tâm. Kể cả bố đẻ hắn hay mẹ vợ hắn mà sai, hắn cũng bảo sai, chứ không nể. Sống với một người nóng nảy, vợ con hắn luôn phải nhẫn nhịn. Lại thêm cái tính bao đồng, vợ con hắn thua thiệt nhiều đường.

Gần nhà hắn là một cái ngã ba tử thần, nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ, lưu lượng giao thông lớn. Tai nạn liên tục xảy ra. Nửa đêm gà gáy, hễ có vụ va chạm nào, hắn mà biết thì hiển nhiên hắn có mặt rất sớm. Để bảo vệ hiện trường hoặc đưa người bị nạn đi bệnh viện. Làng đã quá quen với việc này, nên với những tai nạn xảy quanh khu vực, thì việc đầu tiên là họ báo cho hắn. Sau đó, chính hắn sẽ báo công an hoặc tự "giải quyết" nếu va chạm không quá nghiêm trọng. Giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, nhiều khi từ chỗ tai nạn trở về nhà, hắn lột cái áo dính máu người bị nạn ra, vợ hắn lẳng lặng gói vào đem đi vứt, không dám giặt. Ai đi xa về gần, cần hỏi nhà ai, ở đâu, ai còn ai mất, cứ hỏi hắn. Tuy nói năng chỏng lỏn, nhát gừng, mồm nói tay vẫn làm, nhưng hắn luôn nhiệt tình thế. Có hôm, vừa mở cửa nhà xưởng, gặp hai mẹ con chị kia đi bộ buổi sáng về. Hắn ngứa mồm. "Bận sau, đi bộ trên đường lớn, thì đừng có diện vàng trĩu cổ thế, chết oan đấy". Chị kia có vẻ không hài lòng vì cái lời chẳng hay ho lúc ban mai. Nói thế bằng rủa người ta, nhưng vẫn phải tỏ ra tiếp thu ý kiến và cười nhạt đi về. Có hôm, gặp tay buôn chó dừng xe ngoài đường ngay trước cửa nhà hắn để chằng bịn. Hắn hỏi luôn: Chú mày có mua chó bị đánh bả không? Thằng kia sáng mắt ra. "Chó bả, chó ốm em cân hết, nhưng giá kém lắm ạ". Hắn trừng mắt. "Khi nào chú mày còn làm ăn kiểu này thì chó còn bị đánh bả, bị câu trộm". Thằng kia gãi đầu gãi tai, lên xe chạy mất.

Một buổi sáng mùa hè, mặt trời vừa nhú lên không khí đã oi ả. Đứa con trai út mười bốn tuổi của hắn đã nghỉ hè đang mè nheo xin đi chơi nhà bạn ở trong làng. Hắn nghiêm khắc dặn dò. Cấm chỉ đạp xe loăng quăng ngoài đường. Cấm chỉ tắm sông, tắm ao. Xin đến nhà bạn thì chơi ở nhà bạn, chín giờ về cơm nước với mẹ. Thằng bé vâng dạ rối rít, dắt xe ra.

Hắn và ba thợ làm cùng đang luồn những thanh nhôm hệ lên giá thì có tiếng xe máy dừng ngoài cửa. Hắn hất hàm, ý bảo mày ra xem người ta hỏi gì. Thằng thợ học việc chạy ra, nửa phút sau chạy vào báo: "Họ nói gì cháu không nghe được". Thằng thợ cứng chạy ra. Đến cả phút ông nói gà, bà nói vịt vẫn không đâu vào đâu. Hắn ức chế đi ra. Một lũ ăn hại. Người với người, nói gì mà lại không hiểu.

Dưới lòng đường, phía trong vạch vôi là một phụ nữ nhỏ bé, đứng cạnh cái xe dream cũ. Già trẻ như nào không biết vì bùm bịt kín bằng cái khẩu trang vải to bản, chỉ hở hai con mắt nhỏ dài ươn ướt. Hắn hỏi như quát: Hỏi nhà ai?

Tiếng người phụ nữ: An hằng ơn nhem nhỏi nhà bủ nhiêm khu tắng. Hắn dấn thêm vài bước, hỏi lại: Bủ nào? Bủ nhiêm ạ! Làng này làm gì có bủ nhiêm. Bỏ khẩu trang ra một phút thì chết à? Làm gì còn cô vít nữa. Người phụ nữ thoáng vẻ sợ sệt trong ánh mắt, nhắc lại: Bủ nhiêm có con trên nhà nhường. Hắn hết chịu nổi, quát lên: Bỏ cái khẩu trang ra. Không thì tao kệ con mẹ chúng bay. Mất cả việc của tao. Ngày nào cũng như ngày nào, mở mắt ra đã hỏi đường, hỏi nhà. Nói đã ngọng còn không bỏ cái khẩu trang ra. Hỏi đường mà như mẹ người ta thế hả!

Người phụ nữ sợ quá. Vội vàng lần tay vào vành tai, hạ một bên quai khẩu trang xuống. Rồi quên cả việc kéo khẩu trang lên, cô ấy líu ríu leo lên xe, chạy vụt đi. Hắn lùi lại, rùng mình.

Hôm ấy, thằng con hắn đi chơi về, nhặt được một pho tượng nhỏ cũ kỹ han rỉ bằng đồng. Thằng bé lau chùi pho tượng, để lên bàn và bảo bố: Bố ơi, bố hàn cho cô ấy một cánh tay đi bố. Hắn hỏi thằng bé lấy bức tượng ở đâu, thằng bé nói do đá bóng trên ruộng, bóng bay xuống mương, nó lội xuống vớt bóng thì giẫm phải, bèn moi lên, đem về. Hắn cầm bức tượng thiếu nữ đội nón khuyết một bên cánh tay lên. Ngâm lâu trong bùn, bức tượng đã bị ôxy hóa đụn lên từng vệt nom như vết xước mầu xanh. Hắn bảo: Để bố nhờ bạn bố, người chuyên về tượng mới làm được. Ngắm nghía bức tượng với nét môi rất xinh, hắn bần thần nghĩ đến khuôn mặt người phụ nữ khi kéo khẩu trang xuống. Con trai hắn, mới mười bốn tuổi mà đã biết cư xử với phần khuyết của bức tượng như thế. Còn hắn thì... Thằng bé bất chợt hỏi: Sao hôm nay con thấy bố buồn thế? Sau một lúc im lặng, thấy thằng con vẫn loanh quanh chưa rời nhà xưởng, hắn bèn kể về người phụ nữ hỏi đường. Cô ấy bị sứt môi bẩm sinh. Đúng hơn là vẹt hết môi trên. Sao cô ấy không đi vá môi hả bố? Thời xưa, những nhà nghèo túng, cũng chả có tiền mà vá víu gì đâu con. Vợ hắn đang dọn dẹp, nghe lọt câu chuyện của hai bố con, vội vàng bật ra: Hồi xưa, suýt nữa bố mày cũng cưới một cô sứt môi đấy. May mà bà nội ngăn cản kịp thời. Hắn trừng mắt nhìn vợ bằng ánh mắt lạnh lẽo mang thông điệp. Biết gì mà nói.

Đúng là vợ hắn không biết gì về chuyện ấy. Câu chuyện của những người lính đánh trận Thượng Đức. Trận ấy, bố hắn bị thương nặng, tưởng chết. Lúc tỉnh dậy ở trạm phẫu tiền phương thì những đồng đội cáng ông về đó đã đi khỏi. Bố hắn nhiều lần kể cho hắn nghe về trận đánh ác liệt đó và sự sống sót của ông là không ngờ, những người đồng đội cũng tưởng ông đã hy sinh. Ông còn nói, khi đơn vị hành quân tới Thượng Đức, chú Ban, người đồng đội kém ông một tuổi quê Bắc Ninh từng giao hẹn. "Trận này sẽ ác liệt vô cùng. Nếu tao với mày còn sống sót, nhất định phải thông gia với nhau đấy".

Rất lâu sau hòa bình, thật may mắn, chú Ban tìm được bố hắn. Hai người rối rít kể về những thời khắc sinh tử, chú Ban cùng hai đồng đội nữa thay nhau cáng quỳ bố ra khỏi cánh đồng Hà Tân lúa đang đỏ đuôi về trạm phẫu tiền phương. Con gái chú Ban tên Chiến, sinh trước hắn đúng bốn ngày, học dược xong, bán thuốc trong bệnh viện. Còn hắn thì lúc ấy đang học nghề cơ khí. Hắn gặp Chiến theo đề nghị của bố. Khi ấy, nụ cười của Chiến đã được phẫu thuật lần ba. Nhưng thú thật, hắn không thể nghĩ ra lý do gì đó để bác bỏ sự mai mối của bố dù rất muốn. Nếu nói vì khoảng cách xa xôi gần hai trăm cây số, bố hắn sẽ bảo như thế ăn thua gì. Sau ba lần lặn lội gặp nhau, thì Chiến chủ động nói "chúng mình chỉ là bạn thôi nhé". Hắn thở phào nhẹ nhõm. Mãi sau hắn mới biết, là do mẹ hắn đã viết thư cho Chiến để nói với cô đại khái là cô không phù hợp với con trai bà.

Tuổi trẻ trôi qua như vốn thế ở bao người, bao thế hệ. Niềm vui dù lớn lao mấy, cũng qua nhanh. Áy náy hay ân hận gì đó, tưởng thấm thía sâu sắc lắm, rồi cũng nguôi quên. Hắn thậm chí còn quên cả Chiến, quên cả chú Ban. Ngày thương binh-liệt sĩ năm nào đó, ti-vi đưa lên sóng một cựu chiến binh từng đánh trận Thượng Đức. Hắn nghe ông ấy gọi Thượng Đức là bản hùng ca viết bằng máu. Lúc ấy, đang nói chuyện gì đó với mẹ, hắn giật mình hỏi: "Không biết Chiến thế nào nhỉ". Mẹ hắn bảo nào ai biết được. Đấy, những chuyện quan trọng đối với gia đình hắn, với danh dự của bố hắn như thế, hắn có thể cho phép mình quên giữa cuộc sống bộn bề này. Nhưng chuyện người đàn bà hỏi đường khiến hắn day dứt nhiều tháng ngày.

Hôm nay, trong lúc soạn đồ cho hắn đem tới công trình, thằng con hắn chợt nói: Bố ơi, bố đừng có buồn, bố không giúp được cô ấy thì đã có người khác giúp. Bố cũng phải để cho người khác có cơ hội làm việc tốt chứ. Cứ cậy nhà mình ở đầu đường rồi nhận hết. Hắn nhìn thằng con lém lỉnh, mỉm cười. Thằng bé liếc cuốn sổ giao hàng của hắn trên mặt bàn và nói: Nếu là con, hôm đó, con sẽ đưa cho cô ấy một mảnh giấy và cái bút... Đầu hắn bỗng dưng nảy ra một dòng chữ ngay ngắn, tròn trịa mầu xanh lá cây: "Cho em hỏi đường đến nhà bà bủ Liêm có con trai tên Hưởng". Mà bủ Liêm với nhà hắn còn là bà con họ hàng.