Khung pháp lý chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn

Mặc dù thời gian qua tài chính số đã phát triển khá nhanh, song trên thực tế vẫn còn dưới mức tiềm năng của thị trường có quy mô lớn như Việt Nam. Đó là nhận định của PGS, TS Đặng Ngọc Đức (ảnh trên) - Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng (Trường đại học Đại Nam) khi trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Khung pháp lý chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn

- Sau 5 năm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đâu là rào cản tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân nghèo, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất cản trở khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân nghèo chính là khả năng đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn giải ngân của các tổ chức tài chính, tín dụng. Trong đó, quan trọng nhất là sự quan ngại về rủi ro tín dụng, tổn thất tài chính. Nếu các tổ chức tín dụng có thể giải quyết được vấn đề này thì khả năng tiếp cận của các đối tượng này sẽ được cải thiện và các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện sẽ được hoàn thành. Các tổ chức tín dụng cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các giai đoạn, các bước của quy trình cho vay và thu nợ đối với đối tượng vay vốn có đủ điều kiện về dữ liệu.

Áp dụng công nghệ cần được coi là giải pháp quan trọng đối với các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân nghèo nhờ ưu thế về giảm chi phí, sự lệ thuộc vào tài sản bảo đảm, trong khi lại tăng cường hiệu quả quản trị rủi ro, thu hồi nợ vay.

- Từng nhìn nhận tài chính công nghệ (Fintech) như những “cánh tay nối dài” của các tổ chức tài chính truyền thống, ông đánh giá thế nào về triển vọng áp dụng công nghệ để giải quyết những hạn chế trong tiếp cận vốn?

- Trước hết, sẽ rút ngắn thời gian và chi phí đối với mỗi món vay, đặc biệt là chi phí hành chính đối với các món vay có quy mô nhỏ nhưng số lượng lại nhiều. Tiếp theo, với những ưu thế của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) sẽ cho phép các tổ chức tín dụng có thể nhanh chóng nhận diện khách hàng, chấm điểm tín dụng để hỗ trợ quyết định cho vay vốn một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Việc nghiên cứu, áp dụng những mô hình, thuật toán giúp AI và ML có thể nhận diện và đo lường rủi ro có thể xảy ra dựa trên cơ sở “quan sát” được những hành vi tài chính và phi tài chính của khách hàng để có những cảnh báo sớm cho cán bộ tín dụng kịp thời có những biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát rủi ro tốt nhất.

Tiếp đến, có thể nghiên cứu, phát triển những ứng dụng có thể dự báo, dự đoán về tình hình hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính của khách hàng trong tương lai để tiến hành quản trị khách hàng trên cơ sở rủi ro. Nếu như chấm điểm tín dụng mới chỉ là một phần trong yêu cầu của phân tích, thẩm định tín dụng dựa trên thông tin trong quá khứ với một “mô hình tĩnh”, thì áp dụng công nghệ được hỗ trợ bởi AI và ML giải quyết được vấn đề quản trị rủi ro bằng các dữ liệu đáng tin cậy, thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào các yêu cầu, tiêu chuẩn theo thông lệ truyền thống, đặc biệt là yêu cầu về tài sản bảo đảm.

Ứng dụng các giải pháp công nghệ sẽ giúp các tổ chức tài chính, tín dụng tăng cường thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng một cách hiệu quả. Đây cần được xem là một giải pháp quan trọng để không ngừng gia tăng nguồn vốn với chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận, tạo thành một dòng vốn riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân nghèo.

- Dù mang đến nhiều điều tích cực cho thị trường như phân tích trên, song vẫn tồn tại những hạn chế trong tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Vì sao vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, vướng mắc đầu tiên là khung pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, cùng sự tham gia của các công ty Fintech vào lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số hứa hẹn nhiều tiềm năng song cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là dưới góc độ thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

- Nếu còn có rủi ro, tại sao ông vẫn cho rằng đây là giải pháp tốt?

- Vì đó mới thật sự là bản chất của đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm luôn đòi hỏi nguồn lực về tài chính và thời gian cao hơn, bao gồm cả thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng sự phối hợp giữa các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống, với bề dày kinh nghiệm về quản trị rủi ro, và các Fintech, với khả năng đổi mới sáng tạo, chính là giải pháp để bao phủ dịch vụ tài chính đến các nhóm đối tượng mà tổ chức truyền thống còn e ngại, trong khi tổ chức ứng dụng công nghệ chưa đủ kinh nghiệm để lường trước rủi ro. Sự phối hợp chặt chẽ với các công ty Fintech đã được chứng minh là lựa chọn bổ sung rất hiệu quả đối với các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống.

Thực tế, sự phối hợp này không những không làm giảm hay chia sẻ thu nhập, mà trái lại các công ty Fintech như những “cánh tay nối dài” của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng truyền thống, vươn tới tệp khách hàng tiềm năng chưa từng mở tài khoản hay quan hệ tín dụng, góp phần gia tăng doanh số hoạt động của tất cả các bên.

Đặc biệt, việc phối hợp với các công ty Fintech sẽ góp giảm chi phí giao dịch, tăng cường năng lực cạnh tranh, gia tăng sức ép đổi mới sáng tạo của các tổ chức truyền thống.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! .

Việc ứng dụng Fintech có thể được coi là giải pháp trọng tâm, không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận từ giác độ chi phí về tài chính và chi phí thời gian, mà còn tăng cường tiện ích và nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm khả năng hoàn trả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, những hộ nghèo... Từ đó, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước”- PGS, TS Đặng Ngọc Đức