Một vai diễn ám ảnh
Ông nói với tờ Người bảo vệ (The Guardian) như thế, với một vẻ mặt đầy cam chịu. Cran-xtơn, 58 tuổi, đã có 34 năm sự nghiệp diễn xuất, với hàng chục vai diễn các thể loại, vẫn bị ám ảnh bởi vai thầy giáo Oan-tơ Oai-tơ (Walter White) trong xê-ri phim truyền hình "đình đám" Breaking Bad (Biến chất). Một năm sau khi cuộc đời hư cấu ấy kết thúc, Cran-xtơn vẫn chơi vơi khi trở về với đời thực: "Tôi nhớ ông ta. Nhớ nhiều lắm. Tôi đã cho làm cái này vào ngày quay cảnh cuối cùng" - Brai-an vừa nói vừa chìa ra cho phóng viên tờ Guardian xem ngón đeo nhẫn bên phải của ông, nơi xăm một hình nhỏ là logo của phim, các ký hiệu trong bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép (Mendeleev) của các nguyên tố Brom và Bari.
Không ai nhìn thấy hình xăm ấy trừ khi Cran-xtơn co một khớp ngón tay: Có người hỏi: "Tại sao ông lại xăm ở đó, nơi sẽ chẳng ai nhìn thấy nó?". Trả lời: "Tôi sẽ nhìn thấy! Nó đập vào mắt tôi và nhắc nhở tôi rằng tôi có ngày hôm nay là nhờ vai diễn ấy". Đến lúc này, người ta mới lục tìm lại những ngày đầu bước vào sự nghiệp diễn xuất của Cran-xtơn, và đoạn băng ông diễn quảng cáo cho một loại kem ức chế bệnh... trĩ từ thập niên 1980 đã có thể dễ dàng được tìm thấy trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube. Cran-xtơn, khi ấy, giống nhân vật Oan-tơ Oai-tơ của ông lúc còn chưa biến chất đến kỳ lạ, đeo kính và tóc được chải rất "mô phạm", khuôn mặt hiền lành và trông thư sinh "trói gà không chặt". Cho đến khi những tập đầu tiên của bộ phim Breaking Bad được công chiếu, Cran-xtơn cũng làm cho người xem hoàn toàn tin tưởng rằng nhân vật của ông không thể trở thành kẻ xấu. Oan-tơ Oai-tơ ban đầu là một thầy giáo hóa học hiền lành (thậm chí tạo cảm giác đáng thương hại!) bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nhà nghèo và không có khả năng chi trả tiền chữa bệnh. Một người hiền lành đến... vô dụng, đó là ấn tượng đầu tiên.
Đó có lẽ là nhân vật chính đen tối nhất, nhưng cũng tạo cảm giác không rõ ràng nhất về nhân cách trong lịch sử phim truyền hình. Bộ phim mô tả quá trình chuyển từ thiện sang ác của một thầy giáo hóa học, sau này trở thành một ông trùm ma túy máu lạnh, tàn ác và xảo quyệt bậc nhất. Nhưng, quá trình biến chất ấy lại xuất phát từ động cơ cao quý: Oan-tơ Oai-tơ muốn kiếm đủ tiền cho con trai ông, bị dị tật và không có khả năng đi lại bình thường từ nhỏ, học hết đại học. Và Oai-tơ cũng muốn gia đình đủ tiền chi dùng nhiều năm sau khi ông mất vì ung thư phổi. Oan-tơ, một thiên tài hóa học nhưng vì thiếu may mắn và cơ duyên nên đành phải chấp nhận làm một ông giáo quèn, rủ một học trò cũ hư hỏng của mình là Giét-xi Pin-kơ-men (Jess Pinkman) tham gia chế ma túy đá để bán. Oan-tơ tạo ra một sản phẩm phi thường: Loại đá mầu xanh có độ tinh khiết lên đến 99%. Và từ đó, hành trình trượt dốc của một thầy giáo lương thiện bắt đầu.
Thiện, ác mong manh
Tạp chí Người Niu Oóc (New Yorker) thậm chí tính rằng: trước khi phần thứ năm của phim công chiếu, Oan-tơ Oai-tơ, giờ được biết đến với cái tên ông trùm Hai-xen-béc (Heisenberg), đã gây ra 195 cái chết, từ gã bán ma túy dạng "cò con" như Krazy-8, người đã bị Oai-tơ siết cổ bằng một chiếc vòng khóa xe đạp, cho đến tên trùm sừng sỏ G.Phrinh (Gus Fring), người bị Oai-tơ gài bẫy và chết thảm vì một quả bom. Đó là chưa kể 167 nạn nhân của vụ tai nạn máy bay gián tiếp xảy ra vì sự nhẫn tâm của Oan-tơ. Nhân vật mà Cran-xtơn thủ vai đã lừa dối tất cả, chà đạp lên mọi luân lý và trở thành một tên sát nhân xảo trá, tàn nhẫn đến cùng cực.
Song, điều kỳ lạ là rất nhiều người trong chúng ta có thể dễ dàng "đồng lõa" với Oai-tơ, vì mỗi hành vi ác độc ông ta gây ra lại được bào chữa như một phản ứng hợp lý khi hoàn cảnh xô đẩy. Oan-tơ cần tiền để chu cấp cho gia đình và chống chọi với căn bệnh ung thư, ông ta đi bán "đá". Oan-tơ phải đối đầu với những thế lực ngầm, ông ta phải tàn nhẫn. Oan-tơ không thể để lộ bộ mặt thật của mình, ông ta phải lừa dối và giết người.
Oan-tơ Oai-tơ là những sự giãy giụa của lương thiện trong một mớ bòng bong mà cuộc sống tạo ra, nhưng cái lương thiện ấy đôi khi là điều mà chúng ta căm ghét, bởi đôi khi nó biến ta thành kẻ thiệt thòi. Cran-xtơn thậm chí còn bảo vệ nhân vật của mình: "Bạn có thể tìm thấy một ai có thiên lương thuần khiết không? Mẹ Theresa? Có thể. Nhưng những vị Thánh như thế đã rời bỏ Trái đất và thật sự rất hiếm hoi. Breaking Bad gây tiếng vang bởi vì có một Oan-tơ Oai-tơ trong tất cả mọi người trên thế giới. Chúng ta đều có thể như thế. Cái phần đen tối ấy không bao giờ được nhận ra trong hầu hết mỗi người".
Ông chỉ được tiết lộ kết cục của phim năm ngày trước khi cảnh quay cuối cùng được bấm máy, và cách làm việc luôn là như thế, trừ những tập phim do chính Cran-xtơn đạo diễn. Có loe chính vì thế, Cran-xtơn đã nhập vai xuất thần, để cho chúng ta được nhìn thấy nhân cách của một con người bị xô đẩy, tổn thương và méo mó theo một cách dường như không thể cưỡng lại đến thế nào.
Oan-tơ Oai-tơ trong phim cũng từng nuối tiếc về một khoảnh khắc mà đáng ra ông ta có thể dừng tội ác lại và trở về với cuộc sống bình yên vốn có, khi thay vì ở nhà ru con, Oan-tơ lại chạy đi tìm bạn chế đá Giét-xi. Đó là lúc cái lương thiện trong ông trượt chân xuống vực thẳm và Oan-tơ không bao giờ có cơ hội quay lại nữa.
Tuy nhiên, cho dù sự lương thiện ấy có vẻ đã bị tiêu diệt, thì đến cuối phim, lấp ló sau những tận cùng độc ác, ta dường như vẫn nhìn thấy một người hùng đáng cảm thông, một người cha vì gia đình. Một vai diễn giày vò tâm trí của chính khán giả, khi tự đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật và lựa chọn. Liệu có thiện, ác phân minh trên đời hay không? Liệu những gì hôm nay còn được xem là tốt, thì ngày mai có ý nghĩa gì nữa không? Liệu ta nên sống cho bản thân, hay hy sinh vì người khác? Liệu cái phần "người" luôn được tụng ca có chiến thắng nổi phần "con" luôn chỉ chực chờ trỗi dậy?
Phải chăng, vì thế mà đó chính là bộ phim nổi tiếng nhất trong lịch sử phim truyền hình Mỹ, với hàng tỷ khán giả chờ đợi từng tập trên khắp thế giới, với hàng loạt giải Emmy, bảy Quả Cầu Vàng, và thậm chí còn được đưa vào sách kỷ lục Ghi-nét (Guiness). Từ màn ảnh, Oan-tơ Oai-tơ đã tác động mạnh mẽ vào thế giới thật. Guardian ví von: nếu Breaking Bad ra đời sớm hơn, thì tỷ lệ tội phạm có loe đã giảm, khi rất nhiều người thuộc lòng một thông điệp: "Tôi không chấp nhận bất cứ lời phàn nàn quỷ quái nào. Nếu bạn cho rằng không được phép làm một điều gì đó, thì đừng có làm!".
Chính vai diễn giằng xé ấy đã giúp Cran-xtơn lần đầu tiên biết được thế nào là hào quang của sự nghiệp, sau hơn 30 năm chỉ đảm nhận những vai không nhỏ, cũng... chẳng lớn. Một vai diễn có loe sẽ giúp ông được nhớ đến trong nhiều năm sau, bởi trong mỗi con người luôn là một cuộc chiến dai dẳng. Một cuộc chiến không bao giờ kết thúc, và thường ở lằn ranh vô cùng mong manh...