Huy động tối đa nguồn lực và lực lượng ứng phó

Mặc dù công tác chuẩn bị ứng phó đã được triển khai ở mức cao nhất, nhưng do sức tàn phá quá lớn, siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề khi đổ bộ vào Việt Nam. Đặc biệt, hoàn lưu của thiên tai lịch sử này vẫn đang gây nên tình trạng lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều địa phương khu vực phía bắc khiến nhiều người thiệt mạng, tàn phá cơ sở hạ tầng, mùa màng...
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng ứng cứu, giúp người dân khu vực phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) di chuyển đến nơi an toàn khi nước lũ lên nhanh, nhiều khu vực bị ngập sâu. Ảnh: Thành Đạt
Lực lượng chức năng ứng cứu, giúp người dân khu vực phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) di chuyển đến nơi an toàn khi nước lũ lên nhanh, nhiều khu vực bị ngập sâu. Ảnh: Thành Đạt

Ngày 9/9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn. Sử dụng các phương tiện, biện pháp để tiếp cận nhanh những vùng bị chia cắt do lũ lụt. Bên cạnh những việc đã phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.

Tiếp đó, chiều ngày 10/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Gấp rút ứng cứu, hỗ trợ

Tại Hà Nội, nước sông Hồng lên nhanh vào khuya ngày 9/9, rạng sáng 10/9 khiến nhiều khu dân cư ở quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm bị ngập. Lực lượng chức năng đã kịp thời cảnh báo, vận động và hỗ trợ hàng nghìn hộ dân di dời đến nơi an toàn, tổ chức các điểm tránh trú bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vệ sinh, đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Thiệt hại lớn nhất về người trong đợt thiên tai đặc biệt nghiêm trọng này xảy ra tại Lào Cai, trận lũ quét kinh hoàng sáng ngày 10/9 ở huyện Bảo Yên đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh) nơi có 35 hộ dân, 128 người cư trú. Ngay sau khi xảy ra sự việc, tỉnh Lào Cai đã tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Ông Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết: "Đây là trận lũ quét gây ra thương vong và thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Các lực lượng chức năng của huyện đang tranh thủ thời gian, gấp rút huy động lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở cứu hộ cứu nạn". Cục Đường bộ Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo Khu quản lý đường bộ 1 điều động các đơn vị hỗ trợ Lào Cai mở đường để lực lượng vào cứu hộ thôn Làng Nủ.

Trước đó, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ đã bị sập gây bàng hoàng người dân. Sau khi sự cố sập cầu xảy ra, Cục Đường bộ đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Phú Thọ và các đơn vị liên quan khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục các sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Cục Đường bộ đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, giao Cục nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thời gian thực hiện năm 2024-2025.

Huy động tối đa nguồn lực và lực lượng ứng phó ảnh 1

Các chiến sĩ bộ đội, công an cứu hộ người dân phường Đồng Bẩm (thành phố Thái Nguyên) khi nước lũ dâng cao. Ảnh: Thế Bình.

Cũng những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên… diễn ra nghiêm trọng. Riêng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.

Chung tay chia sẻ khó khăn

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến trưa 11/9, đã có gần 300 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Hơn 10.000 ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, hư hỏng nặng, hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập và giập nát, trên 1.000 cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị phá hủy; nhiều tuyến giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình công cộng bị hư hỏng nặng… với ước tính thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tại Lễ phát động và chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, ngày 10/9, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức... phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", dành sự sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tại Lễ phát động, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận số tiền hơn 407 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân bước đầu ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 120 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng ủng hộ 28 tỷ đồng; thành phố Hà Nội ủng hộ 15 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương ủng hộ 10 tỷ đồng… Đây là nghĩa cử cao đẹp, sự chia sẻ, quan tâm chăm lo của nhân dân cả nước đối với đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Cùng nhiều hoạt động của các lực lượng chức năng cứu trợ hỗ trợ bà con vùng ngập lụt, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thành lập đoàn công tác đến các địa phương nắm tình hình xem xét, áp dụng chính sách hỗ trợ người dân thiệt hại hoa màu, thủy sản do bão, khôi phục sản xuất. "Bằng mọi cách giảm tối đa thiệt hại, và sớm chuẩn bị chu kỳ sản xuất mới. Không để bị thiếu rau, lương thực trong dịp trước, trong và sau Tết", Thứ trưởng Tiến cho hay.

Bão qua, lũ tới, nhưng trong tình cảnh khó khăn, gian nan ấy, sự nỗ lực, dốc lòng dốc sức thực hiện các phương án ứng cứu người dân của các lực lượng chức năng, sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với mục tiêu đặt sự an nguy của người dân lên trên hết, trước hết đã góp phần ngăn ngừa và giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai bất thường. Sức lực con người luôn nhỏ bé và hữu hạn trước thiên nhiên, nhưng đoàn kết, ấm tình người sẽ luôn là điểm tựa vững chắc nhất để cho mỗi cộng đồng và cả đất nước vượt qua hiểm nguy, thử thách.