Hành trang công dân trong thời đại số

Trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, không thể thiếu chữ ký số cá nhân. Đây được xem như "chìa khóa số" với tính pháp lý thay thế chữ ký tay và con dấu cá nhân, giúp rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính.
Thúc đẩy triển khai chữ ký số và dịch vụ công toàn trình giúp người dân giảm bớt thời gian xử lý thủ tục hành chính. Ảnh: Tố Linh
Thúc đẩy triển khai chữ ký số và dịch vụ công toàn trình giúp người dân giảm bớt thời gian xử lý thủ tục hành chính. Ảnh: Tố Linh

Theo Báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt Ðề án 06/CP) của Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 2/2024, đã có gần 7,7 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip và gần 5,8 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2. Cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các doanh nghiệp cấp miễn phí gần 470.000 chữ ký số cho người dân trong thời hạn một năm nhằm từng bước phổ cập chữ ký số, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi làm hồ sơ trực tuyến.

Việc sở hữu thẻ căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức 2 đặt nền móng quan trọng giúp một số quận, huyện thực hiện mục tiêu "không giấy tờ". Khi sở hữu thêm chữ ký số, người dân Thành phố Hồ Chí Minh không cần phải lặn lội tắc đường, để in, ký xác thực trên giấy và rồi nộp hồ sơ.

Thực tế, các doanh nghiệp từ lâu đã được hưởng lợi nhờ ứng dụng chữ ký số. Khi có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính, họ chỉ cần truy cập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Quá trình bao gồm đăng nhập, chọn thủ tục cần thực hiện, scan hồ sơ, ký số, đính kèm file đã ký và gửi đi. Bộ phận một cửa sẽ kiểm tra hồ sơ, tiếp nhận, xử lý và sau đó gửi tự động văn bản có chữ ký số xác nhận vào tài khoản doanh nghiệp.

Việc sử dụng chữ ký số hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuận tiện, mọi lúc mọi nơi, nhận ngay kết quả khi công chức xử lý xong hồ sơ thay vì phải chờ đến ngày hẹn trả. Kết quả điện tử có thể được sử dụng nhanh chóng cho công việc tiếp theo. Do đó, đây được xem là bước đi kỹ thuật trọng yếu giúp đưa hành trình cải cách hành chính tiến tới vạch đích.

Trong năm 2023, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 88.500 hồ sơ sử dụng chữ ký số, chiếm 96,5% tổng số hồ sơ. Ngoài ra, Sở cũng phát hành khoảng 9.300 văn bản sử dụng chữ ký số.

Dù việc ứng dụng chữ ký số giúp doanh nghiệp hưởng lợi trông thấy, nhưng câu chuyện tương tự chưa tiến triển rõ rệt với người dân. Tình trạng chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng nhiều bắt nguồn từ việc người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết lợi ích và nắm vững cách thức sử dụng.

Hiện tại, các lĩnh vực chữ ký số đã được triển khai phổ biến: 100% số doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để ký và phát hành hóa đơn điện tử, kê khai và nộp thuế điện tử; ký số các thành phần hồ sơ, tờ khai trên các Cổng dịch vụ công (như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử, dịch vụ công quốc gia, một cửa quốc gia, dịch vụ công Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh...). Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác đang được triển khai như: ký số hồ sơ bệnh án trên phần mềm y tế; ký số học bạ điện tử, bảng điểm; ký số tại Hệ thống cấp, cấp đổi giấy phép lái xe; hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm; đăng ký kinh doanh qua mạng...

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, việc ký tay vẫn phổ biến hơn. Nguyên nhân là do nhiều địa phương yêu cầu phải dùng bản cứng giấy tờ, nên dù được cấp chứng thư chữ ký số, người dân cũng không có điều kiện sử dụng.

Theo báo cáo quý I/2024 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công ở nhiều quận, huyện vẫn chưa thực chất. Còn nhiều quy trình xử lý hồ sơ chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử. Việc số hóa dữ liệu vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả. Tỷ lệ tái sử dụng hồ sơ số hóa còn thấp.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 50% số dân trưởng thành dùng chữ ký số cá nhân, đến năm 2030, đạt hơn 70%. Song, mục tiêu này vẫn chưa thể đạt được nếu nhìn vào Báo cáo chuyển đổi số tháng 7/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần bốn lần trong bốn năm) với tổng cộng có khoảng 7,45 triệu chữ ký số.

Giải pháp ký số từ xa giờ đã kết nối và tích hợp với nhiều ứng dụng như Cổng dịch vụ công quốc gia và các tỉnh, thành phố trên cả nước... bảo đảm mỗi công dân chỉ sử dụng một chữ ký duy nhất cho mọi nền tảng. Với sự phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số và xã hội số, chữ ký số sẽ trở thành phương thức xác thực cần thiết, thuận tiện với mọi người.

Ðặc biệt, với mục tiêu cải thiện hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, cần nâng cao nhận thức pháp lý của người dân, công nhận văn bản chữ ký số và sớm áp dụng trả kết quả bằng văn bản điện tử, thay vì văn bản ký tay đóng dấu đỏ trả trực tiếp. Các địa phương cũng phải bảo đảm tích hợp giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công, đồng thời phải thúc đẩy dịch vụ công toàn trình để giảm bớt thời gian xử lý thủ tục giấy tờ.

Tính đến hết tháng 1/2024, 59 trong tổng số 63 địa phương đã tích hợp thành công chín giải pháp ký số từ xa. Trong đó, 41 địa phương ký số thành công với sáu nhà cung cấp dịch vụ, 18 địa phương đã hoàn thành tích hợp với ít nhất một nhà cung cấp dịch vụ, bốn địa phương đang trong quá trình tích hợp, bốn trong tổng số 22 bộ, ngành đã triển khai tích hợp thành công dịch vụ ký số gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.