-Thưa ông, bão lũ trong thời gian vừa qua tại các tỉnh miền bắc diễn biến hết sức phức tạp. Liệu trong thời gian tới, các hình thái thời tiết cực đoan có nguy cơ tiếp diễn hay không?
- Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục có những biến động, khó lường.
Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao là hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2024 với xác suất 60-70%. Sau đó tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70-80%.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 5-6 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, các tỉnh phía nam.
Với kịch bản xuất hiện của La Nina thì khả năng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng xuất hiện ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường.
Mưa lớn ở khu vực Trung Bộ tập trung chính vào tháng 10-11/2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 11 ở Tây Nguyên và Nam Bộ và khoảng nửa cuối tháng 12/2024 ở Trung Bộ).
- Sạt lở đất xảy ra thường xuyên tại nhiều địa phương phía bắc trong thời gian gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Công tác dự báo, cảnh báo về loại hình thiên tai này hiện đã được chúng ta triển khai như thế nào?
- Khoảng ba năm trở lại đây, Việt Nam được Tổ chức Khí tượng Thế giới giao nhiệm vụ vận hành hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho các nước khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở các dữ liệu mưa quan trắc, mưa dự báo, các phương pháp tính toán về độ ẩm đất, các nguy cơ kích hoạt xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ đưa ra cảnh báo định hướng những nơi, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong vòng 3-6 giờ tới. Tất nhiên, những cảnh báo này chỉ ở trên một phạm vi khu vực rộng, chưa thể cảnh báo cụ thể đến từng vị trí, từng khu vực xảy ra, thí dụ như phần sườn đồi này hay cung đường này,…
Dự báo liên quan đến sạt lở đất khó bởi nó không chỉ phụ thuộc vào yếu tố mưa. Chúng ta không phủ định rằng lượng mưa là một yếu tố kích hoạt sạt lở đất. Khi mưa lớn diễn ra, đặc biệt mưa với cường suất lớn, dồn dập có khả năng phá vỡ cấu trúc, tính chất đất của các khu vực, dẫn đến sạt lở.
Tuy nhiên, cùng với đó còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như độ dốc, thảm phủ thực vật, tính chất kết dính của các loại đất. Thực tế, các đợt sạt lở đất vừa qua ở Việt Nam, chúng ta thấy tác động của mưa diễn ra không giống nhau. Có nơi khi lượng mưa lên đến 100-200mm có khả năng kích hoạt các hiện tượng sạt lở đất, nhưng có vụ sạt lở đất xảy ra khi lượng mưa tích lũy trước đó và lượng mưa trong khoảng thời gian xảy ra rất ít, có khoảng 20-30mm. Chính vì thế, bài toán về cảnh báo, dự báo sạt lở đất hiện nay tương đối khó khăn và đang dừng ở mức cảnh báo rằng, trong đợt mưa lớn diện rộng sắp tới, căn cứ vào tính chất đất, độ ẩm đất và phân vùng nguy cơ sạt lở đất, chúng ta đưa ra cảnh báo các khu vực nào trong khoảng thời gian xuất hiện mưa lớn như vậy cần lưu ý nguy cơ có khả năng xuất hiện sạt lở ở mức khác nhau, từ trung bình cho đến cao, rất cao. Người dân lưu ý phòng tránh, đặc biệt khi chúng ta có các hoạt động kinh tế - xã hội hoặc di chuyển trên các cung đường, trên các khu vực đó cần hết sức lưu ý.
Bão số 3 để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề. Ảnh: Thành Đạt |
- Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là về các hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão, lũ quét, sạt lở đất…, theo ông, cần có những giải pháp cấp bách như thế nào?
- Qua kinh nghiệm thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như phối hợp với các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trung ương và các địa phương, cá nhân tôi thấy, để giảm được thiệt hại do thiên tai cần làm tốt công tác quản trị rủi ro thiên tai. Bởi bản chất, thiên tai khó đoán định và dự báo tuyệt đối chính xác, do đó, điều quan trọng nhất là chúng ta lường trước được rủi ro thấp nhất, cao nhất là bao nhiêu để chủ động phương án ứng phó.
Về bài toán lũ quét và sạt lở đất, để ứng phó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có một sáng kiến, đó là lập đội xung kích ở các thôn, bản, xã để thực hiện các công tác phòng chống thiên tai, tôi cho rằng, đây là một giải pháp rất hay.
Để giảm thiệt hại do thiên tai, phải có sự phối hợp đồng bộ. Các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Khi có thông tin cảnh báo sớm, chúng ta phải có hành động sớm. Đây cũng là khẩu hiệu của phòng chống thiên tai hiện tại - cảnh báo sớm để hành động sớm. Nếu chúng ta có cảnh báo sớm rồi nhưng chúng ta không hành động sớm thì hiệu quả của phòng chống thiên tai sẽ không cao, có thể xảy ra những thiệt hại đáng tiếc. Do đó, việc phối hợp đồng bộ giữa cơ quan khí tượng thủy văn với các cấp chính quyền và sự chủ động của người dân là điều vô cùng quan trọng. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của sự phối hợp này trong những đợt thiên tai xảy ra trước đây. Do đó, đây là giải pháp mà chúng ta cần tiếp tục vận dụng, áp dụng và thực hiện trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!