Hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", và cả lòng trắc ẩn con người mỗi khi đồng bào gặp hoạn nạn - trên nhiều diễn đàn khác nhau, những hoạt động thiết thực, kịp thời rất nhanh chóng được thiết lập, hướng về người dân vùng lũ lụt, các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.
Ngay sáng 9/9, từ thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), hay tin Thủ đô Hà Nội bị bão quật ngã đổ nhiều cây xanh, cổ thụ, nhóm 15 nhân viên dày dạn kinh nghiệm của Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã ra đến Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm, chung tay thực hiện nhiệm vụ cứu cây xanh bị đổ gãy sau bão.
Chiều 9/9, hàng trăm sinh viên, đoàn viên, thanh niên ở Huế đã lên tàu đi Hải Phòng để giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Thông qua mạng xã hội, sáng 10/9, chỉ sau chưa đầy một giờ đồng hồ kêu gọi, hơn 50 thành viên của một nhóm doanh nhân tại Huế đã hăng hái đăng ký tham gia. Ngay sau đó, nhóm đã họp gấp, lên các phương án hành động, quyên góp quần áo, lương thực, tiền của để cứu trợ, giúp đỡ người dân phục hồi sau bão, lũ.
Anh Tiến Thuần, chủ khách sạn Đạt Anh (ở đường Đào Trinh Nhất, thành phố Huế) mấy hôm nay vẫn giữ nguyên status với nội dung: Để hỗ trợ các đoàn cứu trợ trên đường ra bắc khi ngang qua Huế, khách sạn Đạt Anh sẵn sàng cung cấp chỗ ở miễn phí cho các đoàn trên lộ trình di chuyển.
Tương tự, nhiều người dân, chủ khách sạn ở khắp nơi cũng sẵn sàng mở cửa, hỗ trợ nhiều chỗ ở miễn phí cho các đoàn cứu trợ trên đường di chuyển, hoặc những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, mất nhà mất cửa.
Tận phương nam xa xôi, nhà văn Bích Ngân và nhóm nhà văn nữ bày tỏ rất đau lòng khi thấy tình hình lũ lụt miền bắc diễn biến ngày càng phức tạp, xem các tin tức hình ảnh từng giờ trên mạng xã hội và báo đài lo lắng, thúc giục "chị em văn nữ mình làm gì đi".
Máu chảy ruột mềm, là người trực tiếp chịu ảnh hưởng ở vùng lũ thành phố Thái Nguyên, nhà văn Cao Thị Hồng, Ủy viên Ban Nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, đã cùng một số thầy,
guyện đứng ra làm đầu cầu kết nối để tiếp nhận sách vở và đồ dùng học tập, hỗ trợ cho các trường học tại địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt, sách vở trôi cùng bùn nước.
Trong khi đó, tại điểm tập kết ở quận Lê Chân (Hải Phòng), chị Nguyễn Loan cùng chín thành viên khác, từ sáng sớm 10/9 đã đóng gói xong 300 suất bánh mì giò kèm sữa, chia thành nhóm, tỏa ra các quận đi trao tặng. Mỗi ngày nhóm chuẩn bị 900 suất, phát vào sáng, trưa và tối. Kinh phí do các thành viên tự nguyện đóng góp. Chị Loan cho biết, hoạt động này dự kiến kéo dài đến hết ngày 12/9. "Mỗi cá nhân góp một chút sức, Hải Phòng sẽ phục hồi sớm", chị giản dị nói.
Không nén được xúc động và niềm thương xót, "xem tivi, đọc báo thấy miền bắc bị lũ lụt nghiêm trọng quá, tôi xin gửi một chút tấm lòng", sáng 10/9, GS, TS Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đi xe máy mang theo cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ đồng bào miền bắc. "Số tiền này với mình là lớn, nhưng nghĩ hậu quả bão lụt nghiêm trọng thế kia, cũng chỉ là muối bỏ biển, mọi người cùng cố gắng vậy", thầy Thạch tâm sự.
Nhiều sáng kiến hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người dân ở các vùng bị lũ đã được chia sẻ lên mạng xã hội, và nhanh chóng được hưởng ứng, nhân rộng. Như sáng kiến gói bánh chưng, bánh tét gửi cho người dân ở các khu vực bị ngập đang thiếu điện, nước, không thể nấu ăn được, mì tôm cũng khó tiêu thụ. Nhiều điểm gói bánh, hàng chục người dân các lứa tuổi miệt mài làm việc, với lá cờ đỏ sao vàng cắm cao ở giữa khoảng sân rộng, khiến mọi người đều rưng rưng xúc động...
Nhiều đoàn thiện nguyện từ các miền đất nước đã nhanh chóng tìm đến các vùng bão lũ ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… giúp người dân khắc phục hậu quả. Thật cảm động, nhóm chín ngư dân cùng bốn chiếc thuyền đi biển của vùng Lệ Thủy (Quảng Bình) - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã ra cứu hộ dân vùng lũ Thái Nguyên. Đây đều là những ngư dân có kinh nghiệm nhiều năm đi biển. Nghe tin lũ lụt dâng cao đe dọa nhiều khu vực ở các tỉnh phía bắc, nhóm đã xin ý kiến chính quyền địa phương và lên đường đi cứu dân vùng lũ. Cách đây bốn năm, nhóm ngư dân vùng Ngư Thủy Bắc cũng từng đưa thuyền đi biển lên cứu dân vùng lũ Kiến Giang khi trận lũ lịch sử xảy ra ở đây. "Chúng tôi từng đi cứu người trong lũ lịch sử ở Lệ Thủy nên hiểu người dân vùng lũ đang bơ vơ thế nào khi nước dâng. Đây là lúc họ cần chúng tôi nhất. Chúng tôi đi khi nào hết lũ sẽ về", anh Trần Văn Hùng, trưởng nhóm ngư dân nói.
Và, cũng xin được nhắc đến đóng góp thầm lặng của những người làm báo, rất nhiều phóng viên đã vượt mọi khó khăn, thậm chí hiểm nguy, để gần như ngay lập tức có mặt ở những khu vực khó khăn, nguy hiểm, những nơi có sự cố, nơi người dân đang cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Nhiều nhà báo, phóng viên không chỉ viết, chụp ảnh, ghi hình, phản ánh, đưa tin tình hình bão lũ, mà còn trực tiếp tham gia vào những hoạt động thiện nguyện, theo các chuyến xe xuyên đêm chở hàng cứu trợ đến với những điểm nóng, kịp thời ứng cứu người dân.
Sau tin tức là hành động, sau những dòng chia sẻ là lên đường. Và, rất nhiều những cá nhân, tổ chức, các nhóm thiện nguyện đã và đang lặng lẽ, tiếp tục nỗ lực thực hiện những hành động được dẫn hướng bởi lương tâm, bởi tấm lòng, với chỉ một nguyện ước "tất cả được bình an"!