Những con số thống kê chi tiết đến hàng đơn vị nêu trên cho thấy ý nghĩa của việc trồng được từng cây xanh. Khoảng 500 triệu cây xanh đã được trồng nhờ những hoạt động của Arbor Day Foundation, kể từ khi thành lập năm 1972, cho thấy hơn cả việc trồng cây đơn lẻ, hoạt động có tổ chức của Quỹ này trong việc trồng và chăm sóc cây xanh nói chung, ở đô thị nói riêng đã đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng người, "cộng đồng cây" trên khắp nước Mỹ.
Nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới từ lâu đã chú trọng đến hệ thống trồng và chăm sóc cây xanh đô thị theo hướng chuyên nghiệp, với ý thức đầy đủ về chăm cây như chăm một sinh mạng. Từ việc chú trọng chọn lựa cây bản địa, kết hợp việc chăm sóc cây với các dịch vụ tiện ích khác trong khu vực công cộng, đến nghiên cứu và cung cấp miễn phí kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh trên đường phố, trong công viên, lâm viên đô thị, tổ chức các chương trình cấp chứng nhận cộng đồng, tất cả đều được quản lý và vận hành một cách bài bản, chu đáo.
Nhấn mạnh yếu tố cộng đồng và hoạt động chuyên nghiệp
Năm 1976, chỉ bốn năm sau khi thành lập, Arbor Day Foundation, dưới sự tài trợ của Hiệp hội Lâm nghiệp quốc gia Mỹ (The National Association of State Foresters) và Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ (The United States Forest Service) đã đưa ra sáng kiến về chương trình Thành phố của cây (Tree City USA). Theo chương trình này, có bốn tiêu chí cơ bản để một thành phố trở thành Thành phố của cây: Duy trì một cơ quan chuyên trách cây xanh; có một sắc lệnh về cây trong cộng đồng; sử dụng tối thiểu là 2 USD/đầu người cho việc phủ xanh đô thị và có hoạt động thiết thực vào dịp kỷ niệm hằng năm của Quỹ (Arbor Day) như tài trợ, gây quỹ cộng đồng... Mỗi năm, các thành phố tự đăng tuyển theo khung hồ sơ chi tiết do tổ chức này ban hành để được xác nhận là Thành phố của cây. Đến nay, có tới 16 thành phố bền bỉ suốt 48 năm liền giữ vững danh hiệu, kể từ năm đầu tiên của chương trình.
Tính đến hết năm 2023, cả nước Mỹ có 3.577 thành phố trở thành Thành phố của cây, là nơi sinh sống của 47,37% tổng số dân Mỹ, từ thành phố lớn nhất là New York City với số dân hơn 8,6 triệu người đến thành phố nhỏ nhất, như Sibley, chỉ có khoảng 20 nghìn người. Từ tiêu chí tối thiểu là chi phí 2 USD/đầu người hằng năm cho việc phủ xanh thành phố, đến nay, tiêu chí đó tăng lên mức 9,88 USD.
Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, tổ chức này cùng Hiệp hội Lâm nghiệp quốc gia Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra sáng kiến chương trình Tree Line USA, vinh danh các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ tiện ích công cộng (chủ yếu là dịch vụ cung cấp điện) góp phần bảo vệ, chăm sóc cây đô thị. Có năm tiêu chuẩn lõi để đạt danh hiệu này, bao gồm: vị trí hàng đầu là chất lượng chăm sóc cây với các tiêu chuẩn công nghiệp về cắt tỉa, trồng cây, di dời, đào rãnh và đào đường hầm gần cây luôn được tuân thủ một cách nhất quán; tiếp đó lần lượt là việc đào tạo hằng năm cho nhân công; kế hoạch giáo dục cộng đồng và trồng cây; kế hoạch bảo tồn năng lượng dựa vào cây và có hoạt động thiết thực nhân ngày kỷ niệm hằng năm của Quỹ (Arbor Day)...
Thật thú vị khi biết rằng Arbor Day Foundation là mô hình quỹ tư nhân của Mỹ với sự tham gia đóng góp của các thành viên. Đến nay, Quỹ đã có sự tham gia của hơn một triệu thành viên trong và ngoài nước Mỹ.
Xem trọng tính bản địa và nghiên cứu khoa học
Nhiều nước khác trên thế giới đều có các tổ chức, cơ quan chuyên trách về nghiên cứu chăm sóc cây xanh đô thị. Cho dù đó là các cơ sở công ích hay dịch vụ của tư nhân, công việc này đều được xem xét tiến hành dựa trên hai mục tiêu chính: Cho cây xanh đô thị một đời sống đúng nghĩa để cây đóng góp nhiều nhất giá trị vào đời sống của con người; khẳng định đóng góp của cây xanh vào bản sắc, diện mạo của từng thành phố. Vì thế, việc tập trung vào cây bản địa luôn được đề cao.
Mạng lưới Bảo tồn thực vật New Zealand (New Zealand Plant Conservation Network/NZPCN) được thành lập vào tháng 4/2003, hiện có hơn 950 thành viên trên toàn thế giới. Tầm nhìn của Mạng lưới là "thực vật bản địa phong phú, đa dạng và độc đáo của New Zealand được công nhận, trân trọng và phục hồi".
Mạng lưới là nơi cung cấp danh sách 2.414 loài cây có mạch (dẫn nhựa cây) bản địa thuộc vùng thực vật New Zealand, bên cạnh danh sách 2.436 loài cây có mạch xuất hiện tự nhiên trong vùng thực vật của đất nước này. Danh sách cung cấp miễn phí cho người dân, bao gồm thông tin sơ bộ về họ của loài cây, hình thái sinh trưởng, nguồn gốc. Bên cạnh đó, Mạng lưới còn là nơi cung cấp phong phú thông tin về các loài hoa, hình thái, đặc điểm thổ nhưỡng trên khắp cả nước, thông tin về ngân hàng hạt giống, các mối đe dọa cho thực vật, đa dạng ấn phẩm sách báo về thực vật, hệ sinh thái bao trùm cùng nhiều mô hình bảo tồn thực vật đang được vận hành.
Tương tự, Công viên quốc gia Singapore còn lập một bản đồ cây đô thị (Urban Tree Care/TreesSG) và thiết kế, vận hành một trang thông tin riêng về chủ đề này, tập trung vào các công việc chăm sóc, bảo tồn cây xanh trên đường phố. Công viên này còn vận hành Trung tâm Xanh hóa và Sinh thái đô thị (The Centre for Urban Greenery and Ecology - CUGE, NParks), được xem như là trung tâm của mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp về cảnh quan (Landscape Industry), một khái niệm có lẽ còn mới lạ với Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, Trung tâm chú trọng vào ba khía cạnh: Trồng cây và làm vườn, nhấn mạnh các phương pháp cải thiện sức khỏe, hiệu suất và độ ổn định của cây/thực vật; sinh thái đô thị và xanh hóa xây dựng; các chiều kích xã hội của việc xanh hóa, trong đó khám phá những lợi ích của cây xanh đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, vốn xã hội và các giá trị vô hình khác từ việc cung cấp xanh.