Rừng ngập mặn ven biển Cà Mau từng chịu sức ép lớn từ người dân sinh sống trong và ven rừng. Nhiều người do không có nghề nghiệp, việc làm ổn định, chủ yếu làm nghề khai khác thủy sản theo mùa và khai thác tài nguyên dưới tán rừng, chặt cây lấy gỗ... mà xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Nhờ những biện pháp mạnh của chính quyền, vừa nỗ lực khôi phục phần rừng bị chặt phá và trồng mới rừng ngập mặn Cà Mau, hiện bên cạnh được quản lý chặt chẽ hơn, còn tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đơn cử như tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), cùng với việc bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng, chính quyền địa phương còn chú trọng gây bồi tạo bãi. Mé biển Tây mỗi năm bồi ra 50 - 70 m, xã trồng cây mắm và đước để giữ đất. Ở những khu vực được giao thuê khoanh nuôi, người dân nuôi trồng các loại thủy sản đặc hữu dưới tán rừng. Một số hộ dân cũng cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn cho khách du lịch, mang lại thu nhập cao và bền vững. Ở chiều ngược lại, người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường rừng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch của mình.
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 60.000 ha rừng ngập mặn, không chỉ có giá trị kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái mà còn là bể chứa carbon lớn, góp phần đáng kể vào việc giảm hiệu ứng nhà kính. Theo TS Nguyễn Phú Hùng, chuyên gia rừng ngập mặn, sinh khối ngầm của rừng ngập mặn chiếm khoảng hai phần ba tổng sinh khối của rừng nên rừng ngập mặn Cà Mau sẽ nằm trong đối tượng giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng dân cư ven biển, nhiều năm qua, Cà Mau đã phát động loạt dự án phát triển và bảo tồn rừng ngập mặn. Gần nhất, dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương", bắt đầu từ tháng 4/2021, được triển khai trong ba năm tại xã Đất Mũi và xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), nhằm tăng cường việc tích lũy carbon của rừng ngập mặn phòng hộ, được kỳ vọng giúp nâng cao sinh kế của cộng đồng người nghèo và dễ bị tổn thương sống ở vùng rừng ngập mặn mà không ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường và khí hậu. Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), đơn vị tham gia dự án cho biết: "Trong hai vùng địa phương này, chúng tôi đã chọn ra 400 hộ trực tiếp hưởng lợi từ dự án thông qua các sáng kiến bảo vệ rừng, khôi phục rừng và tăng trữ lượng carbon, hấp thụ carbon của rừng ngập mặn hiện nay. Người dân được tạo điều kiện giúp chuyển đổi ngành nghề, chọn lựa các mô hình sinh kế đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển".