Hiện đại từ truyền thống

Nghệ thuật nào thì cũng sinh ra từ đời sống mà trung tâm của đời sống ấy là con người. Từ khi có nước Việt đến nay, đời sống người Việt gắn với nền nông nghiệp lúa nước, lúa nương. Một nền văn minh lúa đã mấy nghìn năm chiêm mùa đổi vụ. Sông suối ao hồ trải dài từ bắc đến nam. Biển thì dài, nhiều đảo. Thủy ấy, thổ ấy, đời sống ấy sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật.

Tác phẩm Ngựa gốm Phù Lãng của Vũ Hữu Nhung.
Tác phẩm Ngựa gốm Phù Lãng của Vũ Hữu Nhung.

Tất nhiên ai cũng hiểu hiện thực ấy chỉ là đề tài, là ga khởi hành, còn nghệ thuật mới là đích đến. Nói cách khác, trên đề tài ấy, câu chuyện ấy phải vẽ thế nào, thiết kế ra sao thì mới có tác phẩm. Thí dụ: mẫu nhà truyền thống đặc trưng của người Việt là nhà 3 gian 2 chái tiền kẻ hậu bảy, có hiên rộng tránh mưa nắng hắt, hiên là khoảng không gian đệm giữa ngoài và trong nhà, có tính chất nửa nội thất, nửa ngoại thất. Trước nhà là sân, sau là vườn, chuối sau cau trước, chum tương bể nước... hài hòa cân đối. Những đặc điểm ấy hoàn toàn đủ tạo cảm hứng để các kiến trúc sư hôm nay chắt lọc lại, thiết kế lại thành một ngôi nhà Việt hiện đại.

Chỉ có một lưu ý nhỏ, lịch sử của người Việt đã từng có một giai đoạn theo chế độ mẫu hệ. Hiện nay, chỉ còn một vài tộc người ở vùng cao nguyên Trung phần theo mẫu hệ. Tuy nhiên, trong một gia đình, một ngôi nhà Việt thì tính nữ, thiên tính nữ không lộ ra, nhưng vẫn ẩn chứa đâu đó, ở trong mảnh vườn sau nhà, ở trong gian bếp, ở trong những sản phẩm thủ công... Vậy nên hình ảnh người phụ nữ trong ngôi nhà Việt cũng là một nguồn cảm hứng. Nếu biết cách khai thác thì ngôi nhà sẽ mềm mại, hấp dẫn hơn và an lành nữa. Đó cũng chính là sự khác biệt của một ngôi nhà Việt với nhà của các dân tộc khác.

Đề tài thì như vậy, chất liệu cũng vô cùng phong phú. Xin được nhắc lại, không có một làng nào ở nước Việt lại không có nghề thủ công truyền thống: gốm, sơn mài, vải, mây tre, tơ lụa, giấy, đồng, bạc... Thí dụ như gốm: Có một đặc điểm là lịch sử mỹ thuật Việt Nam là lịch sử của gốm, điêu khắc và đồ thủ công mỹ nghệ. Mỹ thuật truyền thống Việt Nam không có tranh giá vẽ. Đến thế kỷ 19 mới có tranh khắc gỗ mầu, được biết đến nhiều nhất là hai dòng tranh dân gian Đông Hồ (tên một ngôi làng cách Hà Nội 35 cây số), dòng tranh Kim Hoàng và Hàng Trống (Hà Nội).

Qua đó, người ta thấy gốm truyền thống Việt Nam cũng là truyền thống mỹ thuật của người Việt. Trải từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19 tương ứng với các thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Bảo tàng Anh (British Museum) ở London sở hữu một lư hương gốm của Việt Nam, được làm từ đầu thế kỷ 17. Không chỉ Bảo tàng Anh, Bảo tàng Guimet ở Paris, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Idemitsu ở Tokyo cũng có nhiều đồ gốm cổ của Việt Nam. Ông John Stevenson, curator của Seattle Art Museum và ông John Guy, curator của Victoria và Albert Museum nhận định trong cuốn Gốm Việt Nam được xuất bản bởi Art Media Resources (1997): “Sự phát triển của đồ gốm Việt Nam liên quan mật thiết đến lịch sử thăng trầm của dân tộc. Đọc sách này độc giả sẽ thấy đồ gốm Việt Nam đã có một truyền thống riêng biệt, một quá khứ huy hoàng, một hãnh diện cho người Việt Nam”.

Trải dài từ bắc vào nam có rất nhiều làng gốm: gốm Móng Cái (Quảng Ninh), Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm của người Thái (Sơn La), gốm Thanh Hà (Hội An), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), gốm Bình Dương, Biên Hòa.

Hiện đại từ truyền thống -0
Tác phẩm Hổ gỗ của Lê Ngọc Thuận. 

Hoặc thí dụ khác là nghề sơn: Sơn là một nguyên liệu cổ truyền của người Việt. Hiện vật nhiều tuổi nhất là chiếc mái chèo sơn then (đen) trong ngôi mộ thuyền ở Việt Khê, Hải Phòng có tuổi khoảng 2.500 năm (khai quật năm 1961). Hoặc dụng cụ chế tác sơn như thép (bút vẽ), bàn vặn sơn, bát đựng sơn... trong một ngôi mộ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng có tuổi khoảng 2.000 năm (khai quật năm 1972). Nhựa sơn từ cây sơn là nguyên liệu chính của nghề sơn. Cây sơn có ở nhiều nơi, nhưng tốt nhất là ở vùng trung du, Yên Bái, Phú Thọ. Các nước châu Á đều có cây sơn, cây sơn Việt Nam thuộc giống Rhus succedenes, chất lượng rất tốt và tốt hơn so với một số nước.

Các sản phẩm chế tác từ sơn thân thuộc trong đời sống của người Việt từ đồ thờ trong đình chùa như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, cuốn thư, hộp đựng sắc phong, mõ, mâm bồng... đến đồ gia dụng như tủ, bàn, mâm, khay... Sơn có thể phủ trên nhiều chất liệu làm cốt như gỗ, đất, đá, đồng. Ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) có hai pho tượng phủ sơn mà cốt là hai vị thiền sư sau khi tịch diệt, niên đại thế kỷ 17. Đây là một dẫn chứng về cách ứng dụng sơn rất đặc biệt của cha ông ta. Ngoài sơn mài còn có sơn mài khảm trai, sơn quang dầu... Ở các bảo tàng lớn trên thế giới đều trưng bày tác phẩm sơn mài Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (New York)...

Tay nghề và chất liệu là truyền thống, là di sản, nhưng khi thiết kế thì chỉ có một tiêu chí: Đó là những sản phẩm ấy phải được thiết kế theo phong cách hiện đại. Để tạo ra những sản phẩm như một di sản hiện đại, một truyền thống mới. Một truyền thống hiện đại, một hiện đại bắt nguồn từ truyền thống.

Phải đưa di sản thành tài sản. Nếu không chú trọng đến thiết kế thì các di sản, các làng nghề, các nghệ nhân ấy, truyền thống ấy sẽ không thể tồn tại. Nhất là hôm nay thiết kế đã là một ngành công nghiệp. Thiết kế là một yếu tố quan trọng để tạo ra ngành công nghiệp văn hóa.

Hiện đại từ truyền thống -0
 Tác phẩm Mèo cá của Lê Minh Trí.