NỖI ĐAU TỪ TRÀO LƯU CHỒNG NGOẠI
Trong nhịp sống hối hả, thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ việc đau lòng từ những số phận làm dâu xứ lạ, làm cả xã hội bàng hoàng. Nhiều người vẫn nhớ, cách đây bốn năm, một người phụ nữ Việt đã cùng quẫn chọn cách kết thúc đời mình bằng cái chết bi thảm vào đúng ngày 30 Tết. Đó là người phụ nữ 22 tuổi, mới theo chồng về Hàn Quốc chưa đầy một tháng. Năm ngoái, một phụ nữ ở Hàm Tân (Bình Thuận) bị chồng người Hàn Quốc giết vì lý do thật ẩm ương: vợ ông nói tiếng Hàn quá kém, trong lần cãi vã không đi đến đâu vì bất đồng ngôn ngữ! Hầu hết những cuộc hôn nhân này đều được kết nối chóng vánh từ các công ty môi giới.
Những người phụ nữ tìm đến cái chết thì đã nhìn thấy, đo đếm được. Trên thực tế, con số phụ nữ bị bạo hành về thể xác và tinh thần hiện vẫn đang phải chịu đựng ở đâu đó nơi xứ người không ai có thể thống kê, ước tính được là bao nhiêu. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang cho biết, tính sơ bộ, riêng ở Hậu Giang từ đầu năm đến nay có khoảng 1.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong đó, 70% là Hàn Quốc. Tân Lộc, một cù lao nhỏ nằm trên sông Hậu, thuộc huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, phổ biến là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) được cho là nhiều nhất trong cả nước. Không thể phủ nhận được, cù lao Tân Lộc giờ đây đã mang hơi hướng thị thành bởi nhà cao tầng, bởi tiện nghi trong sinh hoạt... từ các gia đình có con gái lấy chồng ngoại quốc. Tuy nhiên, sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó. Trong câu chuyện hôm nay, nam thanh niên những vùng này trở nên khó khăn hơn trong việc tìm bạn đời. Những số phận, những câu chuyện về cuộc sống khi bị đồng tiền chi phối trở nên nghiệt ngã hơn bao giờ hết...
Những vụ việc phụ nữ Việt bỏ thân ở xứ người vừa qua cho thấy có rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong hôn nhân có yếu tố ngoại quốc, đặc biệt những cuộc hôn nhân theo kiểu mai mối.
ĐỪNG ĐÁNH CƯỢC SỐ PHẬN
“Trào lưu” phụ nữ nông thôn nghèo, ít được học hành lấy chồng nước ngoài với mục đích tìm cơ hội đổi đời diễn ra trên thực tế không ít, đã gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Bạo hành gia đình ở đâu cũng có. Làm thế nào để phòng tránh và đặc biệt, khi đã xảy ra, nạn nhân cần chuẩn bị cho mình có những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ. Thạc sĩ Lê Thị Bích Ngọc, người tham vấn tâm lý cho dự án Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) sau nhiều năm tiếp xúc với các đối tượng nạn nhân, đúc kết: Bạo lực trong gia đình khi đã để xảy ra một lần sẽ có lần sau, lần sau nữa, theo quy luật sẽ phát triển mạnh hơn lên cả về tần suất và mức độ. Người phụ nữ bị bạo hành tùy mức độ, dễ rơi vào tình trạng bế tắc, cùng quẫn. Tuy nhiên, họ còn có nhiều mối ràng buộc, nhiều lý do để không thể tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân. Với những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phụ nữ gặp khó khăn hơn nhiều lần vì sự bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán. Trong hoàn cảnh phải sống trong một cộng đồng khác biệt, bản thân không có chỗ dựa, không có thu nhập, dễ dẫn đến những hành động cực đoan, cùng quẫn như một số trường hợp đáng tiếc đã từng xảy ra.
Tại hội nghị về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài diễn ra ở Cần Thơ hồi tháng 4 vừa qua, ông Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nhiều cô dâu người Việt lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan và Hàn Quốc, nhằm có chỗ dựa kinh tế, hay tìm cửa để xuất ngoại đổi đời, thường khó có được kết quả tốt đẹp. Các công ty môi giới kết hôn với người nước ngoài mọc lên ở nhiều nơi tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ. Bất chấp pháp luật, bất chấp danh dự và thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt, chúng lôi kéo những dụ dỗ người dân nhằm kiếm lợi bất chính. Chính mục đích sai lệch rằng lấy chồng nước ngoài để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, nhiều phụ nữ đã đưa mình vào con đường không lối thoát. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các tổ chức, đoàn hội phụ nữ cũng cần hoạt động mạnh mẽ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền sở tại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân Việt đang sinh sống ở đó.
Những cô gái nông thôn nghèo, ít có cơ hội học hành, muốn có một tấm chồng đủ vững chãi để nương tựa. Mong muốn của họ là chính đáng. Nhưng để đạt được điều đó, với hành trang khiêm tốn của họ, với cách tiếp cận của họ, chẳng khác nào đem cuộc đời mình ra đánh bạc. Phụ nữ Việt xưa nay vốn giỏi giang trong thu vén gia đình. Trước khi chấp nhận đánh đổi, người trong cuộc cần trang bị thêm cho mình những “vũ khí” cần thiết để tự bảo vệ cuộc sống cho bản thân và gia đình mình.