"Hành động" bắt đầu từ "lắng nghe"

Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Khuyến (thành phố Đà Nẵng) gửi gắm qua bức thư tham dự cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53: "Trẻ em khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng ta tin sẽ có người đón đọc, để được nhận lại tình yêu thương"…
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Trẻ em tại địa phương là bước đầu để lựa chọn các đại diện nhí tham gia Diễn đàn Trẻ em Quốc gia.
Hội đồng Trẻ em tại địa phương là bước đầu để lựa chọn các đại diện nhí tham gia Diễn đàn Trẻ em Quốc gia.

"Được lên tiếng" và "được lắng nghe" - những biểu hiện cụ thể nhất cho công tác bảo vệ Quyền được tham gia của trẻ em-chắc chắn không phải là nguyện vọng của riêng Minh. Em chỉ cất lời thay cho hơn 20 triệu trẻ em Việt Nam hiện tại.

Quyền hiến định qua những gợi mở

Quyền tham gia của trẻ em được quy định rõ tại Điều 37 trong Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em năm 2004, hay Luật Trẻ em năm 2016 và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em. Tất cả đều thống nhất nhấn mạnh: Quyền tham gia của trẻ em giúp thúc đẩy khao khát sáng tạo chủ động của trẻ, tạo cơ hội để trẻ em tỏ rõ ý kiến với các vấn đề của bản thân, từ đó phát triển tích cực và toàn diện.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng quan tâm đến trẻ em. Trong đó, thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ là công tác mũi nhọn, với nhiều hoạt động cụ thể.

Trước hết, phải kể đến Diễn đàn Trẻ em Quốc gia, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, bắt đầu từ năm 2009, đến nay đã tổ chức thành công bảy kỳ Diễn đàn thường niên. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu "nhí" được gặp gỡ, giao lưu, đặt câu hỏi với lãnh đạo các bộ, ban, ngành,… theo chủ đề được đặt ra mỗi năm (Năm 2023, chủ đề được chọn là Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em). Sau đó, mọi ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của trẻ sẽ được tổng hợp, gửi đến các cơ quan, tổ chức, nhà hoạch định chính sách…

Một sự kiện nổi bật khác là Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023. Chương trình do Hội đồng Đội tham mưu, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức, với sự tham gia của 236 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hai chủ đề chính được lựa chọn cho Phiên họp lần thứ nhất đều là những vấn đề nóng: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Trong phiên họp này, các "đại biểu nhí" đã mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến đáng chú ý. Em Ngô Thị Kim Cương (Tây Ninh) phát biểu: "Vấn đề em quan tâm và mong muốn tìm ra giải pháp khắc phục nhất là nạn bạo lực, xâm hại trẻ em". Theo Kim Cương, đây không phải là vấn đề mới, nhưng các giải pháp được đưa ra hiện chưa thật sự hiệu quả. Và rào cản lớn nhất, có lẽ chính là việc các em chưa có nhiều cơ hội được lên tiếng, hoặc chưa thật sự được lắng nghe. Sau phiên họp, Kim Cương tự tin: "Trở về, chắc chắn em sẽ đề xuất đến nhà trường, địa phương nơi em sinh sống, về các giải pháp em học được tại phiên giả định, để ứng dụng, giải quyết các vấn đề của chúng em!".

Song song đó, Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU (do Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức từ năm 1971, nước ta tham gia hưởng ứng đến nay đã 36 năm liên tiếp) cũng được trẻ em cả nước gửi gắm nhiều tâm nguyện. Mỗi năm, cuộc thi có một đề tài khác nhau, hướng các em tiếp cận và hiểu biết hơn về các vấn đề của xã hội, của thời đại, đồng thời thể hiện suy nghĩ của bản thân về các vấn đề ấy. Từ đó, bồi đắp tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với xã hội, đất nước và thế giới.

Như cuộc thi lần thứ 50, diễn ra năm 2021, chủ đề được lựa chọn là "Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19". Bức thư giành giải nhất của em Đào Anh Thư (học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội) đầy cảm xúc, và rất "người lớn": "…Thời gian gần một tháng trời đã cho chị hiểu rằng bên trong tấm biển "khu vực cách ly đặc biệt" kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng, mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương".

Xây dựng hành động trên nhận thức và kỹ năng

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tổ chức cũng liên tục thực hiện lấy ý kiến trẻ em trên diện rộng, trước khi xây dựng, triển khai các chính sách, hoạt động liên quan đến trẻ em. Thí dụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng một nghị định, một quyết định và bốn thông tư (thông qua các hình thức tọa đàm, phiếu lấy ý kiến, khảo sát qua mạng, điện thoại, qua Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, hay Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 hoặc Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111).

PGS, TS Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Ðại học Quốc gia Hà Nội

Tạo nên không gian mở cho trẻ em

Muốn phát huy quyền tham gia của trẻ, trước hết mỗi trường học cần phải tạo điều kiện để học sinh có thể bày tỏ ý kiến và suy nghĩ của mình mà không bị phán xét hay phân biệt đối xử (thí dụ như những think tank – hộp suy nghĩ trong trường học). Cũng cần tạo ra những phương thức và các kênh cung cấp thông tin, giao tiếp và phản hồi hiệu quả tới ý kiến của từng học sinh. Bản thân giáo viên và học sinh đều phải được giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm tham gia và được khuyến khích tham gia quá trình ra quyết định các vấn đề có liên quan đến trẻ trong nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến của hơn 10 nghìn học sinh đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng một số đơn vị, tổ chức lấy ý kiến trực tiếp cũng như khảo sát trực tuyến hơn 1.000 trẻ em từ 19 tỉnh, thành phố về Đề án "Bảo vệ và Hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025".

Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hoạt động khảo sát lấy ý kiến 4.107 trẻ em sống cùng gia đình, 1.657 trẻ em sống trong các trường nội trú, trung tâm bảo trợ, mái ấm, nhà mở tại 57 tỉnh, thành phố, về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Kết quả đã bổ sung 300 ý kiến, góp ý cho báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Tuy vậy, đầu năm 2024, tại Cuộc họp tổng kết nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vẫn chỉ rõ: "Chúng ta có luật, có chính sách, có chương trình, kế hoạch khá đồng bộ nhưng vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống". Nguyên nhân chính là do "các chủ trương, chính sách chưa được các cấp, các ngành, xã hội quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như một nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai của đất nước".

Cụ thể, việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến và giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, chưa đạt hiệu quả như yêu cầu, thậm chí một số nơi còn mang tính hình thức, hời hợt. Như Trưởng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 Nguyễn Thị Thuận Hải chia sẻ: "Tổng đài tiếp nhận vụ việc của trẻ, sau đó liên hệ về địa phương, nhiều khi không nhận được sự hợp tác, phối hợp, khiến thời gian xử lý, can thiệp bị kéo dài".

Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng trăn trở: "Mỗi địa phương, từ các cấp phường, xã đều rất cần đội ngũ cán bộ công tác xã hội có chuyên môn, được trang bị đầy đủ kỹ năng để xử lý các vấn đề của trẻ em". Do đó, Cục thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn tại địa phương theo chuyên đề, phối hợp hỗ trợ địa phương trong mọi vấn đề liên quan đến trẻ. Trên trang web của Tổng đài 111 cũng cập nhật các nguồn tài liệu mở hướng dẫn cụ thể công tác trẻ em, như mới đây nhất là Tài liệu hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em, và Tài liệu hướng dẫn mô hình các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện.

Tại Diễn đàn Trẻ em năm 2023, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu: Đến năm 2027, có ít nhất 50 triệu lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề mà các em quan tâm, thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội.

Để quá trình lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề mà các em quan tâm bảo đảm tính thực chất, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu, trước tiên phải đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội… Nhiều Tổng phụ trách Đội cũng đề xuất: Các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nên có phụ huynh tham dự. Có như vậy, việc giải đáp các ý kiến của trẻ sẽ đầy đủ hơn, quyền của trẻ em cũng được phát huy cao hơn.

Trần Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Tâm Việt Nha Trang

Bắt đầu ngay từ mỗi gia đình

Để quyền tham gia, lên tiếng đóng góp vào các vấn đề xã hội của trẻ em được phát huy mạnh mẽ nhất phải bắt đầu ngay từ trong gia đình, các bạn phải được lắng nghe trước hết bởi cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Có thể tại các bữa ăn đầy đủ thành viên trong gia đình, người lớn tôn trọng và lắng nghe các ý kiến của con về mọi vấn đề, có thể về cá nhân con, hoặc về các vấn đề xã hội. Các con phải có quyền được góp ý xây dựng, kiến tạo một thế giới mà các con mơ ước được sống, được làm việc trong tương lai.