Hai nửa yêu thương

NDO - Nhiều người cho rằng hạnh phúc là phải có nhà cao cửa rộng, vật chất đủ đầy. Nhưng với anh chị (ảnh), điều lớn lao ấy có thể tìm thấy trong sự giản dị, bình thường nhất của cuộc đời. Vượt lên cả vật chất lẫn những thói thường, hai con người "hoàn cảnh" ấy đã sống và yêu nhau, hết mình chăm lo cho cô con gái nhỏ. Ðó là câu chuyện đẹp như cổ tích của đôi vợ chồng khuyết tật Ðinh Thị Tuyết và Bùi Văn Hòa ở Hội Người mù thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Hai nửa yêu thương

Vượt rào cản, tìm hạnh phúc

Kể từ ngày chị Tuyết về sống với anh Hòa và cháu Bùi Thị Thảo Nguyên thấm thoắt đã bốn năm có lẻ. Mái ấm của vợ chồng anh chị tuy chỉ chừng 20 m2 nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười. Nhắc đến anh chị, bà con lối xóm đều cho rằng anh Hòa ở hiền gặp lành, lấy được người vợ chịu thương quý khó, thương yêu chăm sóc con riêng của chồng chẳng khác gì con đẻ.

Hằng ngày, anh Hòa mò mẫm với bóng tối và cũng ngót hai chục năm trời gắn bó cuộc đời với những tấm vé số để mưu sinh. Bị mù lòa từ nhỏ nhưng là con người hiền lành tốt tính, có ai nhờ việc gì mà giúp được là anh sẵn sàng. Bảy năm trước, anh cũng từng có một tổ ấm cùng chị Trần Thị Thanh Tâm chia ngọt sẻ bùi. Chị Tâm sinh được cháu Thảo Nguyên vừa tròn một năm thì tai ương ập đến. Căn bệnh hiểm nghèo đã không để chị được tiếp tục sống và thương yêu chồng con trên cõi đời này nữa. Suốt ba năm anh Hòa sống trong cảnh gà trống nuôi con vò võ, rau cháo qua ngày.

Chị Tuyết may mắn có đôi mắt sáng, nhưng một chân lại bị liệt, một bàn tay thì sáu ngón co quắp, việc sinh hoạt gặp nhiều phần khó khăn. Vừa đưa tay bẻ lại cổ áo cho con, chị vừa bồi hồi nhớ lại: "Tình cờ, một lần đến phụ giúp nấu ăn ở Hội Người mù Núi Thành, mình để ý đến một người cha mù dắt theo đứa con gái nhỏ bên cạnh, lần dò từng bước. Hỏi ra mới biết, vợ anh vì mắc bệnh hiểm nghèo đã mất, giờ một mình anh Hòa lần hồi bán vé số để nuôi đứa con gái, cực lắm...". Mới chỉ nghe mọi người kể về hoàn cảnh của hai cha con, mà mắt chị đã ầng ậng nước. Rồi chị tình nguyện xin phụ nấu ăn cho hội, dần dà, chị đem lòng thương cha con anh Hòa lúc nào không hay.

Thế nhưng ý định của chị muốn gắn bó để chia sẻ khó khăn với cha con anh Hòa đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. "Nào là hai người cùng khuyết tật thế rồi lấy gì mà ăn, nào là vợ hơn chồng đến mấy tuổi... Nhưng họ đâu có biết chúng mình yêu nhau!". Trước sự ngăn cấm và cả dèm pha của mọi người, chị khóc rất nhiều. Ban đầu vì chưa thể thuyết phục được gia đình, chị bỏ vào TP Hồ Chí Minh, nhưng trong lòng thì không nguôi nhớ đến anh và con. Chị nhớ như in lời anh Hòa tâm sự: "Chúng mình là hai nửa khuyết tật đến với  nhau, sẽ rất vất vả. Nhưng em là đôi mắt cho anh, còn anh là đôi chân của em. Hai chúng mình sẽ làm tất cả để Thảo Nguyên của chúng ta có một gia đình thật sự hạnh phúc". Sự quyết tâm của anh chị, cuối cùng cũng khiến mọi người hiểu, gia đình chị gật đầu.

Giờ Thảo Nguyên đã mười hai tuổi đang học lớp bốn Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Anh chị cũng đã ngoài bốn mươi, sức khỏe yếu, nay ốm mai đau. Mỗi ngày, anh Hòa vẫn phải lần dò bằng đôi chân của mình trên quãng đường rất xa, hơn 20 km từ thị trấn Núi Thành xuống Tam Giang, Tam Quang rồi qua phà đến Tam Hải để bán vé số. Thu nhập cũng chỉ được 25, 30 nghìn đồng một ngày. Chị Tuyết không đi lại được nhiều nên mở một sạp tạp hóa nhỏ bán lá chè xanh, mắm muối lặt vặt... Tất cả đều để dành, chăm lo cho cô con gái, cuộc sống tùng tiệm qua ngày.

Vì còn nhiều khó khăn nên anh chị thống nhất không sinh con nữa. "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là nuôi Thảo Nguyên ăn học đàng hoàng. Biết là không phải máu mủ mình sinh ra nhưng thương lắm. Chỉ tội tay chân tôi không được lành lặn nên cũng không thể chăm sóc con được chu đáo. Nhiều việc chỉ hướng dẫn rồi tự cháu làm". - Chị Tuyết vừa xếp lại mấy quyển sách cho Thảo Nguyên, vừa tâm sự.

Ðể mẹ được cõng con...

Hiểu được hoàn cảnh gia đình, thương ba mẹ nên Thảo Nguyên luôn chăm ngoan và cố gắng học tập, cả bốn năm qua em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Sau mỗi buổi học, em còn phụ giúp ba mẹ những việc nhỏ trong nhà như nấu cơm, rửa bát...

Chị Phạm Thu Hương cùng bán hàng ngoài chợ với chị Tuyết, nhớ lại: "Tôi gặp một phen hú vía với mẹ con chị ấy. Hôm đó, chị Tuyết đang rót dầu lửa vào chai cho khách, bỗng nghe tin bé Thảo Nguyên bị xe đụng ngã, chị thả rơi chai dầu, định lao về phía đường, ngờ đâu chân chị giẫm phải mảnh vỡ thủy tinh, máu tuôn khắp sàn. Chị không chịu đợi tôi băng bó, cứ thế, kẹp chiếc nạng gỗ, lê chân chạy đi tìm con bé. Ðến nơi, hai mẹ con cùng phải nhập viện".

Những ngày trời nổi mưa gió, không yên tâm để Thảo Nguyên tự đi học, chị nghỉ buổi chợ để đưa con đến lớp. Chân chị Tuyết bị tật, không đạp xe được, chị gắng chống nạng cõng con đến trường. Có lần cõng con qua đoạn đường trơn, bất ngờ trượt chân, chị vội vàng buông chiếc nạng gỗ, nhoài ra đỡ con, cả hai ngã nhào. Ðược mẹ đỡ kịp, quần áo Thảo Nguyên chỉ lem nhem vài chỗ, còn chị thì bê bết đất đỏ, ướt nhẹp. Không ngần ngại, chị vẫn đứng dậy đưa con đến lớp cho kịp giờ học.

Khi được hỏi, nếu có một mơ ước chị sẽ ước điều gì, chị Tuyết nhỏ nhẹ: "Hai vợ chồng tôi cùng khuyết tật, biết là sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đến với nhau vì thấy cần nhau. Nuôi dưỡng bé Thảo Nguyên nên người là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi. Dù cuộc sống còn lắm gian khó nhưng có tình yêu và niềm tin sẽ vượt qua tất cả thôi mà".

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ kia, dù còn bao khó khăn thiếu thốn về vật chất, nhưng không bao giờ vắng tiếng cười. Vâng, chính tình cảm ấm áp của hai nửa khuyết thiếu biết sẻ chia và biết sống cho nhau đã kết nên một niềm tin vững chắc nơi cuộc sống.

* Nhờ có tình yêu thương giản dị và trong sáng mà anh chị đã có được mái ấm hạnh phúc hôm nay. Cùng với "hạt nhân" của niềm vui ấy là bé Thảo Nguyên, những "con người bé nhỏ" kia đã kết nên một tổ ấm luôn hồng ánh lửa. Và, không chỉ vượt qua mọi điều tiếng dư luận, cùng với thời gian, hạnh phúc của anh chị đã thuyết phục được gia đình bằng chính nghị lực vượt lên số phận.