Góc nhìn

Làm thế nào để vận hành thủy điện an toàn, hiệu quả? Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu quan điểm của những người trong cuộc
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Góc nhìn ảnh 1

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia:

Thay đổi cách thức vận hành hệ thống

Hiện nay, tổng công suất của các nhà máy thủy điện xấp xỉ 22.000MW, chiếm 26% công suất lắp đặt của toàn bộ hệ thống điện quốc gia. Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa của các nhà máy thủy điện công suất hơn 30MW là 33 tỷ m3. Khoảng 70% lượng nước về hồ là vào mùa lũ, vì thế việc dự báo chính xác vô cùng quan trọng, không chỉ để tăng sản lượng khai thác điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn để điều tiết lũ.

Các liên hồ chứa thủy điện hiện nay được vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hệ thống thủy điện Việt Nam trong mùa lũ khá đồng đều nên có thể tăng khả năng khai thác. Nhưng cần nhấn mạnh rằng, vai trò của công tác dự báo, quy trình điều tiết liên hồ chứa là vô cùng quan trọng, có cắt được lũ hay không, có khai thác hiệu quả thủy điện hay không, phần lớn trông vào độ chính xác của công tác dự báo.

Thêm nữa, trong thời gian tới, phải có nguồn linh hoạt nhiều hơn để đáp ứng những sự bất ổn của năng lượng tái tạo tạo ra đối với hệ thống điện. Hiện cơ chế dịch vụ phụ trợ vẫn chưa đủ hấp dẫn, do đó, cần có sự đổi mới về cơ chế chính sách nhằm thu hút các đơn vị khác tham gia, nhất là vào phát triển công nghệ lưu trữ.

Góc nhìn ảnh 2

Ông Phan Duy Phú, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương:

Tính linh hoạt trong điều độ hệ thống điện còn thiếu

Theo dự báo, đến năm 2030, thủy điện Việt Nam sẽ đạt công suất 31GW. Ở Việt Nam, việc xây dựng, vận hành liên hồ gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu. Do đó, muốn tối ưu hóa vận hành hồ chứa cần nâng cao khả năng dự báo trong dài hạn, trung hạn, và cả ngắn hạn, nhằm làm giảm độ trễ và tăng khả năng dự báo. Các tỉnh đều yêu cầu thủy điện thông báo trước việc xả lũ, nhưng với người vận hành, việc này phụ thuộc nhiều vào dự báo, từ đó ảnh hưởng đến kịch bản di tản dân cư.

Hiện nay, khi đầu tư xây dựng, mục tiêu chính của thủy điện là sản xuất điện nhưng cũng phải kết hợp chức năng cấp nước, phòng lũ. Một số hồ đã quy hoạch nhưng không thể đáp ứng được tất cả các nhiệm vụ này. Có tới 31 nhà máy đã phải điều tiết giảm công suất. Nếu tối ưu hóa được khâu vận hành, có thể vừa đáp ứng được yêu cầu phát điện, vừa đáp ứng được yêu cầu cấp nước, chống lũ.

Góc nhìn ảnh 3

Ông Jakob Luchner, Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI):

Sử dụng mô hình mới trong phân phối nguồn nước

Trong khoảng hơn 40 năm qua, các thuật toán tối ưu hóa cho việc vận hành hồ chứa đã được biết tới và phát triển liên tục, nhưng thực tế là con người - chứ không phải máy móc - phải chịu trách nhiệm về hiệu suất của hệ thống cấp nước và điện. Do những sai lầm trong vận hành hồ chứa có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân, nên việc vận hành tự động hoàn toàn là rất hiếm. Mặc dù vậy, các chương trình dự báo và tối ưu hóa vẫn là yếu tố đầu vào quan trọng nhằm hỗ trợ ra quyết định giúp các nhà quản lý thực hiện vai trò của họ trong điều kiện tốt nhất.

Quy tắc thị trường "tối ưu hóa", trong đó việc đấu thầu cho một sản phẩm nhất định ở một mức giá nhất định sẽ quyết định ai là người sản xuất và khi nào sản xuất, đang chiếm ưu thế trong ngành điện. Theo đó, việc tối ưu hóa hoạt động vận hành hồ chứa với dự báo thời tiết hoặc dòng chảy vào, cũng được các nhà sản xuất điện, vận hành lưới và môi giới năng lượng sử dụng để dự báo giá cả và nâng cao hiệu suất vận hành.

Đối với những hệ thống có các hồ chứa đa mục tiêu lớn mà việc sản xuất điện chỉ là một trong nhiều mục đích sử dụng, các hệ thống hỗ trợ ra quyết định tiên tiến nhằm dự báo dòng chảy vào và các thuật toán hỗ trợ vận hành đang được triển khai mạnh mẽ. Điều này giúp tối ưu hóa việc vận hành ngắn hạn và dài hạn của hệ thống cũng như đưa ra các khuyến nghị cho việc vận hành. Tuy nhiên, cần cân nhắc trước các giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật nhưng lại mâu thuẫn với lợi ích trong quản lý tài nguyên địa phương.

Góc nhìn ảnh 4

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Bộ môn Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Trường đại học Thủy lợi:

Những thách thức trong đánh giá vận hành

Khi đánh giá thực trạng vận hành thủy điện, thách thức đầu tiên là việc chưa có sự thống nhất trong tiêu chí đánh giá. Chúng tôi phải theo tình hình thực tế để đưa ra cách đánh giá phù hợp, xây dựng thành công bộ công cụ hỗ trợ vận hành cho một số nhà máy. Từ thực tiễn này, chúng tôi cho rằng, cần thiết có bộ dữ liệu theo thời gian thật, từ đó giúp ích rất nhiều cho vận hành các hồ chứa thủy điện, nhất là khâu dự báo. Một khó khăn nữa, nguồn nhân lực sử dụng dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) còn hạn chế. Trong khi nhu cầu về đội ngũ chất lượng cao, biết cách sử dụng dữ liệu hiệu quả tăng lên thì sinh viên ngành khí tượng thủy văn đang ít đi. Những khó khăn này quả thật không dễ giải quyết được ngay.