Sức ép và rào cản

"Làm thế nào để quản lý và sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững?" là câu hỏi đang đặt ra với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, nhóm các chuyên gia về tài nguyên đất nói riêng và tài nguyên thiên nhiên nói chung khuyến nghị một số giải pháp cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn đang tạo nên không ít hệ lụy cho đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tùng Châu
Tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn đang tạo nên không ít hệ lụy cho đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tùng Châu

GS, TS VÕ QUANG MINH, Trường đại học Cần Thơ

Một số mô hình phát triển nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tài nguyên đất đai, có hiệu quả cao phải kể đến: mô hình nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp thuần tự nhiên… Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác, thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Nông nghiệp thông minh (Smart Agricultural) có thể hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa); công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin); giảm được tác động xấu đến sức khỏe con người, sự an toàn, các loài hoang dại, chất lượng nước và môi trường. Nông nghiệp hữu cơ (Organic Agriculture) là hệ thống sản xuất nhằm duy trì tính bền vững của đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nông nghiệp hữu cơ bao gồm các phương thức canh tác truyền thống, có sự đổi mới sáng tạo và được áp dụng khoa học kỹ thuật để mang lại lợi ích cho môi trường cũng như thúc đẩy các mối quan hệ tương tác hướng tới cuộc sống chất lượng tốt cho tất cả các bên tham gia.

Nông nghiệp thuận tự nhiên (Natural Agriculture) là nông nghiệp bền vững, hướng canh tác sản xuất bảo vệ hệ sinh thái. Những gì người nông dân cần làm là gieo hạt và thuận theo sự phát triển của thiên nhiên; là nông nghiệp tự nhiên không có sự can thiệp của con người.

Nông nghiệp sinh học y nông nghiệp sinh thái (Biological Agriculture) là loại hình nông nghiệp mới, tuân theo nguyên lý về sinh thái học và kinh tế học; là nền nông nghiệp dựa trên việc sử dụng các mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống và môi trường chung quanh trong một hệ thống nông nghiệp. Nông nghiệp sinh học áp dụng công nghệ sinh học, không sử dụng bất kỳ thành phần hóa học nào vào sản xuất.

TS HÁN THỊ NGÂN, Cục Lâm nghiệp,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Với điều kiện hiện nay, các giải pháp nhằm giảm tác hại của suy thoái đất đều cấp thiết, hiệu quả nhưng cũng rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Khó khăn đến từ: nền tảng dữ liệu; đặc thù thổ nhưỡng; nhu cầu phát triển kinh tế;...

Không có một giải pháp nào là tuyệt đối, đòi hỏi sự vào cuộc của cả bộ máy chính trị, các nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân. Trong đó, một số giải pháp/nhóm giải pháp khả thi được đề xuất: Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý và sử dụng đất bền vững trong đó chú trọng đất nông nghiệp. Thứ hai, bảo tồn đất, các tính chất, yếu tố tự nhiên của thổ nhưỡng cần được tôn trọng. Cần ngăn ngừa việc mất lớp trên cùng khỏi xói mòn, ngăn chặn sự giảm độ phì nhiêu trong bối cảnh tình trạng thoái hóa đất đáng báo động như hiện nay. Thứ ba, tập trung bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giữ vững diện tích rừng hiện có (khoảng 10 triệu ha rừng tự nhiên và 4 triệu ha rừng trồng). Thứ tư, nhóm giải pháp kỹ thuật áp dụng cho canh tác bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho con người và duy trì sức sản xuất bền vững của đất. Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường.

Ông VĂN NGỌC THỊNH, Trưởng đại diện của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam

Năm 2023 vừa qua, WWF và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang xây dựng và thực hiện dự án "Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long-Mekong NbS".

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt rất nhiều thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, phát triển thủy điện và các công trình thủy lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, hay canh tác nông nghiệp, thủy sản thiếu bền vững. Chính vì thế chúng ta cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ: Về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu chính là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa việc triển khai các giải pháp "canh tác dựa vào thiên nhiên" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều mô hình đã cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, đồng thời bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời huy động nguồn lực để nhân rộng các mô hình này trên toàn đồng bằng.

PGS, TS MAI VĂN TRỊNH, Viện Môi trường Nông nghiệp

Bên cạnh thực trạng quỹ đất thấp và giảm theo thời gian do tình trạng tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước cũng gây ra nhiều sức ép đối với đất đai ở Việt Nam. Quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh, thành phố bộc lộ hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực. Tình trạng phổ biến hiện nay là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp suy giảm mạnh do đô thị hóa, quỹ đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông.