Tầm nhìn chiến lược giúp "biến không thành có"

Doha để lại ấn tượng đậm nét nhất trong lòng du khách không phải vì vẻ hào nhoáng, phô trương của những tòa nhà chọc trời kiêu hãnh vươn mình bên bờ vịnh mà nhờ vào chuỗi điểm đến văn hóa đặc biệt giá trị. Điều thú vị là tất cả những công trình độc đáo, hấp dẫn đó đều do Chính phủ Qatar mạnh tay đầu tư xây dựng, dựa trên tầm nhìn về một chiến lược định vị thương hiệu bài bản.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ cổ Souq Waqif. Ảnh: Giang Nguyễn
Chợ cổ Souq Waqif. Ảnh: Giang Nguyễn

Tự tạo nên kỳ quan

Qatar chỉ sở hữu duy nhất một Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: Di chỉ khảo cổ Al Zubarah, cách thủ đô Doha cả trăm cây số đường đi xuyên qua sa mạc, nên sức hấp dẫn với du khách đại trà xem ra cũng cực kỳ khiêm tốn. Nhưng, người Qatar đã quyết định tự tạo ra kỳ quan cùng những công trình kiến trúc ấn tượng, tự tạo những giá trị văn hóa đậm sắc màu truyền thống xưa cũ, có sức hấp dẫn khiến du khách quốc tế không thể chối từ.

Một miền đất nhỏ bé có diện tích đứng thứ 164 trên thế giới nhưng lại đứng thứ tư trong Top 10 quốc gia giàu nhất thế giới năm 2023, theo xếp hạng của Global Finance, Qatar đã sớm đặt mục tiêu chuyển đổi thành công từ nền kinh tế tài nguyên sang nền kinh tế tri thức vào năm 2030. Với tầm nhìn chiến lược, Hoàng gia Qatar đã nhận ra từ rất sớm, nguồn lợi dầu mỏ, khí đốt dồi dào tới đâu rồi cũng có lúc cạn kiệt. Để phát triển bền vững, phải đổi màu kinh tế từ "nâu" sang "xanh", phải mạnh tay đầu tư vào văn hóa, giáo dục, du lịch…

"Tầm nhìn quốc gia đến năm 2030" được Chính phủ Qatar ban hành từ năm 2008 đã đặt ra mục tiêu "duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống hiện đại và các giá trị văn hóa truyền thống, với tư cách là một quốc gia Arab và Hồi giáo". Theo đó, nước này hình thành các thiết chế văn hóa cùng hệ thống bảo tàng, phục dựng các khu chợ truyền thống, tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa-thể thao tầm cỡ, hỗ trợ và đầu tư phát triển các dự án di sản văn hóa, khuyến khích tài năng nghệ thuật trẻ…

Với ngành công nghiệp không khói, Chiến lược Du lịch quốc gia 2030 hướng tới tăng lượng du khách, đóng góp 12% vào tổng sản phẩm quốc nội, tăng chi tiêu nội địa tại điểm đến gấp 3-4 lần, tăng số lượng việc làm và đưa Qatar thành điểm đến phát triển nhanh nhất tại khu vực Trung Đông. Văn hóa được xác định đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ phát triển du lịch vì nó ôm chứa bản sắc của điểm đến, mang lại những trải nghiệm khác biệt, duy nhất cho du khách.

Trở thành "điểm đến văn hóa nổi tiếng thế giới"

Đến với Doha, du khách như lạc vào một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ được cấu thành bởi ba yếu tố: sự gắn bó mật thiết của quá trình hiện đại hóa cùng tiến bộ công nghệ và nguồn gốc cổ xưa.

Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo (Museum of Islamic Art) là một tổ hợp lập thể đầy oai vệ của những khối hộp hình vuông, hình bát giác xếp chồng lên nhau theo một cách thức dị thường. Tầng trên cùng tái hiện bộ trang phục niqab truyền thống chỉ để hở đôi mắt đầy ám ảnh của phụ nữ Hồi giáo. Bên cạnh đó, du khách có thể thăm hàng loạt bảo tàng nghệ thuật khác như Mathaf - Bảo tàng Nghệ thuật Arab hiện đại, Bảo tàng Quốc gia Qatar, Bảo tàng Sheikh Faisal Al Thani… Đó cũng là những nơi lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo, Arab và phương Tây thuộc sở hữu của Hoàng gia Qatar nhiều năm qua.

Đặc biệt, Msheireb Museum với chuỗi bốn bảo tàng chuyên biệt là một địa chỉ không thể bỏ qua. Tới đây, du khách được quay ngược cỗ máy thời gian để về với những trang sử của ngành khai thác dầu mỏ ở Company House, tìm hiểu bức tranh toàn cảnh đầy máu và nước mắt về chế độ chiếm hữu nô lệ cùng nạn mua bán người trong khuôn viên Bin Jelmood House, ngắm nhìn những di sản kiến trúc độc đáo đã làm nên bản sắc Qatar tại Mohammed Bin Jassim House và hiểu rõ nếp sinh hoạt cùng sự gắn kết máu thịt trong các gia đình truyền thống Qatar ở Radwani House.

Tới Doha, du khách không thể bỏ qua khu chợ thấm đẫm sắc màu huyền thoại Nghìn lẻ một đêm mang tên Souq Waqif mà từ hơn 10 năm trước, chính quyền sở tại kỳ công phục dựng thành một bản sao hoàn hảo của phiên chợ cổ. Bên cạnh đó là Làng văn hóa Katara, nơi được coi là địa danh văn hóa tích hợp các đặc tính lịch sử và có tác dụng truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật cùng văn hóa đương đại. Ngôi làng này cũng là dự án đặc biệt của chính phủ, để tạo nhịp cầu tương tác giao lưu văn hóa toàn cầu. Các triển lãm tranh, nghệ thuật thị giác đương đại xuất hiện dày đặc trong nhiều gallery của Làng văn hóa Katara. Tác phẩm nghệ thuật công cộng hiện diện ở mọi không gian ngoài trời. Và tranh tường, nghệ thuật thư pháp, tranh ghép gốm phủ kín đường hầm, cầu vượt trên nhiều con đường cao tốc…

Cũng không thể không nhắc tới hai dự án lớn đang được gấp rút triển khai: Tái sinh khu định cư từng một thời thịnh vượng Al Mafyar ở phía bắc, chuyển tải những thông điệp văn hóa Hồi giáo qua bảo tàng hình trăng lưỡi liềm và trung tâm nghệ thuật hình tròn tại "thành phố của tương lai" Lusail. Tất cả được kỳ vọng sẽ trở thành "thỏi nam châm" có lực hút khó cưỡng với du khách quốc tế. Qatar, nước chủ nhà hiếu khách của World Cup 2022 và Asian Cup 2023, sẽ đứng ra tổ chức Á vận hội 2030 và đang ôm ấp giấc mơ đăng cai Olympic 2036, những bước đi trên hành trình hướng tới cái đích trở thành điểm đến của thể thao khu vực và toàn cầu đã được hoạch định sẵn.