Nhu cầu bức thiết cho sự phát triển

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong những năm gần đây, đào tạo nhân lực chất lượng cao là nội dung trọng tâm được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 càng tạo áp lực lớn trong việc đổi mới quá trình đào tạo để bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng tốt cho những ngành công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Triển vọng phát triển của ngành vi mạch bán dẫn mang đến cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt. Ảnh: NGỌC HÀ
Triển vọng phát triển của ngành vi mạch bán dẫn mang đến cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt. Ảnh: NGỌC HÀ

Những thay đổi lớn trên thị trường lao động

Để định hướng phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngày 6/6/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Ngày 4/5/2023, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách phát triển đào tạo chất lượng cao, điển hình như: Đề án chuyển giao các bộ chương trình từ nước ngoài giai đoạn 2012-2015 (Đề án 371); Đề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020" (Đề án 761); Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Theo đó, từ năm 2014 đến nay, việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã có những kết quả được ghi nhận. Công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đã được thực hiện, bước đầu hình thành một số cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế (Đức, Pháp, Mỹ,...) thông qua các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; các điều kiện bảo đảm cho đào tạo được tăng cường; chất lượng và hiệu quả đào tạo chất lượng cao có bước chuyển biến, lao động Việt Nam từng bước tham gia và đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, thực hiện ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị toàn cầu phát triển theo hướng gia tăng ở các khâu có hàm lượng tri thức cao, dẫn tới nhu cầu gia tăng lao động chất lượng cao để có được năng suất cao, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, có một thực tế, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so các nước trong khu vực và thế giới.

Báo cáo Tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán sẽ có 69 triệu công việc mới được tạo ra, 83 triệu công việc sẽ biến mất trong 5 năm tới bởi tác động của công nghệ. Xu hướng việc làm xanh cũng như các lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ nông nghiệp, nền tảng số và ứng dụng số, thương mại điện tử và giao dịch số, trí tuệ nhân tạo đều dự kiến ​​sẽ gây ra sự thay đổi lớn trên thị trường lao động.

Đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ, làm chủ công nghệ cũng là xu thế tất yếu của các chương trình đào tạo nghề tiên tiến. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn với Việt Nam khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn chậm chuyển đổi, chưa bắt kịp với sự thay đổi về công nghệ và ứng dụng công nghệ, chứ chưa nói tới việc đổi mới, sáng tạo công nghệ.

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Đảng đã xác định, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đồng thời nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Bên cạnh đó, thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới với quy mô đến năm 2025 gần 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Thị trường lao động hiện đại có nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới. Đây là cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi hệ thống giáo dục phải có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu đa dạng về số lượng, chất lượng nhân lực của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Mặc dù được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước nhưng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục lại chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về vai trò của nhân lực chất lượng cao ở một số cấp lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế; còn phổ biến tình trạng có chủ trương, định hướng nhưng thiếu hành động, có chính sách nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, việc tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đầy đủ, chưa đầu tư xứng tầm. Trong các dự án, công trình đầu tư thường chỉ quan tâm đến đất đai, vốn, công nghệ, mà ít quan tâm đến nhân lực, nguồn lực đầu vào.

Phải khẳng định lại, nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động là rất lớn, tuy nhiên việc đáp ứng còn hạn hẹp. Việc tuyển sinh nói chung, tuyển sinh, đào tạo các chương trình chất lượng cao rất khó khăn, nhất là ở những ngành nghề kỹ thuật cao, nặng nhọc độc hại, ngành năng khiếu; cơ cấu trình độ đào tạo còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới ba tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%; chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn lao động chất lượng cao của nhiều trường khó đạt được.

Nhu cầu bức thiết cho sự phát triển ảnh 1
Nhiều bạn trẻ đến phiên giao dịch việc làm tại quận Hà Đông (Hà Nội) để tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh: PHƯƠNG THU

Các giải pháp tổng thể

Để tháo gỡ những khó khăn, vượt qua thách thức hiện nay, việc đào tạo lao động chất lượng cao cần tập trung các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho sự phát triển đất nước. Cần nhận thức nguồn nhân lực chất lượng cao là tài nguyên quý giá nhất, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nhân lực chất lượng cao nói riêng theo hướng bao trùm, đồng bộ trên nhiều phương diện như đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường làm việc, việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, các điều kiện nhà ở, định cư… không chỉ tập trung vào người dạy, người học, cơ sở mà cần quan tâm đến doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo và các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; ngành, nghề đáp ứng xu hướng việc làm trong tương lai, tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin; công nghiệp bán dẫn; tự động hóa; công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ vận tải, logistics; du lịch dịch vụ (khách sạn, nhà hàng...); năng lượng mới và năng lượng tái tạo; đẩy nhanh hoàn thành việc thí điểm và nhân rộng các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ năm, nghiên cứu, bổ sung các trình độ đào tạo bậc cao theo khung trình độ quốc tế; tăng ngân sách cho phát triển đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn; nhanh chóng chuyển từ việc cấp phát ngân sách sang đặt hàng.

Thứ sáu, tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo, đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao tại doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp là một nhà trường thực hành cho người lao động.