Ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề cốt lõi

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp nước ta vì nhiều lý do chưa chú ý đến vấn đề căn bản nhất là tài nguyên đất. Chúng ta tự hào vì cây gì cũng có thể trồng được, nhưng sau đó từ ba đến bốn năm cây trồng dần thoái hóa vì chất lượng đất suy giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam cần chú trọng vấn đề cốt lõi là cải tạo và nâng cao chất lượng đất.
Việt Nam cần chú trọng vấn đề cốt lõi là cải tạo và nâng cao chất lượng đất.

Đã đến lúc Việt Nam phải định vị lại ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ để cải tạo, duy trì và phát triển tài nguyên đất một cách bền vững.

Ðất bạc màu do áp lực thâm canh

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam nằm trong nhóm các nước dùng nhiều phân bón nhất (khoảng 400 kg/ha), so lượng trung bình của thế giới (khoảng 145 kg/ha). Lượng thất thoát tương tự cũng ở mức cao (khoảng 40-60% với phân đạm và 30-40% với phân lân).

"Do áp lực thâm canh tăng năng suất, đại bộ phận nông dân thời gian trước đều sử dụng khối lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình này diễn ra trong thời gian dài dẫn đến tình trạng đất bị chai cứng, độ thoáng khí giảm, khả năng giữ nước kém. Đất dần dần bị thoái hóa về mặt vật lý. Nếu lạm dụng, lượng thất thoát sẽ tồn trữ trong đất, hoặc tan ra và ngấm xuống ao, hồ, sông, suối, gây ô nhiễm môi trường", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, TS Phùng Hà khẳng định.

Trước những hậu quả rõ ràng từ tình trạng lạm dụng phân bón, đã đến lúc nông dân phải dứt khoát nói "không" với tập quán sản xuất cũ. Trong xu thế nông nghiệp mới, nhằm bảo đảm yếu tố năng suất, kinh tế, môi trường, sức khỏe, lại phù hợp với điều kiện của người dân cần phối hợp sử dụng cân đối giữa phân vô cơ và phân hữu cơ. Để có được tỷ lệ phối hợp một cách chính xác, cần ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ mới xuyên suốt quá trình nghiên cứu và đánh giá cụ thể với từng vùng.

Giải pháp phân tích chất lượng đất

PGS, TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam), nhận định: Dù nước ta đã có những đánh giá về đất trồng lâu năm, các vấn đề sức khỏe của đất, vi sinh vật và dinh dưỡng trong đất vẫn chưa được đặt làm trọng tâm. Muốn cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, ít bị sâu bệnh, phụ thuộc rất nhiều vào độ phì nhiêu của đất.

Thực tế, nền nông nghiệp hữu cơ nước ta chưa có phương pháp phân tích vi sinh đất toàn diện, quá trình canh tác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và trực giác nên khó có thể đạt được năng suất ổn định. Để giải quyết thách thức này, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển công nghệ SOFIX (Soil Fertile Index: tạm dịch chỉ số độ phì nhiêu của đất), giúp phân tích, đánh giá và xác định các chỉ số phản ánh sức khỏe của đất dựa trên số lượng vi sinh vật, từ đó đề xuất phân bón phù hợp nhằm nâng cao mức sản sinh đất và năng suất trong nông nghiệp hữu cơ.

Năm 2023, mẫu đất trồng thanh trà tại phường Thủy Biều (thành phố Huế) đã được đem về Nhật Bản phân tích để có những đánh giá sơ bộ về dinh dưỡng vùng đất trồng. Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc về triển khai dự án thí điểm dự án, đồng thời xây dựng Trung tâm thí nghiệm SOFIX.

Tháng 3/2024, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình khảo sát và xây dựng kế hoạch thử nghiệm giải pháp công nghệ phân tích SOFIX trên một số diện tích trồng chè, nhằm đưa ra những đánh giá cụ thể và định hướng trong việc cải tạo đất. Tất cả nhằm hướng tới giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng chè cũng như tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế.

Chú trọng nông nghiệp thông minh

Bên cạnh xây dựng hệ thống dữ liệu, phần mềm, thúc đẩy các giải pháp phân tích và cải tạo chất lượng đất, việc tiếp cận các xu hướng khoa học công nghệ mới, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác cũng là hướng đi bền vững giúp người dân giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh. Trong đó, ứng dụng internet vạn vật (IoT) đang tỏ rõ những ưu thế vượt trội.

Thông qua hệ thống cảm biến, nông dân sẽ thu thập, đo đạc và giám sát đất đai hiệu quả (về nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, độ pH, mức CO2 hay chất lượng nguồn nước). Sau quá trình phân tích, ứng dụng sẽ tính toán và tối ưu lượng nước tưới cần thiết, loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật phù hợp... cũng như thời điểm sử dụng chuẩn xác, giúp nông dân xây dựng kế hoạch canh tác hiệu quả. Từ số liệu đo được, người nông dân sẽ nắm rõ bản đồ thổ nhưỡng cho từng khu vực nhỏ trên cánh đồng, qua đó bảo đảm năng suất cây trồng đồng thời duy trì tính bền vững của đất.

Hiện nay, Đà Lạt cũng được xem là một trong số những địa phương điển hình ứng dụng các xu hướng khoa học công nghệ mới. Có thể kể đến khoảng 172 ha ứng dụng công nghệ Hortimax và 10 ha ứng dụng công nghệ Cilime (đều của Hà Lan), nhiều canh tác công nghệ cảm biến được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Italy để canh tác lan hồ điệp. Nhiều hộ dân cũng sử dụng các thiết bị IoT đồng bộ của Israel…

"Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" là thương hiệu được tỉnh Lâm Đồng quảng bá rộng rãi nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mặt hàng nông sản chủ lực địa phương. Chính tên gọi này cũng hàm chứa mục tiêu phát triển bền vững - cải tạo chất lượng và nâng cao sức sống cho chính vùng "đất lành".

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để phát triển bền vững.