Từ những hình mẫu thành công

Là những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, Đức và Nhật Bản cũng là hình mẫu thành công trong lĩnh vực quản lý đất. Họ đạt được thành quả dựa trên việc xây dựng nguyên tắc cơ bản trong quản lý và thực hiện hiệu quả điều đó.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng nguyên tắc cơ bản trong quản lý đất giúp Nhật Bản tránh hiện tượng đầu cơ tăng giá, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi. Ảnh: Grow Externship
Xây dựng nguyên tắc cơ bản trong quản lý đất giúp Nhật Bản tránh hiện tượng đầu cơ tăng giá, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi. Ảnh: Grow Externship

Coi trọng lợi ích cộng đồng

Trong 150 năm qua, Nhật Bản có sáu lần sửa đổi, cải cách lớn những quy định của pháp luật liên quan đến quản lý đất. Lần cải cách lớn gần nhất của Nhật Bản diễn ra vào năm 1989. Việc Nhật Bản cần có một bộ luật mới khi ấy là nhu cầu cấp thiết, trong bối cảnh quốc gia này đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo ghi nhận của Chính phủ Nhật Bản cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, việc áp dụng những quy định cũ về quản lý đất đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Thứ nhất, giá đất tăng phi mã, hiện tượng đầu cơ đất xảy ra ở nhiều nơi. Thứ hai, chính phủ gặp khó trong việc thu hồi đất để xây dựng hạ tầng cho khu vực công. Thứ ba, các đô thị mới phát sinh nhiều tệ nạn.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã điều chỉnh, quản lý tài nguyên đất trên cơ sở xây dựng bộ nguyên tắc cơ bản mới. Mọi quy định, điều luật sau đó phải xoay quanh những nguyên tắc này. Có thể ví đây như một "Hiến pháp" riêng của Nhật Bản dành cho quản lý đất, nguồn tài nguyên giá trị nhưng có giới hạn.

Những nguyên tắc cơ bản về quản lý tài nguyên đất của Nhật Bản bao gồm: Ưu tiên lợi ích của khu vực công lên trên khối tư nhân; sử dụng đất đúng mục đích, chú trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn văn hóa; ngăn cản những hoạt động đầu cơ đất; đặt "gánh nặng" lên các bên muốn kiếm lời từ đầu cơ tăng giá đất.

"Gánh nặng" cơ bản được chính phủ Nhật Bản đặt lên vai những người đầu cơ đất là thuế. Mức thuế suất cao cho hoạt động mua đi bán lại trong thời gian ngắn đã ngăn cản việc đầu cơ. Bên cạnh đó, với bất động sản gắn liền với nhà, chủ sở hữu có trách nhiệm cải tạo, sửa chữa để căn nhà đạt tiêu chuẩn để ở.

Việc xây dựng bốn nguyên tắc cơ bản về quản lý tài nguyên đất đã giúp Nhật Bản thoát khỏi bong bóng đầu cơ. Điều này đặc biệt hiệu quả ở những khu vực nông thôn và ngoại ô, nơi chỉ có những người mua đất với mục đích xây nhà, định cư; chứ ít khi nào nghĩ đến chuyện bán lại thu lợi nhuận.

Mô hình thành công trong quản lý tài nguyên đất của Nhật Bản có thể áp dụng với Việt Nam vì nhiều lý do. Thứ nhất, cả hai nước đều là những quốc gia đất rộng, người đông. Thứ hai, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về mặt văn hóa, lịch sử. Thứ ba, Nhật Bản có kinh nghiệm đi trước trong xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý đất khi kinh tế tăng trưởng nóng.

Ưu tiên không gian cho nông nghiệp

Tương tự Nhật Bản, nước Đức cũng thành công trong hoạt động quản lý tài nguyên đất. Quốc gia châu Âu này chia tỷ lệ diện tích đất theo khu vực kinh tế và mỗi bang có những quy định riêng để quản lý. Tuy nhiên, hoạt động đó được đồng bộ với chính quyền cấp liên bang theo tiêu chí chung: Phải dành không gian cho tài nguyên rừng và nông nghiệp.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ diện tích đất rừng của Đức hiện ở mức 30%, đất nông nghiệp là 57%. Chỉ có 13% diện tích đất tại Đức được sử dụng cho hoạt động công nghiệp - dịch vụ, cũng như đất ở. Tỷ lệ này cao hơn ở những khu vực đô thị, nhưng ngay ở những nơi sầm uất nhất, Đức vẫn có không gian dành cho đất rừng và đất nông nghiệp lên tới 73%.

Vì sao Đức để dành một không gian rất lớn cho đất rừng và đất nông nghiệp? Rất lâu trước khi những khái niệm "phát triển kinh tế xanh" hay "phát triển kinh tế bền vững" được nhắc đến, cường quốc này đã nghĩ đến điều đó. Nông lâm nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu GDP, nhưng là nền móng cần thiết để xây dựng một nền kinh tế khỏe mạnh.

Với diện tích đất rừng chiếm 30%, Đức có một không gian xanh để bảo vệ môi trường. Với 57% diện tích đất nông nghiệp, họ có thể bảo đảm an ninh lương thực trong những giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, hay lạm phát tăng cao cũng không thể ngay lập tức khiến kinh tế Đức chao đảo, chừng nào nông nghiệp của họ còn vững mạnh.

Quan trọng hơn, nông lâm nghiệp cũng là nhân tố gián tiếp đóng góp vào GDP, thông qua những hoạt động chế tác sản phẩm từ gỗ, hoặc xuất khẩu thực phẩm đã chế biến. Việc hiểu đúng về cách tính GDP cũng giúp Đức nghiêm túc bảo vệ ngành nông lâm nghiệp của họ hơn, qua đó củng cố một vị trí trong nhóm bốn nền kinh tế dẫn đầu thế giới.