Một thỏa thuận không trong chính sách

Ở Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) những người H’Mông giữ rừng, bảo vệ đất, không căn cứ theo một văn bản nào. Bởi, ở khía cạnh nào đó, tầm nhìn của tập quán thậm chí đã đi trước và đi xa hơn cả chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng tự hào chỉ tay vào những tán rừng đã tồn tại 30 năm.
Già làng tự hào chỉ tay vào những tán rừng đã tồn tại 30 năm.

QUAN Hồ Thẩn là vùng khí hậu bán ôn đới, nơi những du khách phương xa có thể ngỡ ngàng trước cảnh vật "như trong phim". Giống phim, bởi những cánh rừng sa mộc lá kim trải dài xanh mướt bên triền núi thoải, bên con suối lớn chảy xiết, sẽ gợi nhớ đến kiểu khung cảnh đã được điện ảnh Âu Mỹ huyền thoại hóa.

Bên dòng suối, trên con đường nhỏ uốn quanh, những nếp nhà của người H’Mông, người Dao nằm yên bình. Cả một vùng rộng hàng chục cây số vuông, chỉ có vài nghìn người sinh sống.

Nhưng Quan Hồ Thẩn khác rất xa thiên đường. Những mái nhà nhỏ bình yên ấy có thể đổ sụp xuống theo triền đất, trôi xuống chân núi như một mẩu bánh bích quy sau bất kỳ cơn lũ nào. Trong tiếng gào khóc của con người và tiếng la hét của đàn gia súc bị cuốn trôi giữa đêm khuya.

Rừng mất. Chất lượng đất giảm sút cùng thói quen canh tác bằng thuốc hóa học. Những triền núi bỗng trở nên mong manh. Ngay cả nhiều năm sau khi một trận lũ lớn qua đi, bạn vẫn sẽ nhìn thấy dấu tích đau thương của nó: căn nhà đã bị trôi mất một nửa, không bao giờ được dựng lại nữa; những vết sạt như cào vào triền núi; những viên đá hộc to bằng chiếc xe tải đã lăn từ đỉnh núi xuống để nằm im lìm trong lòng suối… Và bạn vẫn sẽ nhìn thấy nỗi buồn trong mắt những con người đã mất nhà, mất gia súc, mất cả người thân, khi mặt đất dưới chân họ đã mềm yếu đi vì thiếu rừng.

NGƯỜI H’Mông ở Quan Thần Sán (bây giờ là Quan Hồ Thẩn) có năm dòng họ: họ Cư, họ Giàng, họ Lứu, họ Tráng và họ Sùng. Và họ chia nhau ra giữ rừng. Nếu hỏi già làng của dòng họ Cư, rằng "lý do giữ rừng là gì?", bạn sẽ được nghe phân tích bài bản như chuyên gia môi trường.

"Đầu tiên là để giữ đất, sau đó là để bảo đảm nguồn nước, cuối cùng là để nếu có ai trong dòng họ ra riêng lập gia đình thì sẽ được hỗ trợ năm cái cây", ông Cư Seo Phú liệt kê. Nghĩa là trong nhận thức của họ, rừng không phải là chuyện của cây, mà là chuyện của đất: Rễ cây sẽ giữ cho đất chặt, không dễ bị cuốn trôi trong mưa lũ; thảm thực vật giúp hấp thu nước và duy trì nguồn nước sinh hoạt. Việc khai thác gỗ chừng mực (mỗi hộ mới được hỗ trợ năm cây) chỉ là thứ được đề cập cuối cùng.

Có những cánh rừng đã bị chặt trắng, những triền đồi bở tơi trong mưa lũ. Nhưng cũng có những vạt rừng đã được các dòng họ giữ đến 30 năm theo cách đó.

Giữ đất bằng hương ước là một thỏa thuận đi trước chính sách. Nó đi trước cả các quyết định giao đất rừng cho hộ dân của Nhà nước trong những năm qua. Thậm chí, nó tạo ra một chủ thể mà đến bây giờ chính sách chưa bao phủ được: "dòng họ". Nhà nước chỉ giao cho hộ, giao cho địa phương, chứ không có chính sách với "dòng họ". Nhưng, thiết chế dòng họ tạo ra năng lượng sống cho những vùng đất này.

Các dòng họ ở Quan Hồ Thẩn lập nên "đội tuần tra". Đội này sẽ phát hiện những người đang chặt cây trên đất mà dòng họ quản lý. Một người chặt cây (mà thường cũng là dân địa phương từ nơi khác đến) sẽ bị phạt hai trăm nghìn đồng và mười con gà. Gà này sẽ được dùng để khao luôn đội tuần tra. "Nếu ăn không hết thì gọi cả làng đến ăn, nhưng mà phải phạt mười con". Cũng không có thang bậc chính sách nào cho cái "mức phạt" ấy. Họ đã tự đo lường sức răn đe của nó, dựa vào hiểu biết về mức sống của chính vùng đất này.

Họ tự tin nói với khách phương xa: Những ngôi làng không bị lũ cuốn, chính là những ngôi làng giữ rừng. "Giữ rừng" không chỉ đồng nghĩa với việc chống chặt cây. Việc dùng thuốc diệt cỏ cũng sẽ khiến hệ thống rễ cây chết, khiến đất bở - Tẩn Duần Chẳn, già làng của thôn Sải Duần nói. Ai bị phát hiện phun thuốc diệt cỏ, cũng sẽ bị phạt 200.000 đồng, theo hương ước của thôn Sải Duần.

Cách đây gần chục năm, một nhóm các nhà báo và nhà hoạt động môi trường đã từng tổ chức một chiến dịch nhỏ, kêu gọi đưa các "dòng họ" vào đối tượng điều chỉnh của chính sách, được giao rừng. Chiến dịch chưa thành công. Nhưng ngay cả khi có được quy định trong luật hay không, "giữ rừng bằng hương ước" cũng vẫn là một thực tế đã, đang và sẽ tồn tại giữa những cánh rừng xanh còn sót lại ở Si Ma Cai.

ĐÔI khi, không có gì quan trọng hơn sự đồng lòng. Và đôi khi, chỉ cần nhìn vào niềm tự hào của một già làng, khi chỉ tay vào những tán rừng đã tồn tại 30 năm, người ta biết rằng mảnh đất đó sẽ có tương lai.