Thay đổi tư duy đào tạo

Các nước phát triển trở thành những "con hổ hùng mạnh" khi đầu tư cho nguồn lực con người và nhân lực chất lượng cao. Việt Nam ta có thể tham khảo, học tập những quốc gia này về tư duy đào tạo để có thể bắt nhịp được nhu cầu của thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Ở Đức, rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo lao động.
Ở Đức, rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo lao động.

1. Để nguồn nhân lực thích ứng sự thay đổi của khoa học và công nghệ, các nước phát triển đều có cách làm khác nhau phù hợp với đất nước của họ. Tuy nhiên, về bản chất họ đều dựa trên các nguyên tắc, như: hoạt động đào tạo từng bước chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp đòi hỏi lao động chất lượng cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Phần lớn các nước tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp trong tất cả các công đoạn; có các giải pháp đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao giúp người lao động nâng cao năng lực, kỹ năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của khoa học và công nghệ.

Cụ thể hơn, Nhật Bản có triết lý: "Người Nhật cộng với khoa học kỹ thuật phương Tây". Nhật Bản vốn là một quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi, không có nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Chính phủ Nhật Bản ưu tiên tuyển chọn, đào tạo những người tài giỏi thích hợp công cuộc hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó họ chú trọng, tăng cường giáo dục đào tạo nghề; khuyến khích lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi bằng cách thực hiện chế độ lên lương và tăng thưởng thâm niên. Mặt khác, các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có khả năng thích ứng nhanh với điều kiện làm việc luôn thay đổi và nhạy bén trong làm chủ công nghệ.

Cộng hòa Liên bang Đức lại có cách đào tạo nghề "kép", được thiết lập vững chắc trong hệ thống giáo dục Đức có từ hàng trăm năm qua. Một đặc tính quan trọng của cách đào tạo nghề "kép" là sự hợp tác giữa các công ty tư nhân và các trường dạy nghề công lập. Chính phủ liên bang tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo.

Các chương trình đào tạo nghề luôn cập nhật xu hướng phát triển của thời đại cũng như xu hướng xuất hiện nghề mới. Hay nói cách khác, những thay đổi của nền kinh tế Đức đều được đưa vào cơ sở dạy nghề. Ở doanh nghiệp, học viên phải học việc như một công nhân thực thụ và được giao công việc từ đơn giản đến phức tạp. Học viên sau khi tốt nghiệp được làm ở doanh nghiệp, hoặc có thể tìm việc ở công ty khác, nhưng cơ bản mỗi học viên đều có một sức đề kháng rất tốt đối với bất cứ sự thay đổi nào của thị trường lao động. Nhờ vậy mà tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Đức rất thấp.

2. Tại Australia, hệ thống đào tạo nghề cũng rất toàn diện, đồng bộ, linh hoạt và có tính liên thông cao giữa hai hệ thống dạy nghề và giáo dục đào tạo. Các ngành công nghiệp và chính phủ liên kết với nhau để xây dựng nội dung đào tạo, sau đó triển khai theo các chương trình đào tạo được công nhận trên toàn quốc. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo và phần lớn thời gian của học viên là thực hành tại doanh nghiệp. Học viên được học với chuyên gia, những người có đam mê, họ không chỉ hiểu ngành nghề đang đào tạo mà còn có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực chuyên môn, đồng thời luôn cập nhật những thay đổi trong mỗi lĩnh vực. Học viên học tập ngay trong khi thực hành, tức là học viên được học hỏi kinh nghiệm về ngành học trong môi trường công việc thật sự. Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo nghề có sự phối hợp rất tốt với các nghiệp đoàn. Điều này giúp học viên có kinh nghiệm nghề thực tế bảo đảm cho việc tuyển dụng trong lĩnh vực nghề mà học viên chọn.

Hay tại Ireland, các trường đại học chủ yếu đào tạo về lý thuyết, nghiên cứu khoa học, còn các viện công nghệ chủ yếu dạy nghề. Trong các viện công nghệ đều có trung tâm nghiên cứu, phát triển. Các trung tâm nghiên cứu này không chỉ nghiên cứu các sản phẩm mới, phục vụ đào tạo cho sinh viên trong viện mà còn đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho các công ty có nhu cầu. Sinh viên có 50% thời gian thực hành, trong đó phần lớn là học và thực hành tại doanh nghiệp. Ngày nay, Ireland tập trung vào nghiên cứu, đào tạo lao động lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, thiết bị y tế… Chính sách tốt, chế độ đào tạo bài bản này đã khiến hầu hết các công ty lớn trên thế giới muốn đến đầu tư vào Ireland, trong đó có Intel, Google,… Riêng Mỹ có hơn 400 công ty đầu tư vào quốc gia này.

3. Kinh nghiệm của một số nước đã gặt hái được thành công trong công cuộc đổi mới kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,… cho chúng ta hình dung bức tranh về sức mạnh của nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời cho thấy rõ tính cấp thiết, rằng Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển thu hút và trọng dụng nhân tài, tạo bước chuyển toàn diện trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài nhằm góp phần quan trọng vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.