Lời cảnh báo gay gắt

Nền văn minh nhân loại đã bước vào thời kỳ phát triển khoa học công nghệ cao. Song, loài người càng nhận thức rõ rệt hơn: Đất đai là tài nguyên môi trường thiên nhiên không thể thay thế.
0:00 / 0:00
0:00
Sự suy giảm rừng đầu nguồn cũng là nguyên nhân tạo nên xói mòn và rửa trôi, làm suy thoái đất nông nghiệp. Ảnh: Khoa Đăng
Sự suy giảm rừng đầu nguồn cũng là nguyên nhân tạo nên xói mòn và rửa trôi, làm suy thoái đất nông nghiệp. Ảnh: Khoa Đăng

Nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia

Theo các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP): Hằng năm, trên toàn thế giới, có khoảng 5-7 triệu ha đất bị mất khả năng sản xuất do bị thoái hóa.

Nhìn nhận về thực trạng này, TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đánh giá: Một trong những vấn đề môi trường toàn cầu cuối thế kỷ 20 là thoái hóa đất và hoang mạc hóa ngày càng gia tăng. Sau những năm 2000, có xấp xỉ một phần ba diện tích đất canh tác thế giới bị hủy hoại.

Quả vậy, thoái hóa đất và hoang mạc hóa không chỉ làm biến đổi khí hậu, làm mất đi năng suất sinh học nuôi sống con người mà còn dẫn đến nạn đói cùng tình trạng di cư, gây mất ổn định xã hội trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa đã trở thành nhiệm vụ cấp bách ở mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, kể từ khi tham gia "Công ước chống sa mạc hóa" được thông qua tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về môi trường và phát triển ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng năm 2020 (Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ngày 2/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, khẳng định nhiệm vụ chống sa mạc hóa ở nước ta, chủ yếu là ngăn chặn thoái hóa đất, khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển…

Những xu hướng đáng quan ngại

Với nhịp độ gia tăng dân số, tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hóa như hiện nay, diện tích đất canh tác ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm, TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định.

Ông diễn giải thêm: Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nền kinh tế đang trên đà phát triển. Hàng trăm khu công nghiệp mọc lên, nhiều làng nghề truyền thống được hồi sinh và khuếch trương. Quá trình sản xuất công nghiệp đã phát sinh ra một lượng lớn nước thải và chất thải rắn, trong đó 20% là chất thải rắn nguy hại, gồm có xỉ, nước thải lẫn dầu mỡ, giẻ lau dầu, bóng đèn huỳnh quang, pin, bình ắc-quy, bảng mạch điện tử…

Chất thải nguy hại nếu không được thu gom và xử lý riêng mà đổ lẫn cùng chất thải thông thường hoặc lén lút đổ xả ra môi trường, sẽ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm kim loại nặng trong nguồn nước mặt, nước ngầm và đất.

Không chỉ vậy, quá trình thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp cùng với việc sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, bón không cân đối và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến môi trường đất bị ô nhiễm và suy thoái.

Cũng còn phải kể tới việc giảm diện tích đất nông, lâm nghiệp làm mất diện tích lớp phủ thực vật, khiến cho tác động tiêu cực của các quá trình tự nhiên như mưa, gió, lũ, lụt,… gia tăng. Môi trường đất bị tác động nặng nề bởi hiện tượng lũ lụt, lũ quét và lũ ống dẫn đến hiện tượng xói mòn và rửa trôi ở các vùng đồi núi… làm suy thoái chất lượng đất, đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Hiện tượng xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên diện rộng tại hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp ven biển Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất ngày càng có nguy cơ nhiễm mặn là do hệ thống thủy lợi không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu rửa mặn, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (thiếu nước ngọt và nước biển dâng).

Nhưng bên cạnh đó, còn cả nguyên nhân nuôi trồng thủy sản không có quy hoạch đã đưa nước biển vào gây mặn hóa đất, hay việc trữ nước của các đập thủy lợi - thủy điện của các quốc gia vùng thượng nguồn làm hiện tượng nhiễm mặn diễn ra ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả quan trắc 5 năm gần đây cho thấy, độ mặn có xu hướng tăng nhẹ ở điểm trồng lúa, nhưng tăng mạnh ở các điểm áp dụng mô hình lúa-tôm và tôm. Nhiều vùng có độ mặn cao dẫn đến tình trạng lúa chết, phải chuyển đổi loại hình sử dụng đất khác, TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.

Song song, quá trình thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp cùng với việc bón nhiều phân bón hóa học đã làm cho đất bị chai, nghèo hữu cơ, mất cân bằng dinh dưỡng, môi trường đất bị ô nhiễm và suy thoái. Có địa phương, lượng phân bón được sử dụng cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo...

Trong bối cảnh đó, quá trình quy hoạch và sử dụng đất của nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành và lĩnh vực. Tình trạng phổ biến hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu mục đích sử dụng đất làm suy giảm mạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hóa, quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng vào mục đích xây nhà ở, các khu công nghiệp và thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông. Xu hướng tích lũy các kim loại nặng trong đất, vì thế, cũng đang tăng và biến động khá mạnh.

Thay đổi cách hành xử với đất

Môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật cạn, là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Đất là một nguồn tài nguyên quý giá, con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người.

Diện tích phần đất liền nước ta là 33,115 triệu ha, với hơn 13,8 triệu ha rừng (10,4 triệu ha rừng tự nhiên và 3,4 triệu ha rừng trồng); độ che phủ đạt 41,8%; gần 9,5 triệu ha đất trồng trọt cây hằng năm (dưới 30%) và hơn một triệu ha đất (ngập nước) nuôi trồng thủy sản, trong đó hơn 738 nghìn ha đất ngập nước mặn, nước lợ và gần 300 nghìn ha đất ngập nước ngọt (GSO, 2012) .

Thực trạng ấy, với những nguyên nhân đã nêu, làm bật lên một nhu cầu bức thiết: Cần phải nâng cao công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đất, quản lý sử dụng đất, để bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp không bị ô nhiễm bởi các loại hình sử dụng đất khác (do ảnh hưởng từ hoạt động của các thành phần kinh tế), ngăn ngừa sự xâm nhiễm và lan tỏa của chất ô nhiễm, hạn chế các quá trình suy thoái môi trường đất cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên môi trường đất, bảo đảm sản xuất và phát triển bền vững, TS Nguyễn Mạnh Hà khuyến nghị.

Trong bối cảnh như hiện nay, không có cách nào khác, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các chương trình quốc gia, với sự chung tay vào cuộc toàn diện của các cấp, bộ, ban, ngành liên quan, để kiện toàn khâu quản lý nhà nước theo hướng khoa học và hiện đại. Bên cạnh đó, từng cá nhân, tập thể, cộng đồng… đang sử dụng tài nguyên đất cũng cần nâng cao nhận thức và thay đổi cách hành xử với đất bằng hành động thực tế nhằm đẩy lùi nguy cơ thoái hóa đất.

Đó chính là nhiệm vụ thiết yếu đối với hành trình bảo vệ nguồn sống của nhân loại.

Tình trạng thoái hóa đất ở Việt Nam để lại hậu quả: Hơn 13 triệu ha đất trống đồi trọc, gần 9,3 triệu ha xuất hiện hoang mạc hóa gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 22 triệu người. Đây là số liệu thống kê vào năm 2006, tình trạng hiện nay còn đáng quan ngại hơn.