Hai mặt của một cách làm

Du lịch cộng đồng đang là loại hình mang lại nhiều lợi ích kinh tế bền vững cho cư dân bản địa; giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Sin Suối Hồ hướng dẫn khách du lịch thêu thổ cẩm. Ảnh: HÀ HẢI
Người dân Sin Suối Hồ hướng dẫn khách du lịch thêu thổ cẩm. Ảnh: HÀ HẢI

Trao quyền cho cộng đồng làm du lịch

Tối trước, đoàn chúng tôi ở nhà anh Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ngồi quây quần bên nhau trước hiên nhà, anh Gai kể, năm 2010, du lịch cộng đồng được chọn là một trong những giải pháp trọng tâm trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, mỗi huyện và thành phố được lựa chọn tham gia đăng ký xây dựng một làng du lịch cộng đồng.

Gia đình anh Gai là một trong ba gia đình tiên phong làm du lịch cộng đồng khi chưa biết chút gì về mô hình du lịch này, cũng như về dịch vụ "homestay". Nhưng, bước từng bước một trên chặng đường hoàn toàn mới mẻ ấy, cuộc sống của gia đình anh và các gia đình trong thôn đã thay đổi hẳn. Tiếp xúc với du khách đến từ nhiều nền văn minh khác nhau, người dân dần học cách ứng xử ôn hòa, chiều chuộng khách; giữ nhà cửa khang trang, sạch sẽ, đường làng lối ngõ tươm tất. Công việc đem lại thu nhập tăng lên gấp nhiều lần, điều mà trước đó, có khi người Lô Lô Chải còn không dám mơ tới.

Trong câu chuyện, có một điều mà khi nhắc đến, giọng của anh Gai vẫn rất xúc động: Để làm dịch vụ "homestay" thành công, phải giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mất văn hóa là mất tất cả. Sẽ không khách nào đến. Lai căng lại càng không được vì khách bây giờ đều là những người rất hiểu biết. Mong muốn của họ là được trải nghiệm, khám phá một nền văn hóa khác với của họ. Anh Gai bảo: "Từ khi biết làm du lịch, người Lô Lô chúng tôi yêu văn hóa dân tộc mình hơn, yêu quê hương hơn, ham làm giàu chính đáng và suy nghĩ về mọi việc tích cực hơn". Nhà anh Gai ngay đầu làng, hoa cỏ rung rinh, rực rỡ mọi phía. Cây đào trước nhà trổ lá xanh mướt, đang ra quả non.

Ở Lô Lô Chải, khoảng 90% số dân là người Lô Lô và vẫn lưu giữ khá vẹn nguyên những nét văn hóa khác biệt, độc đáo: Từ kiến trúc nhà trình tường, mái lợp ngói máng mang một mầu nâu ấm, đẹp như trong cổ tích; các nghề truyền thống (thêu, mộc...) tới các lễ hội (lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ cúng tổ tiên...), với những điệu múa dân gian và âm thanh sống động.

Bản Sin Suối Hồ của người dân H’Mông (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cũng là một thí dụ điển hình cho việc hoạt động du lịch do cộng đồng sở hữu và điều hành.

Mỗi lần khách đến, cả bản ra đón. Trong bản, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói. Dân trong bản tự pha thảo quả với mật ong rừng, đựng trong ống tre, thành món đồ uống đặc trưng mời khách. Người dân vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt và lao động thường ngày. Cạnh chợ, sát bên bờ ruộng là một sân khấu ngoài trời, nơi người dân trình diễn các tiết mục văn nghệ hoặc mô phỏng lại các hoạt động lao động sản xuất, nếp sinh hoạt.

Có hơn 20 hộ gia đình làm "homestay" ở Sin Suối Hồ. Nhà nào cũng có cổng chào, biển báo bằng gỗ, trên đó, dây thừng hoặc dây mây được tết và tạo hình nét chữ để "ghi" thông tin số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà, rất độc đáo. Bên trong nhà được trang trí bằng các sản phẩm thổ cẩm, hoa văn truyền thống. Bộ bàn ghế uống nước bằng mây, tre hoặc gỗ. Quanh làng, chỗ nào cũng rực rỡ các loài hoa nở. Dường như, mọi chi tiết cuộc sống nơi đây đều thân thiện với thiên nhiên.

Người Sin Suối Hồ trồng rất nhiều cây hoa địa lan, như một cách kết hợp du lịch và nông nghiệp, gia tăng nguồn thu. Quanh bản có nhiều điểm tham quan: Thác trái tim, trải nghiệm săn mây đỉnh núi, chợ phiên vùng cao vào thứ bảy hằng tuần…

Năm 2023, tại Diễn đàn Hội chợ du lịch quốc tế ASEAN diễn ra tại thành phố Yogyakarta (Indonesia), Sin Suối Hồ được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022.

Phát triển bền vững bằng văn hóa và từ văn hóa

Nhưng không phải nơi nào phát triển du lịch cộng đồng cũng theo hướng tích cực như ở Lô Lô Chải hay Sin Suối Hồ. Ở không ít địa phương, du lịch cộng đồng phát triển ồ ạt, không quy hoạch, không định hướng, không theo tiêu chuẩn chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Sự thương mại hóa thuần túy với tâm lý mong kiếm tiền nhanh của người cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng dẫn đến nguy cơ làm tầm thường hóa văn hóa bản địa, chỉ để "mua vui" cho khách trong chốc lát. Các vấn đề khác cũng rất cần được quan tâm là sự lai căng văn hóa, bắt chước lối sống của du khách, sa sút đạo đức truyền thống… Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, sẽ là sai lầm nếu chỉ nhìn thấy mặt tích cực của du lịch trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa mà coi nhẹ mặt trái tiêu cực phát sinh kèm theo. "Nhưng cũng không vì ảnh hưởng tiêu cực mà hạn chế sự nghiệp phát triển du lịch. Mấu chốt của vấn đề là làm sao nhìn rõ các ảnh hưởng tiêu cực để kiểm soát, kéo giảm chúng" - ông Cương nhấn mạnh.

Các chuyên gia du lịch khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương dứt khoát phải theo hướng bền vững. Quá trình phát triển du lịch cộng đồng phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ tổ chức, sản xuất du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch. Hài hòa lợi ích giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp du lịch và du khách nhằm đạt tới mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên; giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa địa phương. Mỗi người dân phải là một sứ giả truyền tải đến du khách những giá trị của bản sắc văn hóa ấy bằng tình yêu, niềm tự hào và tự tôn dân tộc. Đó là điều không bao giờ được để mất.